Quảng Bình: Tổng công ty Sông Gianh bán giống lúa kém chất lượng, nông dân thiệt hại nặng

Vụ Hè Thu năm nay, thị xã Ba Đồn trích ngân sách mua 70 tấn giống lúa của Tổng công ty Sông Gianh để hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, tình trạng lúa "ma" xuất hiện dày đặc ở những đồng ruộng sử dụng giống lúa của doanh nghiệp này.

Chú thích ảnh
Nông dân đang chăm sóc lúa. Ảnh (minh họa): Nguyễn Văn Trí/TTXVN

Theo nông dân địa phương, hiện tượng lúa "ma" là lúa có sinh trưởng, trổ bông nhưng không cho hạt. Thực trạng này không chỉ làm giảm năng suất lúa mà còn khiến người dân không thể có lúa giống cho vụ sau. 

Ông Nguyễn Mạnh Tăng, Trưởng thôn Thượng Thôn, xã Quảng Trung cho biết, đây là vụ thứ 2 người dân sản xuất bằng giống lúa DV108 do Tổng công ty Sông Gianh cung cấp. Giữa đồng ruộng vào cuối thời điểm trỗ đòng và ngậm sữa xuất hiện nhiều khóm lúa phát triển cao hơn, cây mảnh khảnh. Lá lúa chuyển từ màu xanh lục sang màu xanh nhạt, vàng mơ. Cây lúa cũng trỗ bông nhưng toàn hạt lép, vài hôm thì chết khô. Ban cán sự thôn Thượng Thôn đã báo cáo sự việc với UBND xã Quảng Trung và xã cũng lập đoàn đến kiểm tra từng chân ruộng để kiến nghị với cấp trên về biện pháp xử lý. 

Đáng chú ý, trong khi giống DV108 do Tổng công ty Sông Gianh cung ứng xuất hiện bệnh lúa "ma" thì một số giống lúa của doanh nghiệp khác cấp cho dân gieo sạ trên cùng chân đất thì sinh trưởng bình thường, dự kiến năng suất cao. 

Ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quảng Trung cho biết, lúa DV108 là nguồn giống do UBND thị xã Ba Đồn hỗ trợ cho người dân thông qua hợp đồng với Tổng công ty Sông Gianh và được cung cấp trực tiếp từ doanh nghiệp này. Giống lúa có năng suất cao nhưng sản xuất chủ yếu để bán chứ người dân ít sử dụng hằng ngày. 

Hiện diện tích ruộng bị bệnh lúa von khoảng 30 ha, tập trung tại 3 thôn Thượng Thôn, Trung Thôn và Biểu Lệ. Chính quyền địa phương mong ngành chức năng của thị xã và doanh nghiệp cung cấp giống lúa kiểm tra, kết luận khách quan về nguyên nhân, đưa ra biện pháp khắc phục, giúp người dân giảm bớt thiệt hại và có nguồn giống sản xuất cho vụ sau. 

Trước phản ánh của người dân và chính quyền địa phương về sự việc, ngày 10/8, lãnh đạo Phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn cùng đại diện Tổng công ty Sông Gianh đã tiến hành kiểm tra đồng ruộng tại xã Quảng Trung để tìm nguyên nhân, biện pháp xử lý, khắc phục. 

Theo ông Nguyễn Văn Khánh, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ba Đồn, vụ Hè Thu 2021, thị xã trích kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng mua giống của Tổng công ty Sông Gianh hỗ trợ cho người dân. Riêng xã Quảng Trung được hỗ trợ 14,2 tấn giống lúa DV108. Qua kiểm tra cho thấy có 35 ha sử dụng giống này xảy ra bệnh lúa von. Nguyên nhân được xác định là do giống lúa chưa bảo đảm chất lượng và có tái mầm bệnh trong đất. 

Ban đầu, Tổng công ty Sông Gianh có ý chối bỏ trách nhiệm, đổ lỗi do quy cách trồng của nông dân. Tuy nhiên, sau khi báo chí phản ánh, các cơ quan chức năng vào cuộc thì đơn vị này mới thừa nhận sai sót và chấp nhận đền bù. Trước mắt, doanh nghiệp cam kết hỗ trợ 5.000 đồng/kg cho loại giống DV108 và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân để sản xuất vụ sau; còn thiệt hại do giảm năng suất thì vẫn chưa đề cập tới. 

Giải pháp được đưa ra là vụ Đông Xuân tới không tiếp tục sử dụng giống lúa mà Tổng công ty Sông Gianh cung ứng mà chỉ dùng giống lúa nguyên chủng cho đồng ruộng của châu thổ sông Gianh mà người dân lựa chọn…

Đức Thọ (TTXVN)
Lai tạo thành công giống lúa mới từ nguồn gen lúa màu cổ truyền
Lai tạo thành công giống lúa mới từ nguồn gen lúa màu cổ truyền

Ngày 9/4 tại Tp. Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Đào Minh Sô, Trưởng bộ môn chọn tạo giống cây trồng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam thông tin đã lai tạo thành công giống lúa mới lấy tên Mắt rồng (SR20), vừa giữ được nhiều ưu điểm của giống lúa màu cổ truyền vừa có giá trị phổ biến cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN