Quảng Ninh khẩn cấp tìm biện pháp tiêu thụ lợn thịt

Dư thừa lợn thịt đang là vấn đề cấp bách khiến các hộ chăn nuôi ở Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn. Sáng 8/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đã chủ trì cuộc họp triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lợn thịt cho người chăn nuôi.

Tại cuộc họp, các khu công nghiệp, Tổng công ty Đông Bắc, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các siêu thị lớn trên địa bàn Quảng Ninh khẳng định, sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh để hỗ trợ người chăn nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, tổng đàn lợn của tỉnh này là gần 420 nghìn con; tập trung chủ yếu ở các địa phương như thị xã Đông Triều, Quảng Yên và 2 thành phố Cẩm Phả, Hạ Long.

Quảng Ninh khẩn cấp tìm biện pháp tiêu thụ lợn thịt cho người chăn nuôi. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có khoảng 40 nghìn con lợn thương phẩm (đạt tiêu chuẩn xuất chuồng) với tổng trọng lượng gần 3.900 tấn chưa tiêu thụ được. Trong đó, lợn thương phẩm tồn đọng tại các mô hình chăn nuôi quy mô lớn hơn 50 con/đơn vị là hơn 14.600 con, số còn lại là lợn nuôi tại các mô hình nhỏ lẻ trong dân.

Phó Chủ tịch Đặng Huy Hậu chỉ đạo: ngay trong tuần này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thống nhất với các địa phương, hộ chăn nuôi lớn để lên phương án về khả năng cung ứng lượng lợn hơi, lợn thành phẩm cũng như đăng ký giá thấp nhất, hợp lý mà các hộ chăn nuôi có thể bán được.

Bên cạnh đó cần xác định nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong 1 ngày của các bếp ăn ngành than, Tổng Công ty Đông Bắc, các khu công nghiệp, công ty du lịch và đề nghị các siêu thị, trung tâm thương mại bán lẻ, bán buôn như Big C, Vinmart, Metro nhập nguồn thịt lợn được giết mổ, sơ chế tại các cơ sở giết mổ tập trung của tỉnh.

Các đơn vị thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch cần thiết phải sử dụng sản phẩm thịt lợn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó nguồn thịt lợn từ các siêu thị, trung tâm thương mại của tỉnh là một kênh quan trọng cần ưu tiên. Các sở chức năng cần tăng cường quản lý về công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm soát tại các lò giết mổ tập trung.

UBND tỉnh cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh chỉ đạo các ngân hàng thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, ưu tiên thu nợ gốc trước… để hỗ trợ cho các hộ vay vốn trong chăn nuôi lợn, đặc biệt là các hộ chăn nuôi quy mô lớn.

Từ nhiều tháng qua, thịt lợn hơi trên địa bàn Quảng Ninh liên tục giảm giá khiến các trang trại, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn bị thua lỗ nặng. Giá thịt lợn từ trên dưới 50.000 đồng/kg, nay giảm mạnh xuống còn trên dưới 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá thành chăn nuôi. Không chỉ giá xuống thấp, việc tiêu thụ sản phẩm cũng rất khó khăn.

Quảng Ninh đã khuyến cáo các địa phương hạn chế mở rộng quy mô đầu lợn trên địa bàn, nhất là đàn lợn nái; chuyển hướng nhanh sang thay đổi cơ cấu giống. Đồng thời, khuyến khích phát triển các giống cao sản và giống đặc sản phục vụ các loại hình chăn nuôi lợn theo các phân khúc thị trường khác nhau.

Ngoài ra, Quảng Ninh chỉ đạo đa dạng hóa phương thức chăn nuôi, chú trọng mô hình chăn nuôi lợn bán công nghiệp gắn với chăn nuôi truyền thống, chăn nuôi hữu cơ; quy hoạch các cơ sở giết mổ tập trung gắn với chế biến sâu, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị ngành hàng thịt lợn, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu...

Văn Đức (TTXVN)
Tranh thủ thịt lợn rẻ, nhiều nhà chung nhau mua cả con… ăn dần
Tranh thủ thịt lợn rẻ, nhiều nhà chung nhau mua cả con… ăn dần

Tưởng chừng phong tục đụng lợn chỉ có trong những ngày Tết thì hiện nay, rất nhiều gia đình lại đang cùng nhau đụng lợn để được ăn thịt lợn vừa sạch, vừa rẻ, đồng thời góp phần giải cứu cho người chăn nuôi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN