Quản lý vốn Nhà nước hiệu quả hơn

Tại phiên họp ngày 11/7 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các báo cáo đã cho thấy hàng loạt dự án đầu tư, kinh doanh bằng vốn Nhà nước bị thua lỗ, thất thoát hoặc lãng phí. Có thể nói, tình trạng vốn, tài sản Nhà nước bị sử dụng kém hiệu quả đã là “căn bệnh kinh niên” của nền kinh tế và đang rất cần những giải pháp đặc trị.

Nhiều dự án thua lỗ "khủng"

Hiện doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 50% vốn Nhà nước, 60% tín dụng. Thế nhưng hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước của DNNN trong thời gian qua luôn khiến xã hội không yên tâm. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu tính toàn bộ các DNNN có từ 50% sở hữu Nhà nước trở lên thì tổng tài sản đã lên đến 5,4 triệu tỉ đồng (tương đương 240 tỉ đô la Mỹ). Tuy nhiên, khối tài sản khổng lồ này đang được giao vào tay rất nhiều “ông chủ” đại diện không chuyên về quản lý, quản trị kinh doanh, đã dẫn đến thất thoát, lãng phí không nhỏ.

Nhà máy nước sạch Gành Hào tại thị trấn Hành Gào, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu được xây dựng giữa chừng rồi bỏ dở gây lãng phí lớn. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã điểm tên nhiều dự án thua lỗ, “đắp chiếu” như dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, do Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (Tập đoàn Hóa chất) đầu tư với số vốn 12.000 tỷ đồng nhưng qua 4 năm hoạt động đều thua lỗ, số lỗ lũy kế đến nay là khoảng 2.000 tỷ đồng. Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ của Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư 7.000 tỷ đồng nhưng ngay từ khi chạy thử và vận hành vào tháng 5/2014, nhà máy này liên tục đối mặt với việc không bán được hàng, tạm dừng sản xuất... Dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio - Ethanol Dung Quất là một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia với số vốn đầu tư lên đến hơn 2.200 tỷ đồng, công suất của nhà máy đạt 100 triệu lít ethanol/năm cũng phải hoạt động cầm chừng, sống “thoi thóp” từ tháng 4/2015 đến nay.

Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai, đến nay đang ở tình trạng...”đắp chiếu”. Hay như Nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An được đầu tư với số vốn 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do công nghệ không phù hợp.

Hiện DNNN chiếm tới 79% nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại. Theo tính toán của PGS,TS Lê Xuân Bá - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - nếu cơ quan chuyên trách quản lý phần vốn tại các tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ con có 100% vốn nhà nước tăng được tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) của khu vực này mỗi năm thêm 1%, thì Nhà nước sẽ có thêm 27.949 tỷ đồng.

“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Theo các chuyên gia Hiệp hội kinh tế Việt Nam, do có giá trị lớn, việc sử dụng có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước không chỉ tác động tích cực đến tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh chung của nền kinh tế; mà còn là công cụ hữu hiệu để Nhà nước định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra. Tuy vậy, hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu. Một trong những nguyên nhân đã được Hội nghị Trung ương 6 Khóa XI kết luận từ năm 2012 là thể chế, cơ chế quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước có nhiều sơ hở, yếu kém.

Theo GS TS Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội kinh tế Việt Nam, do vốn, tài sản Nhà nước bị “chia năm xẻ bảy”, mỗi bộ ngành, địa phương quản lý một khúc, nên khi xảy ra thất thoát, thua lỗ sẽ khó truy trách nhiệm đến cùng. Hơn nữa, việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư, kinh doanh lại giao cho người đứng đầu DNNN quyết định, trong khi không phải ai cũng có chuyên môn, kỹ năng về quản trị, quản lý kinh doanh. Ngoài ra, việc quản lý vốn hiện nay đang xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.

Lấy ví dụ Bộ Công Thương, GS.TS Nguyễn Quang Thái phân tích: Là chủ sở hữu rất nhiều tập đoàn, tổng công ty như dầu khí, điện lực, than, khoáng sản, bia, nước giải khát, trong khi bộ này cũng đảm nhiệm vai trò thiết kế, hoạch định chính sách phát triển ngành, điều tiết thị trường, kiểm soát độc quyền... Tình trạng này sẽ dẫn đến xung đột lợi ích. Chẳng hạn trong khâu làm chính sách phát triển ngành, bộ sẽ thiên về ưu tiên phục vụ các doanh nghiệp thuộc bộ, mà không nhìn ra cả ngành kinh tế. Theo đó, một chính sách làm ra với tư duy có lợi cho doanh nghiệp trong ngành như vậy sẽ không huy động được hết toàn lực của nền kinh tế. Không những thế, việc này còn tạo ra sự độc quyền, làm cho thị trường méo mó, tạo ra lợi ích. Đáng lo là hiện nay có nhiều bộ đều đang thực hiện chức năng “vừa là trọng tài, vừa là cầu thủ” như vậy", GS.TS Nguyễn Quang Thái nói.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu:

Xác định rõ các tiêu chí hoạt động

Chắc chắn là việc tách chức năng vừa làm chính sách, vừa kinh doanh khỏi các bộ là cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Một nền kinh tế thị trường thì không thể chấp nhận có ai đó “vừa đá bóng, vừa thổi còi” lại được chơi trong sân chung này, như thế nó sẽ làm méo mó thị trường.

Thứ nhất là để quản lý nguồn vốn lên tới vài trăm tỉ USD, cơ quan quản lý phải xác định rõ các tiêu chí hoạt động của nó, bởi xét cho cùng đây là tài sản, tiền thuế của dân. Theo đó nhiệm vụ đầu tiên của cơ quan này là phải bảo đảm an toàn vốn; thứ hai là phải có cơ chế quản lý rủi ro rất chặt chẽ; thứ ba là vốn phải được sử dụng đúng mục đích chứ không thể sử dụng để phục vụ mục đích riêng cho nhóm lợi ích nào.

Ông Vũ Tiến Lộc - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình:

Không nên tập trung vào một cơ quan

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã xác định xóa bỏ chế độ chủ quản, thành lập cơ quan quản lý vốn và tài sản nhà nước. Bởi vậy, việc thành lập cơ quan này để thay thế cho vai trò chủ quản của Bộ chuyên ngành hiện nay là chủ trương phù hợp, đúng đắn cần phải triển khai trong nhiệm kỳ này.

Tuy nhiên, tôi không nhất trí với việc thành lập Ủy ban hay Bộ quản lý nhà nước về vấn đề này. Dù Ủy ban hay Bộ thì vẫn là cơ quan quản lý hành chính. Mà đã quản lý hành chính đi quản lý vốn là không phù hợp. Cơ quan này nên được tổ chức theo hình thức Tập đoàn chứ không nên là mô hình Bộ hay Ủy ban của Chính phủ. Thay vào đó nên thành lập từ 2-3 Tập đoàn Tài chính nhà nước. Tập đoàn này sẽ tập hợp toàn bộ vốn của các doanh nghiệp Nhà nước lại và thực hiện chức năng quản lý nguồn vốn đó.

Ông Trần Hoàng Ngân - Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh:

Mô hình không khả thi

Nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp không nên giao cho nhiều cơ quan, mà nên tập trung giao cho cơ quan đang quản lý tài sản vốn nhà nước, đó là Bộ Tài chính.

Các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải… chỉ tham gia điều hành quản lý nhà nước chứ không tham gia là đơn vị chủ quản của các doanh nghiệp. Như vậy mới đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Quan trọng là hiện nay, chúng ta cần định giá, thẩm định lại toàn bộ các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, giải quyết hết nợ nần tại các đơn vị này; đóng cửa, giải thể nếu cần thiết và làm minh bạch nguồn vốn còn lại. Từ đó, xác định được mục tiêu hiệu quả rõ ràng, cả lợi nhuận, lợi tức…

Xuân Hương
Thành lập Ủy ban quản lý, giám sát
Thành lập Ủy ban quản lý, giám sát

Sau nhiều năm thảo luận tìm giải pháp sử dụng vốn, tài sản Nhà nước sao cho hiệu quả, cuối cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã hoàn thành và công bố Dự thảo Nghị định về trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước để lấy ý kiến hoàn thiện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN