Sản xuất lúa gạo bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài cuối: Tương lai cho hạt gạo Việt Nam

Với mức tăng xuất khẩu gạo dự kiến 2%/năm, đến năm 2015 Việt Nam có thể xuất khẩu (XK) trên 9 triệu tấn gạo. Sản lượng gạo cho XK và tiêu thụ trong nước có thể được đảm bảo nhưng, điều làm các nhà quản lý, doanh nghiệp XK “đau đáu” là phải định vị được thương hiệu hạt gạo Việt Nam trong thị trường đang có nhiều biến động.

Từ nỗi lo thay đổi thị trường

Là nhà cung cấp hàng đầu, chiếm đến 30% thị phần XK, việc tăng giá thu mua nội địa của gạo Thái Lan đã tác động không nhỏ đến giá thị trường thế giới. Những nước XK gạo, trong đó có Việt Nam đang hưởng lợi nhất định từ việc nâng giá này. Các chuyên gia kinh tế nhận định, nếu Thái Lan vẫn tiếp tục duy trì chính sách trên kéo dài ít nhất 4 - 5 năm thì các doanh nghiệp nước ta chỉ có thể hưởng lợi các năm đầu. Tuy nhiên, giá gạo tăng cũng kích thích việc sản xuất, gia tăng sản lượng ở các quốc gia khác. Việc gia tăng nguồn cung khiến thị trường gạo thế giới sẽ thay đổi cả về nguồn cung và giá cả.

Thành công của mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đang mang lại hy vọng cho tương lai tươi sáng của ngành lúa gạo (ảnh chụp ở huyện Tam Nông – tỉnh Đồng Tháp).


Ở một phân khúc gạo giá rẻ, gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với gạo của Ấn Độ và Pakixtan. Thông tin từ Bộ Công Thương, gạo loại thông dụng của Việt Nam trước đây có mặt ở nhiều thị trường nhưng hiện phải cạnh tranh với gạo của Ấn Độ và Pakixtan. Bởi giá XK gạo loại 5% tấm của Việt Nam có giá bán khoảng 570 - 575 USD/tấn, thấp hơn Thái Lan khoảng 20 - 25 USD/tấn nhưng cao hơn gạo Ấn Độ và Pakixtan từ 100 - 120 USD/tấn. “Thời gian sắp tới các doanh nghiệp sẽ rất mệt mỏi với 2 đối thủ mới này và thực tế hiện phần lớn thị trường gạo bán cho châu Phi của nước ta đã bị Ấn Độ lấy mất khách hàng do giá bán rẻ”, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam than.

Nhìn về thị trường những năm tới, ông Phạm Quang Diệu, chuyên gia công ty cổ phần phân tích và dự báo thị trường Việt Nam (Agromonitor), dự báo sẽ có nhiều yếu tố tích cực và tiêu cực đan xen tạo ra môi trường thương mại gạo nhiều biến động, rủi ro. Diễn biến gạo trên thị trường thế giới vẫn còn hết sức phức tạp, chủ yếu bắt nguồn từ chính sách quản lý của chính phủ các nước và tình trạng thiên tai tại những quốc gia sản xuất lúa gạo trọng điểm. Hiện giá gạo Việt Nam đang kẹt giữa một bên là chính sách bảo hộ khiến giá lúa cao ngất ngưởng của Thái Lan và một bên là phân khúc giá thấp của Ấn Độ. “Việt Nam không nên quá bận tâm về vị trí trong XK gạo mà nên dành sự quan tâm nhiều hơn đến chính sách dài hạn. Vấn đề ở đây không phải là vị trí mà chính là lợi ích”, ông Diệu cho hay.

Đến lối ra “cánh đồng mẫu lớn”

Được xem là hình thức tổ chức lại sản xuất, trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đang được rất nhiều người trong cuộc kỳ vọng như lời giải cho bài toán tương lai ngành lúa gạo Việt Nam. Khái niệm này bắt đầu hình thành từ năm 2006 trên cơ sở xây dựng những cánh đồng áp dụng đồng bộ biện pháp canh tác né rầy, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm… Bước cao hơn là doanh nghiệp đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường cũng như cung cấp giống, cử đội ngũ kỹ thuật bám đồng, đầu tư những công đoạn sau thu hoạch. Tham gia mô hình, nhà nông không phải trả lãi do mua thiếu vật tư nông nghiệp, chi phí phơi sấy, vận chuyển đã góp phần gia tăng được lợi nhuận tối đa hơn 60% so với chỉ khoảng 30% của sản xuất nhỏ lẻ.

Thống kê của Cục Trồng trọt, tổng diện tích thực hiện mô hình trong vụ hè thu 2011 đạt khoảng 7.800 ha với sự tham gia của hơn 64.000 hộ nông dân. Kết quả, giá thành sản xuất đã giảm 120-360 đồng/kg lúa, tăng lợi nhuận bình quân 2 - 4 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Đánh giá của Bộ NN & PTNT, sự phát triển của mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là rất cần thiết, đảm bảo cho sự phát triển lâu dài của thương hiệu gạo Việt Nam và về lâu dài sẽ giúp hình thành vùng nguyên liệu lúa phục vụ cho XK đạt đến 1 triệu ha.

“Tuy nhiên, cái được nhất ở đây là thông qua mô hình, người trồng lúa đã nâng cao được kiến thức canh tác cũng như tự giác hơn trong việc tuân thủ những quy định của ngành chức năng về sản xuất lúa hàng hóa. Hạt lúa làm ra với sự giám sát của chính doanh nghiệp thu mua phục vụ cho XK đã được cải tiến nhiều về chất lượng, chủng loại… Hy vọng thương hiệu hạt gạo Việt Nam sẽ được nâng cao từ đây”, ông Huệ nói thêm.

Lê Nghĩa

Sản xuất lúa gạo bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 2: Cải thiện chuỗi giá trị hạt gạo - Việc cần làm ngay
Sản xuất lúa gạo bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 2: Cải thiện chuỗi giá trị hạt gạo - Việc cần làm ngay

Chuỗi giá trị hạt gạo từ cung cấp đầu vào, trồng trọt, chế biến, phân phối và tiêu thụ cuối cùng phụ thuộc vào nhiều tác nhân và yếu tố: Nông dân, thương lái, công ty xuất khẩu, cơ sở hạ tầng, thể chế hỗ trợ…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN