Quản lý kinh doanh phân bón còn lỏng lẻo

Tình trạng quản lý lỏng lẻo, thiếu sự thống nhất của các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng phân bón giả đang tràn lan trên thị trường, gây nhiều thiệt hại cho người nông dân.


Phân bón rởm lộng hành


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, hiện cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất các loại phân bón với tổng năng lực sản xuất trên 8 triệu tấn/năm, đáp ứng được 80% nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ phải nhập khẩu gần 60% nhu cầu phân bón, đến nay, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động được nguồn cung phân urê, sản xuất được những loại phân bón mới như DAP, kali… Tuy nhiên, do những bất cập trong quản lý kinh doanh, buôn bán phân bón nên tình trạng phân bón giả vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.


Theo đó, từ năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 1.390 vụ sản xuất phân bón giả với tổng tiền phạt hơn 17 tỷ đồng, tịch thu 917 tấn phân bón các loại. Trong đó, phát hiện hơn 100 cơ sở và trên 30 công ty bán phân bón giả ra thị trường tại hơn 40 tỉnh, thành cả nước.


Hiện có nhiều hình thức sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ phân bón giả, phân bón kém chất lượng, phân bón nhái nhãn mác. Theo đó, các cơ sở nhỏ lẻ sản xuất phân bón có hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 2,99%, rồi nhái nhãn mác của các công ty phân bón có thương hiệu lớn, ghi hàm lượng dinh dưỡng 53%. Có cơ sở lấy phân urê bột pha vào nước thành phân bón nước đậm đặc rồi lừa bán cho nông dân. Có cơ sở sản xuất phân bón từ bột gạch, bột đá, đất sét, bột cao lanh rồi gắn nhãn mác là phân bón nhập khẩu.


Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết nạn phân bón giả thời gian qua đã khiến hàng loạt hoa màu, cây trồng của nông dân bị thiệt hại nghiêm trọng. Thậm chí, do lo ngại phân bón giả, nông dân bỏ ruộng, cấy chay, hoặc không cắt gốc rạ vụ trước để thu tái sinh vụ sau... kéo theo đó hiệu quả sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng.


Hoàn thiện hệ thống pháp lý


Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế, Cục trưởng Cục An ninh nông nghiệp, nông thôn (Bộ Công an), cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên là do hệ thống văn bản pháp luật về quản lý phân bón còn thiếu và chưa đồng bộ; đồng thời các nghị định cũng chưa có tính pháp lý cao, nên các chế tài xử lý vi phạm cũng quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Chẳng hạn, theo điều 158 Bộ luật Hình sự có quy định hành vi sản xuất phân bón giả sẽ bị xử lý hình sự nếu người sản xuất, buôn bán phân bón giả với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng đến nay, vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng, như thế nào là số lượng lớn... nên các cơ quan chức năng không thể xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm. Mặt khác, lực lượng trực tiếp tham gia quản lý còn mỏng, ít hiểu biết về lĩnh vực phân bón, thiếu cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, chưa hình thành được lực lượng thanh tra phân bón cấp cơ sở, cũng như việc giám định chất lượng phân bón gặp khó khăn do thiếu kinh phí...


“Thời gian tới, chúng ta cần phải có một loạt giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý từ khâu quản lý, kinh doanh, giám định, kiểm định tới kiểm tra, xử lý. Thứ hai là các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trên thị trường, trong đó lực lượng chủ công là quản lý thị trường, cảnh sát kinh tế, hải quan, biên phòng… Các đơn vị này phải tích cực phối hợp chặt chẽ với nhau để ngăn chặn việc sản xuất và nhập lậu phân bón giả. Thứ ba, những đơn vị sản xuất phân bón lớn cần đẩy mạnh sản xuất phân bón chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong nước. Thứ tư là cần làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho người nông dân lựa chọn những loại phân bón chất lượng, phù hợp với loại cây trồng của mình”, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề xuất.


Trước mắt, Bộ Công Thương cũng đã hoàn tất dự thảo nghị định về quản lý phân bón, thay thế những nghị định cũ. Trong đó, nghị định mới sẽ hướng tới việc phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón, quy định mặt hàng phân bón là mặt hàng kinh doanh có điều kiện để giám sát ngay từ khâu cấp phép sản xuất, kinh doanh và loại bỏ dần những cơ sở yếu kém, không đủ điều kiện sản xuất. Bên cạnh đó, dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón cũng đang được Bộ Công Thương gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định và cho ý kiến.


Hoàng Tuyết

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN