Quyết liệt kiểm soát giá cả

Thị trường hàng hóa những tháng cuối năm vẫn phải đối mặt với sức ép tăng giá hàng hóa do chi phí đầu vào tăng cao và thị trường hàng hóa cuối năm thường tăng giá có tính chu kỳ... Đó là những nhận định của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo "Diễn biến thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm 2011", do Cục Quản lý giá và Viện Kinh tế - Tài chính tổ chức ngày 12/7, tại Hà Nội.

Đảm bảo cung cầu hàng hóa

“Để giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm ở mức 15% thì trong 6 tháng cuối năm CPI chỉ được phép tăng 1,71%. Đây là mục tiêu rất khó có thể đạt được”, Phó Vụ trưởng - Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Lộc An trăn trở.

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra nhãn mác, giá niêm yết mặt hàng dầu ăn. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Theo ông An, từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều yếu tố gây sức ép làm tăng giá như: Giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới đang có xu huớng tăng vào dịp cuối năm; nguồn cung thực phẩm chưa thể nhanh chóng phục hồi do cần có độ trễ nhất định để tái sản xuất sau dịch bệnh; khả năng giá điện tiếp tục được điều chỉnh tăng để bù đắp chi phí tăng; lãi suất vẫn ở mức cao, tỷ giá sau thời gian ổn định có thể tăng nhẹ vào cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa tăng; mưa bão có thể gây đứt nguồn cung hàng hóa và tăng giá cục bộ tại một số địa phương; giá hàng hóa vào cuối năm bước vào chu kỳ tăng giá.

Tuy nhiên, ông An cũng cho rằng: Bên cạnh các yếu tố gây sức ép tăng giá, thị trường hàng hóa cũng sẽ có các yếu tố tích cực, hạn chế được sự tăng giá như: Giá dầu thô trên thị trường thế giới đang diễn biến tương đối ổn định; nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm sẽ gia tăng trong thời gian tới (khi vào các vụ thu hoạch và khi hoạt động chăn nuôi đến thời gian xuất bán sau dịch bệnh); lãi suất ngân hàng bắt đầu có xu hướng hạ dần.
Đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng: Kết hợp các yếu tố trên cùng với việc tiếp tục thực hiện quyết liệt và đồng bộ chính sách tiền tệ chặt chẽ, chính sách tài khóa thắt chặt và các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường theo Nghị quyết 11/NQ-CP, dự kiến CPI cả năm 2011 sẽ ở mức khoảng 17%. Để thực sự kiềm chế lạm phát, giảm tốc độ tăng giá, Bộ Tài chính khẳng định: 6 tháng cuối năm cần tiếp tục tăng cường kiểm soát giá cả, thị trường, đảm bảo ổn định cung cầu hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; đặc biệt chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá cả.

Hạn chế tăng giá ở khâu trung gian

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, lạm phát xảy ra và giá cả tăng cao thời gian qua còn có một số nguyên nhân khác như: Hệ thống phân phối của Việt Nam còn chưa tốt dẫn đến tình trạng lòng vòng qua nhiều khâu trung gian, các chi phí sẽ tăng cao, đẩy giá hàng hóa lên cao; chuỗi sản xuất phân phối bị rời rạc, chia cắt và không có sức mạnh, người sản xuất không được lợi nhuận cao, người tiêu dùng cuối cùng bị thiệt thòi.
Các chuyên gia thương mại đã đưa ra ví dụ: Tháng 4 và 5/2011, trong khi đường tồn kho ở các nhà máy khoảng nửa triệu tấn, giá giao là 16.000 - 17.000 đồng/kg nhưng giá đường tại thị trường bán lẻ lại ở mức rất cao từ 24.000 - 25.000 đồng/kg. “Không biết nguyên nhân tại sao một số nhà máy đường chỉ giao hàng cho các tổng đại lý thân cận của mình, trong khi các siêu thị và cửa hàng không trực tiếp mua được từ nhà máy. Hiện tượng này không chỉ xảy ra với mặt hàng đường ăn mà còn xảy ra đối với mặt hàng sắt thép, xi măng, dầu ăn, rau củ quả… “Rõ ràng có hiện tượng các mặt hàng thiết yếu quan trọng phổ biến lại được phân phối theo phương thức mua đứt bán đoạn, không tổ chức bán đại lý. Chúng ta đang buông lỏng khâu bán buôn, dẫn tới hệ quả không chi phối được bán lẻ. Đồng thời gây ra hiện tượng đầu cơ, găm hàng, thao túng giá, khiến người tiêu dùng chịu thiệt, góp phần đẩy lạm phát lên cao”, một cán bộ trong lĩnh vực thương mại nói.

Theo ông Phú, để giải quyết bài toán lạm phát và giá cả tăng cao, từ nay đến cuối năm, hệ thống phân phối của Việt Nam phải được quản lý tốt; tránh buông lỏng khâu bán buôn.

Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN