Sai lầm trong trợ giá gạo của Thái Lan

Chương trình trợ giá gạo của Thái Lan đã biến thành một thảm họa kinh tế và chính trị. Trong bài viết đăng trên Diễn đàn Đông Á, Giáo sư Peter Warr thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng chính phủ Thái Lan có thể tránh được thảm họa này nếu biết lắng nghe lời khuyên.



Nông dân Thái Lan biểu tình ở Bangkok ngày 11/3. Ảnh: a AFP/ TTXVN

Tăng giá gạo cho nông dân Thái Lan là lời hứa hẹn quan trọng mà đảng Puea Thai cầm quyền đã đưa ra trong cuộc bầu cử năm 2011 nhằm giành sự ủng hộ của cử tri ở khu vực nghèo nhất là đông bắc và bắc Thái Lan. Chính sách trợ giá gạo có hai mục tiêu. Thứ nhất, giá bán mà nông dân hưởng được nâng lên khoảng 50% so với giá thị trường thông qua việc bán trực tiếp cho chính phủ. Thứ hai, giá gạo Thái Lan trên thị trường quốc tế được nâng lên bằng cách giảm kim ngạch xuất khẩu.


Thường thì khoảng một nửa sản lượng lúa 20 triệu tấn hàng năm của Thái Lan sẽ được xuất khẩu. Khi chương trình trợ giá được vạch ra trong chiến dịch tranh cử của đảng Puea Thai năm 2011, các chuyên gia kinh tế của Thái Lan đã chỉ ra những sai lầm lớn.


Thứ nhất, hai phần trong chính sách xung đột lẫn nhau. Cần thiết phải hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước để kích thích nguồn cung. Nhưng nếu xuất khẩu bị hạn chế, tổng cung và tổng cầu sẽ mất cân bằng. Chính phủ sẽ làm gì với số gạo không được xuất khẩu? Nếu số gạo này được bán trong nước, giá gạo trong nước sẽ tụt dốc, đi ngược lại mục đích trợ giá. Nếu được bán ra bên ngoài, giá gạo trên thị trường quốc tế cũng sẽ giảm, không đáp ứng mục tiêu thứ hai.


Thứ hai, giới phê bình lập luận rằng chi phí cho chương trình thu mua gạo của nông dân Thái Lan trên mức giá thị trường có thể là rất lớn. Chính phủ sẽ có một kho gạo lớn và mua với giá cao. Và nguy cơ tham nhũng trong mua, xay, bảo quản và sử dụng số gạo đó là điều nhãn tiền. Người ta cũng dự đoán gạo sẽ bị buôn lậu từ các nước sản xuất gạo láng giềng, đặc biệt là Campuchia, để tranh thủ mức giá cao mà chính phủ Thái Lan đưa ra.


Sau hai năm triển khai chương trình, kho gạo đang được tích trữ và thuộc quyền sở hữu của chính phủ đã vượt quá 19 triệu tấn, gần tương đương sản lượng của cả năm. Tích trữ gạo rất tốn kém công của và gạo cũng bị hỏng nếu nằm trong kho lâu, nhất là không thể bán sau ba năm cho dù có được bảo quản trong điều kiện lý tưởng. Kho gạo Thái Lan đang quá tải và chất lượng gạo đang giảm dần.


Chi phí ngân sách cho chương trình ước tính khoảng 700 tỷ baht Thái (gần 22 tỷ USD), tương đương tổng ngân sách đầu tư của chính phủ trong một năm.


Hạn chế xuất khẩu gạo ra thị trường quốc tế cũng không tạo ra ảnh hưởng tới giá trên thị trường gạo quốc tế, khi xuất khẩu gạo từ Việt Nam và Ấn Độ đang lấp chỗ trống và Thái Lan trượt từ vị trí là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất xuống thứ ba, sau hai nước trên. Thủ tướng Yingluck Shinawatra đang bị Ủy ban chống tham nhũng quốc gia cáo buộc là tắc trách, lơ là trước tình trạng tham nhũng nghiêm trọng mà chương trình này đã gây ra. Nếu bị kết tội, bà Yingluck sẽ buộc phải từ chức.


Nghiêm trọng nhất, chính phủ đã cạn kiệt các nguồn huy động tiền để trả cho nông dân bán gạo. Chính phủ Thái Lan đang nợ nông dân ít nhất 40 tỷ baht (1,3 tỷ USD). Họ cũng không còn dễ dàng vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng. Nhiều ý kiến cho rằng chương trình này khó có thể kéo dài tới năm thứ ba.


Đỗ Vân

Thủ tướng Yingluck biện hộ cho chính sách trợ giá gạo
Thủ tướng Yingluck biện hộ cho chính sách trợ giá gạo

Ngày 5/2, Chính phủ Thái Lan đã biện hộ cho chương trình trợ giá gạo bị nhiều người chỉ trích sau khi một tập đoàn Trung Quốc hủy hợp đồng mua một triệu tấn gạo dự trữ do một vụ điều tra tham nhũng đối với giới chức Thái.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN