Từ xa xưa, Hà Nội được coi là vùng đất “tụ thủy, tụ nhân”, cho thấy đây là vùng đất phong thủy tốt, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, có môi trường sống tốt lành cho con người; bền vững trong phát triển kinh tế, hình thành những nền văn hóa riêng… Mới đây, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất giao UBND thành phố trình các bộ, ngành liên quan đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000, tiến tới phê duyệt, cho thấy sau nhiều năm quy hoạch bị nghẽn nay được tháo gỡ. Đồ án phân khu đô thị sông Hồng sẽ là một động lực mới cho Thủ đô phát triển trong tương lai.
Quay mặt vào sông Hồng để phát triển
Trong nhiều năm qua, sông Hồng đã nhiều lần được các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước nghiên cứu, thực hiện quy hoạch. Nhiều ý tưởng đã được đưa ra để khơi dậy, tiềm năng lợi thế của sông Hồng cũng như tháo gỡ khó khăn cho hàng vạn người dân sống hai bên sông.
Có thể điểm lại, từ năm 1994, sông Hồng đã được Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn nghiên cứu. Tiếp theo đó là hàng chục quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, nghiên cứu thể hiện ý tưởng cho con sông Cái chạy qua Thủ đô. Gần đây, năm 20215 với ý tưởng thành phố hai bên sông, Hàn Quốc đã tiến hành lập đồ án quy hoạch cho sông Hồng đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Long Biên. Những xới xáo trên đã làm cho người dân Thủ đô thắp lên hy vọng về một sự phát triển nhưng quy hoạch chưa thành hiện thực.
Lần này, với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội thống nhất thông qua, cho thấy một quyết tâm chính trị rất lớn về việc phát huy tiềm năng của sông Hồng. Theo đó, Thành ủy đã giao Ban cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu ý kiến, hoàn thiện và thống nhất ý kiến một số vấn đề với các bộ, ngành trước khi phê duyệt và dự kiến chậm nhất là tháng 6 sẽ phê chuẩn đồ án rất quan trọng này.
Theo ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội, điểm khác biệt của đồ án lần này so với các đồ án trước đó là do Nhà nước thực hiện, không giao cho các đơn vị doanh nghiệp. Cách tiếp cận với sông Hồng cũng khác, đó là Hà Nội sẽ quay mặt vào sông để phát triển, chứ không quay lưng như trước đây.
Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đưa ra, chức năng chính là công trình công cộng, công viên cây xanh. Đồ án được nghiên cứu trên không gian đoạn sông Hồng dài khoảng 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở, bao phủ diện tích khoảng 11.000 ha; thuộc địa bàn 55 phường, xã và 13 quận, huyện; dân số tính toán theo quy hoạch từ 280.000 - 320.000 người.
Bất khả xâm phạm hai bên bờ đê sông Hồng
Sông Hồng là tài sản vô giá mà thiên nhiên ban tặng Hà Nội. Hai bên bờ sông không chỉ là chỗ ở, sinh kế của hàng triệu người dân mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa, tạo cảnh quan, không gian xanh cho đô thị. Và quan trọng nữa, hai bên bờ đê sông Hồng còn để chống lũ.
Vì vậy, trong đồ án quy hoạch lần này, thành phố Hà Nội xác định, hai bên bờ đê sông là bất khả xâm phạm. Hai bên đê được coi như một đập tràn, hai đường chạy song song. Nếu xác suất nước lũ vượt quá bờ đê, chỉ tràn vào khu quy hoạch, không ảnh hưởng đến thành phố.
Cũng theo đồ án quy hoạch sông Hồng, thoát lũ vẫn là ưu tiên hàng đầu. Các công trình hai bên sông được thiết kế với công năng chống lũ theo hướng thuận tiện, nước vào rồi lại ra một cách tự nhiên, thuận thiên. Quy hoạch trên của Hà Nội cũng đảm bảo quy hoạch đê điều sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đó.
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, tới đây bản đồ án chắc hẳn sẽ được lấy thêm ý kiến đóng góp của các Bộ ngành để hoàn chỉnh, bổ sung theo quy định.
Nếu quy hoạch được thông qua và được triển khai sớm sẽ đảm bảo vấn đề sinh kế hàng triệu người dân sống hai bên sông. Đây là một trong những điểm nghẽn lâu nay thành phố vẫn luôn muốn tháo gỡ. Khi quy hoạch được triển khai, bộ mặt đô thị sẽ khang trang hơn và tạo được quỹ đất để Thủ đô phát triển, theo hướng xanh, văn minh, hiện đại.
Bởi quy hoạch đã chỉ ra, sẽ có hàng chục cây cầu được xây dựng mới bắc qua sông Hồng. Theo đó, quỹ đất hai bên bãi bồi khoảng 5.840 ha sẽ được sử dụng sản xuất nông nghiệp: trồng rau, cây cảnh, trồng hoa; còn lại được xây dựng công viên, quảng trường, công trình văn hoá dịch vụ du lịch, giải trí, phục vụ các hoạt động lễ hội, du lịch; còn một phần nhỏ diện tích được xây dựng khu đô thị hiện đại, sinh thái. Với khu dân cư hiện có hai bên sông, sẽ được chỉnh trang mở rộng hạ tầng và các khu nhà phục vụ giãn dân, tái định cư…
Sau khi quy hoạch được Thường vụ Thành ủy Hà Nội thông qua, nhiều người dân, sống hai bên bờ sông Hồng thuộc địa bàn quận Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên, Hoàng Mai, Thanh Trì tỏ ra rất phấn khởi.
Anh Nguyễn Minh Sơn ở phường Bồ Đề (Long Biên) cho biết, từ nhiều năm nay gia đình ở cạnh bờ đê sông Hồng, tuy nhiên không thể xây dựng nhà cửa, do nằm trong hành lang thoát lũ. Trong thời gian tới, quy hoạch được phê duyệt, hy vọng rằng chính quyền sẽ có giải pháp tháo gỡ những bất cập từ nhiều năm nay cho gia đình anh cũng như nhiều hộ dân khác cùng cảnh ngộ.
Còn ông Nguyễn Công Quảng, Chủ tịch UBND phường Phú Thượng (Tây Hồ) nhìn nhận, quy hoạch sẽ là căn cứ để địa phương quản lý tốt hơn diện tích đất bãi bồi ven sông Hồng. Từ quy hoạch chung, chính quyền địa phương triển khai các quy hoạch chi tiết, dự án cụ thể và là cơ sở để cấp phép xây dựng đúng quy hoạch giúp cho người dân ổn định cuộc sống.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam việc Hà Nội lập quy hoạch phân khu sông Hồng bằng quan điểm đô thị xanh, văn hóa, tôn trọng tự nhiên là rất khoa học, bài bản. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, hai bên bờ sông Hồng có dầy đặc khu dân cư sinh sống từ nhiều năm nay, vì vậy ông Trần Ngọc Chính cho rằng, Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến việc di dời các khu dân cư, đảm bảo môi trường, tài chính, có phương án tái định cư hợp lý để có quỹ đất hợp lý, sử dụng đúng quy hoạch.
Như vậy sau nhiều năm chờ đợi, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã có bước tiến dài và là tiền đề để Hà Nội phát triển trong tương lai.