Quyết liệt kiểm soát tải trọng xe

Mặc dù có sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành, địa phương nhưng tình trạng xe chở hàng quá tải trọng vẫn diễn biến phức tạp.
Xung quanh vấn đề này, PV Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ (ảnh) về các giải pháp tăng cường kiểm soát tải trọng xe thời gian tới. 

 

Thưa ông, ông có thể đánh giá kết quả triển khai chủ trương kiểm soát xe chở quá tải trọng trên toàn quốc trong thời gian qua?


Bộ Giao thông Vận tải hiện có 63/63 trạm kiểm soát tải trọng xe (KSTTX) hoạt động với sự phối hợp của gần 1.000 cán bộ, chiến sỹ công an; ngành giao thông vận tải huy động 1.334 cán bộ thanh tra giao thông và 548 cán bộ thanh tra thực hiện KSTTX bằng nhiều giải pháp khác nhau như dùng bộ cân xách tay, KSTTX ngay bến các kho hàng, bến bãi... Hiện có 61/63 địa phương tổ chức kiểm soát 24/24 giờ và các ngày trong tuần (còn hai địa phương chưa thực hiện chế độ 24/7 là Tây Ninh và Lạng Sơn).

 

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiểm tra tải trọng xe tại Trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động.Ảnh: Huy Hùng- TTXVN


Từ ngày 16/12/2013 đến 31/5/2014, các trạm KSTTX đã dừng, kiểm tra 103.528 xe ô tô, phát hiện và lập biên bản 24.856 trường hợp vi phạm, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 77 tỷ đồng, tạm giữ 536 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 14.011 trường hợp; xử lý hạ tải đối với 7.236 phương tiện vi phạm, với 32.944 tấn hàng.


Điều đáng quan tâm là thông qua công tác kiểm soát tải trọng, các doanh nghiệp (DN) vận tải, chủ hàng, chủ xe, người lái xe phần nào đã nhận thức được rằng, đây là chủ trương đúng đắn, nhằm góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Quá trình kiểm soát tải trọng xe đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?


Theo tôi, nhận thức, ý thức chấp hành các quy định về vận tải hàng hóa bằng xe ô tô của một số DN vận tải, chủ hàng, chủ xe, lái xe còn hạn chế; một số tỉnh còn khó khăn về vị trí, mặt bằng đặt trạm KSTTX lưu động; thiếu về lực lượng, nhân sự để thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện theo chế độ 24/7. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc bố trí kinh phí cho các lực lượng làm việc tại trạm. Trình độ nghiệp vụ bốc xếp và cố định hàng hóa trên xe ô tô của đa số các lái xe và chủ hàng còn hạn chế, dẫn đến hiện tượng vi phạm quy định về tải trọng trục.


Bên cạnh đó, có hiện tượng cán bộ, công chức, viên chức sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Cá biệt, có trường hợp làm sai quy định và bị xử lý kỷ luật (đã xử lý đình chỉ chức danh đối với 52 đăng kiểm viên, 1 nhân viên nghiệp vụ); việc giải quyết các đề xuất, kiến nghị của DN, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân còn chậm về thời gian, một số trường hợp còn lúng túng, nhất là việc xử lý, cấp phép vận chuyển hàng hóa siêu trường, siêu trọng.


Vậy Bộ Giao thông Vận tải có hướng chỉ đạo như thế nào nhằm giải quyết những vướng mắc nói trên, thưa ông?


Để giải quyết những tồn tại, khó khăn trên, Bộ đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, Bộ đã ban hành Công văn số 8034/BGTVT-VT ngày 3/7/2014 đề nghị Bộ Công an và UBND các tỉnh tạm thời chưa xử phạt tải trọng trục nếu xe không vi phạm tổng khối lượng tham gia giao thông và vi phạm chở hàng hóa vi phạm vượt tải trọng thiết kế dưới 10%.


Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo tiếp tục tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vận tải đường bộ; yêu cầu các kho cảng, bến bãi, nhà ga, các DN, chủ xe, quản lý chặt chẽ việc xếp hàng hóa lên xe ô tô ngay tại gốc, bảo đảm đúng trọng tải mới cho xe xuất phát. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đã thành lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra đối với xe vận tải hàng hóa tự đỗ và xe khách giường nằm.


Cùng với đó, Bộ đã khẩn trương hoàn thiện dự thảo và ban hành các thông tư thay thế các thông tư hướng dẫn Nghị định quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải với mục tiêu tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, hợp tác xã bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

 

Trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai những biện pháp gì nhằm thực hiện quyết liệt và đồng bộ chủ trương kiểm soát xe quá khổ, quá tải, thưa ông?


Bộ sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt các nhóm giải pháp kiểm soát tải trọng phương tiện, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận tải hàng hóa bằng xe ô tô, hoạt động kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho phù hợp với thực tiễn; xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch quy định việc phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.


Bộ cũng sẽ siết chặt công tác quản lý cấp giấy phép lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ; Rà soát, cắm đầy đủ các biển báo tải trọng cầu, đường để người tham gia giao thông biết thực hiện và làm căn cứ để xử lý vi phạm quá tải trọng cầu, đường.


Các lực lượng chức năng sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xếp hàng hóa lên xe ô tô vượt quá trọng tải thiết kế của xe; tăng cường tuần tra xử lý các xe ô tô tránh, vượt trạm KSTTX...


Xin cảm ơn ông!


Quang Toàn (thực hiện)

Xử lý xe chở quá tải trên quốc lộ - Bài 1: Đủ cách qua mặt cơ quan chức năng
Xử lý xe chở quá tải trên quốc lộ - Bài 1: Đủ cách qua mặt cơ quan chức năng

Chỉ trong khoảng hai tuần cuối tháng 7, Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) phối hợp với lực lượng chuyên ngành các địa phương đã bắt giữ và xử lý hàng ngàn trường hợp xe quá tải trên các tuyến quốc lộ (QL). Điều đáng nói là các vụ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN