Sản xuất lúa gạo bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long: Bài 2: Cải thiện chuỗi giá trị hạt gạo - Việc cần làm ngay

Chuỗi giá trị hạt gạo từ cung cấp đầu vào, trồng trọt, chế biến, phân phối và tiêu thụ cuối cùng phụ thuộc vào nhiều tác nhân và yếu tố: Nông dân, thương lái, công ty xuất khẩu, cơ sở hạ tầng, thể chế hỗ trợ… Cải thiện được hoạt động của chuỗi này là củng cố được giá trị của hạt gạo Việt Nam”, Ts Võ Hùng Dũng – GĐ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ, khẳng định.

Yếu từ hệ thống

Chiếm khoảng 50% sản lượng lúa của cả nước với gần 2 triệu ha đất canh tác nhưng hiện những hộ dân trồng lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ là một tập hợp rời rạc của hàng triệu hộ tự sản xuất. Hầu hết trong số đó khả năng canh tác còn lạc hậu do trình độ học vấn không cao.

Gạo xuất khẩu đang có giá, thương lái vào tận ruộng tranh thu mua lúa của nhà nông góp phần đẩy giá lên cao. Ảnh: T.Hiếu


Theo ông Dũng, đây chính là điểm yếu nhất trong chuỗi giá trị hạt gạo. Do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên chính người nông dân trở thành nhóm sản xuất dễ bị tổn thương. Thiếu hệ thống bảo hiểm rủi ro, giao thông đi lại khó khăn, thiếu vốn, thiếu khả năng tiếp cận tín dụng… nông dân chịu tác động mạnh nhất khi các yếu tố đầu vào tăng giá. Thậm chí, khi đầu ra tăng, người nông dân không hưởng lợi trọn vẹn, trong khi giá hạ họ lại là người lĩnh đủ.

Là cầu nối giữa người trồng lúa và doanh nghiệp, hiện gần 95% lúa gạo do nông dân làm ra được thương lái thu gom, sau đó vận chuyển đến các nhà máy xay xát, cơ sở lau bóng và bán lại cho doanh nghiệp kinh doanh. Do đặc điểm mạng lưới sông rạch chằng chịt, khi hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp rầm rộ, đội ngũ thương lái càng phát huy thế mạnh trong việc thu mua, vận chuyển và giao hàng đến nhà máy, công ty. Khảo sát của ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu mua lại từ những nhà cung cấp trung gian này chiếm khoảng 70% trong tổng số gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, đội ngũ thương lái là điểm dễ phát sinh đầu cơ, lũng đoạn đẩy giá lên cao làm méo mó thị trường.

Từ năng lực nội tại trong chuỗi đã dẫn đến chất lượng lúa hiện nay đang là vấn đề khá nan giải, khi tập quán người trồng lúa vẫn còn chú trọng về số lượng hơn chất lượng, nhiều loại giống được gieo trồng trong cùng một vùng nên chất lượng gạo không thuần chủng và không đồng đều. Chưa hết, vấn đề bảo quản, thu mua, vận chuyển… của thương lái sau thu hoạch còn nhiều bất cập, gây hao hụt lớn và ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo. Vì vậy, chất lượng hạt gạo sau khi chế biến không cao, khó tiếp cận được với những thị trường khó tính. Bởi vậy giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan. “Điều này đã tồn tại trong một thời gian dài và phải mất nhiều thời gian nữa chúng ta mới cải thiện được”, ông Dũng nhận định.

Chiến lược phù hợp

Tại Festival lúa gạo lần 2 vừa được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội lương thực Việt Nam, cho rằng phải có chiến lược cải thiện chuỗi giá trị hạt gạo Việt Nam. Theo đó, ngoài việc duy trì quỹ đất tối thiểu để đảm bảo sản xuất lương thực theo mục tiêu năng suất, cần sớm có những giải pháp chống đỡ và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự hưởng lợi của nông dân… “Chính phủ đã triển khai chương trình hỗ trợ cho nông dân đầu tư mua sắm máy móc, nông cụ với lãi suất ưu đãi. Ngành nông nghiệp cũng sẽ xem xét đầu tư nâng cấp trong khu vực nông thôn, trong đó chú trọng đào tạo nâng cao trình độ ứng dụng khoa học công nghệ cho bà con nông dân… Riêng 3 năm qua, ngành cũng đầu tư nhiều hệ thống phơi sấy làm gia tăng lượng gạo thương phẩm ra thị trường”, ông Huệ nói.

Để giành được lợi thế ở ngành gạo, theo ông Dũng, cần quan tâm 2 điểm chính bao gồm: Tập trung tín dụng cho nông dân và chú ý việc dự trữ đảm bảo an ninh lương thực. Ưu đãi về tín dụng sẽ giúp cho nhà nông có điều kiện trữ lúa chờ giá cao, tránh tình trạng phải bán gấp lúa để trả nợ sau thu hoạch. Chính nguồn tín dụng này sẽ giúp cho người nông dân bớt thiệt thòi, góp phần vào tăng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Riêng dự trữ lúa gạo trong nhiều năm qua phần lớn là dự trữ trên khâu lưu thông nên không đủ sức bình ổn thị trường và đảm bảo an ninh lương thực. “Do đó, chúng ta cần có hệ thống dự trữ đáp ứng cho yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực khi quy mô dân số có thể đạt 100 triệu dân trong thập kỷ tới. Để tránh tốn kém, việc dự trữ phải được tính toán kỹ lưỡng và thực hiện theo khả năng tài chính, đảm bảo tính linh hoạt cho hoạt động kinh doanh lúa gạo”, ông Dũng nói thêm.

Lê Nghĩa

Bài 3: Tương lai nào cho hạt gạo Việt Nam

Sản xuất lúa gạo bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Lỏng lẻo các mối liên kết
Sản xuất lúa gạo bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long - Bài 1: Lỏng lẻo các mối liên kết

Là quốc gia nông nghiệp, từ lâu Việt Nam luôn xác định sản xuất lúa gạo là nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược an ninh lương thực và phát triển kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN