Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp chưa hiệu quả

Quỹ bảo lãnh tín dụng được thành lập để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) vay vốn ngân hàng thông qua hình thức bảo lãnh khi doanh nghiệp (DN) không đủ điều kiện về tài sản, thế chấp...

Thế nhưng, hiện nay quỹ này vẫn chưa đem lại hiệu quả cho DN. Điển hình tại TP Hồ Chí Minh, sau gần 10 năm thành lập, số lượng DN tiếp cận được hình thức bảo lãnh này còn quá ít.

“Bị trói” vì nhiều quy định không phù hợp

Đại diện Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố có hơn 266 ngàn DN, trong đó DNVVN chiếm đa số với tỷ lệ 96%. Do số lượng DNVVN chiếm tỷ lệ cao nên nhu cầu vay vốn đầu tư của DNVVN trên địa bàn rất lớn. Tuy nhiên, quỹ bảo lãnh tín dụng không đáp ứng được nhu cầu vay vốn của DN. Tổng nhu cầu vay vốn bình quân năm 2009 - 2013 là 1.256 tỷ đồng nhưng vay vốn theo hình thức bảo lãnh chỉ khoảng 524 tỷ đồng. Năm 2014 - 2015 nhu cầu vay vốn bình quân của DNVVN trên địa bàn là 1.347 tỷ đồng, thế nhưng Quỹ bảo lãnh tín dụng giải ngân với mức khá khiêm tốn 31 tỷ đồng.

Ông Hoàng Đình Thắng - Giám đốc Quỹ bảo lãnh tín dụng TP Hồ Chí Minh, cho biết, DNVVN có nhu cầu vay vốn rất lớn nhưng quỹ lại không đáp ứng được yêu cầu DN. Nhiều quy định về cho vay bảo lãnh chưa phù hợp thực tế khiến quỹ như bị trói chân, hoạt động rất khó khăn. Trong đó, đáng chú ý là yêu cầu quy định DN phải có tài sản thế chấp cho khoản vay được bảo lãnh. Cụ thể, DN phải có vốn tự có 15% trong tổng mức đầu tư dự án, phải có 15% giá trị tài sản thế chấp tại ngân hàng. “Thực tế, quy định này tuy có chặt chẽ nhưng hầu như các DNVVN không đủ điều kiện để đáp ứng tiêu chí bảo lãnh”, ông Thắng chia sẻ.

Theo khảo sát của Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, cả nước hiện có 27 quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động và nơi nhiều nhất cũng chỉ bảo lãnh được 105 DN. Trong khi đó, theo đại diện Công ty Đầu tư tài chính TP Hồ Chí Minh, hiện nay, 98% nguồn hoạt động của quỹ này đều từ ngân sách. Điều này khiến quy mô của các quỹ có xu hướng bị thu hẹp, tính hấp dẫn đối với DN ngày càng giảm. TS Bùi Quang Tín, giảng viên Trường ĐH Ngân hàng cho hay, nguyên nhân một phần nữa là do chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa Quỹ bảo lãnh tín dụng với các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc xây dựng quy trình đồng thẩm định, nên một hồ sơ tín dụng phải thực hiện thẩm định hai lần. Điều này làm cho DN tốn nhiều thời gian và công sức cũng như chi phí để được tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.

Điều đáng nói, các DN thuộc các thành phần kinh tế được xếp loại DNNVV theo Nghị định số 56/2009/NÐ-CP chưa phù hợp với tình hình hiện nay. “Ví dụ, đối với DN hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và xây dựng quy định quy mô tổng nguồn vốn tối đa là 100 tỷ đồng hoặc tối đa 300 lao động. Ðối với DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ quy định quy mô tổng nguồn vốn tối đa là 50 tỷ đồng hoặc tối đa 100 lao động. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, rất ít DNVVN đáp ứng được các quy định trên”, TS Tín cho biết thêm.

“Cởi trói” để hoạt động hiệu quả

Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết: Ở các nước, nhiều hiệp hội được đứng ra bảo lãnh cho DN nhưng Việt Nam chưa làm được việc này. Hiện ngân hàng không an tâm với quỹ vì sợ rủi ro khi DN làm ăn thất bại. “Chúng ta phải hiểu rõ, khi bảo lãnh cho một DN tức là giúp họ tạo ra nhiều việc làm, đóng thuế cho nhà nước…”, ông Hưng nhấn mạnh.

Về vấn đề tại sao hiệp hội các nước có thể bảo lãnh để DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt, Trưởng đại diện phía Nam Hiệp hội quỹ tín dụng nhân dân, cho biết, mô hình hiệp hội của các nước hoạt động rất tốt. Các nước không thu thuế thu nhập DN. DN đóng góp cho hiệp hội, cho nên hiệp hội có phí để hoạt động tốt. Từ đó, ngân hàng có thể tin tưởng vào sự bảo lãnh của hiệp hội. Như vậy, muốn Quỹ bảo lãnh tín dụng tại Việt Nam hoạt động tốt, bà Nguyễn Thị Bích Nguyệt cho rằng nên tìm cách kết nối đồng bộ giữa hiệp hội, cơ quan bảo hiểm và quỹ bảo lãnh thì mới giải quyết được vấn đề.

Còn TS Bùi Quang Tín đề nghị nên khuyến khích các địa phương thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng độc lập, không trực thuộc các Quỹ đầu tư địa phương nhằm tăng tính chủ động và tăng cường trách nhiệm quản lý. Song song đó, cần có chính sách ưu đãi để thu hút vốn điều lệ cho quỹ bảo lãnh tín dụng, như khi góp vốn vào Quỹ sẽ được miễn một phần thuế thu nhập DN theo tỷ lệ giữa số vốn góp so với tổng vốn hoạt động kinh doanh.

Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, ông Hưng khẳng định cần có một chỉ đạo cụ thể của Ngân hàng Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc này. Như ban hành tiêu chuẩn thấp hơn để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận được vốn vay từ quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời yêu cầu ngân hàng cùng chung vai gánh rủi ro với quỹ. Có như vậy, DN mới tiếp cận được vốn và quỹ mới hoạt động hiệu quả.
Hải Yên
Băn khoăn về bảo lãnh dự án nhà hình thành trong tương lai
Băn khoăn về bảo lãnh dự án nhà hình thành trong tương lai

Từ ngày 1/7/2015, Luật Nhà ở 2014 và Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) 2014 có hiệu lực, trong đó nổi bật nhất là vấn đề bảo lãnh khi giao dịch nhà ở hình thành trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN