Quảng Ninh học kinh nghiệm xây dựng đặc khu kinh tế

Trong hai ngày 16 và 17/8, tại thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc đã diễn ra các cuộc tọa đàm theo nhóm liên quan đến việc xây dựng và phát triển đặc khu kinh tế giữa đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan, ban ngành cùng trường Đại học Thâm Quyến.


Bà Đỗ Thị Hoàng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hà Ngọc

Đây là mặt hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc của đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh do Phó Bí thư Thường trực Đỗ Thị Hoàng dẫn đầu nhằm mở rộng hợp tác giao lưu, tăng cường trao đổi kinh nghiệm và bài học phát triển giữa Quảng Ninh và Quảng Đông nói chung, Quảng Ninh và Thâm Quyến nói riêng.

 

Phát biểu tại tọa đàm, Giáo sư Viên Dị Minh, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến tái khẳng định tầm quan trọng của chính sách cải cách mở cửa cũng như quyết sách thành lập đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Theo Giáo sư Viên Dị Minh, bên cạnh nỗ lực tự thân của người dân Thâm Quyến, kỳ tích và thành tựu phát triển của đặc khu kinh tế này trong 30 năm qua gắn liền với vai trò của chính quyền trung ương và địa phương.

 

Trung ương đã hết sức đúng đắn trong lựa chọn Thâm Quyến để xây dựng đặc khu kinh tế. Là nơi tiếp giáp với Hồng Công, cách xa Bắc Kinh, Thâm Quyến không chỉ tận dụng được thị trường vốn khổng lồ của Hồng Công, mà còn giảm thiểu được trở lực từ thể chế truyền thống. Ngoài ra, không thể không kể đến việc chính quyền trung ương đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để đặc khu kinh tế phát triển.

 

Ở góc độ của địa phương, đó là việc chính quyền dám xông pha, dám nghĩ, dám làm, biết đề ra những chính sách giải phóng sức lao động, khơi thông dòng chảy cho nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chính quyền Thâm Quyến còn nỗ lực tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, có tính cạnh tranh cao, làm tốt việc quy hoạch phát triển đô thị, thực hiện điều chỉnh cho từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, Thâm Quyến cũng ra sức cải thiện cơ sở hạ tầng, cải cách thị trường vốn và làm tốt công tác xây dựng lập pháp địa phương…

 

Giáo sư Hoàng Á Anh,Viện trưởng Viện Luật thuộc Đại học Thâm Quyến cho biết thêm một trong những vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm là bảo đảm pháp lý cho đồng tiền của họ. Nắm được điều này, năm 1992, chính quyền trung ương Trung Quốc đã quyết định giao quyền lập pháp cho Thâm Quyến để giảm khâu trung gian ở cấp tỉnh. Điều đó có nghĩa, Thâm Quyến có quyền đưa ra các quy định pháp quy dựa trên nhu cầu thực tế và tình hình cụ thể của đặc khu, áp dụng trong phạm vi đặc khu, dưới tiền đề không trái với quy định luật pháp nhà nước. Ví dụ: ở Thâm Quyến, lỗi vi phạm giao thông có thể bị phạt tới 500 nhân dân tệ thay vì 200 nhân dân tệ ghi trong luật.


Tọa đàm thu hút được sự tham gia của nhiều Giáo sư nổi tiếng Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng đăc khu kinh tế. Ảnh Hà Ngọc

Ngoài ra, theo Giáo sư La Thanh Hòa, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế thuộc Học viện kinh tế, Đại học Thâm Quyến, sự thành công của Thâm Quyến còn đến từ chính sách đặc thù. Đó chính là những ưu đãi mà doanh nghiệp đầu tư vào đây được hưởng.


Ví dụ: Khi đầu tư vào các địa phương khác, doanh nghiệp có thể phải chịu mức thuế doanh nghiệp lên tới 33%, nhưng nếu đầu tư ở Đặc khu Thâm Quyến, mức thuế doanh nghiệp phải chịu chỉ là 15%. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả. Một vấn đề hết sức quan trọng mà các quan chức và học giả Thâm Quyến đề cập đến là việc tạo dựng môi trường giữ chân các nhà đầu tư cũng như nguồn chất xám, trong đó bao gồm cả môi trường sống và làm việc.

 

Về phần mình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh Đỗ Thị Hoàng cho biết Quảng Ninh đang trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng và phương thức phát triển, mong muốn xây dựng 2 khu hành chính kinh tế đặc biệt là Vân Đồn, Móng Cái. Vì thế, các bài học kinh nghiệm của Thâm Quyến trong việc xây dựng phát triển đặc khu kinh tế có ý nghĩa thiết thực đối với Quảng Ninh. Bà Đỗ Thị Hoàng mong muốn sau chuyến thăm này, nhiều lĩnh vực hợp tác đầu tư giữa Quảng Ninh và Quảng Đông nói chung, Quảng Ninh và Thâm Quyến nói riêng sẽ được mở ra, việc trao đổi kinh nghiệm, học tập xây dựng, phát triển khu hành chính kinh tế đặc biệt trong thời kỳ mới cũng được tăng cường.

 

Nhân chuyến thăm làm việc tại Quảng Đông, chiều 17/8, Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ninh và Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu Kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Thâm Quyến đã ký bản ghi nhớ về giao lưu hợp tác học thuật. Theo đó, hai bên sẽ thường xuyên trao đổi kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn phát triển đặc khu kinh tế của Trung Quốc; cung cấp dịch vụ đào tạo cán bộ, hỗ trợ về mặt nghiên cứu lý luận, chính sách cũng như tư vấn cho Quảng Ninh xây dựng và phát triển các khu kinh tế - hành chính đặc biệt.

 

 

Hà Ngọc-Thành Dương (P/v TTXVN tại Hồng Công)

Quảng Ninh giới thiệu môi trường đầu tư tại Trung Quốc
Quảng Ninh giới thiệu môi trường đầu tư tại Trung Quốc

Chiều 4/8, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đỗ Thị Hoàng dẫn đầu đã tiến hành giới thiệu môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Quảng Ninh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN