Phú Thọ khuyến khích đầu tư

Phú Thọ là địa phương có nhiều thuận lợi về giao thông. Do có những chính sách cụ thể nên việc thu hút đầu tư vào địa phương trong những năm qua đã có nhiều kết quả khả quan, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được cải thiện.

Đến nay, Phú Thọ đã hình thành và quy hoạch 9 khu công nghiệp (KCN), một khu liên hợp dịch vụ và 20 cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích gần 5.000 ha, trong đó nhiều KCN, CCN có quy mô lớn để đón các dự án đầu tư lớn như KCN Thụy Vân, Trung Hà và các CCN Bạch Hạc (Việt Trì), Cổ Tiết (Tam Nông), Thanh Ba, Lâm Thao.

Phú Thọ còn dành quỹ đất dự trữ hơn 3.000 ha có thể quy hoạch phát triển công nghiệp tập trung và xây dựng mới KCN Lâm Thao, nâng cấp cụm công nghiệp Phú Hà (thị xã Phú Thọ) thành khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị.

Ông Nguyễn Đình Cúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Khi các doanh nghiệp tìm cơ hội đầu tư vào Phú Thọ, ngoài việc được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Nhà nước, nhà đầu tư còn được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư bổ sung của tỉnh và được thực hiện theo cơ chế quản lý “một cửa” liên thông đối với tất cả các dự án. Cụ thể là được hỗ trợ đầu tư về đất, đầu tư hạ tầng và phí hạ tầng, các dịch vụ và xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xử lý các vấn đề liên quan đến ưu đãi đầu tư...

Đời sống nhân dân các dân tộc ở Phú Thọ dần được nâng cao. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN


Do làm tốt công tác quảng bá và kêu gọi đầu tư nên đến cuối năm 2010, Phú Thọ đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 112 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 619,5 triệu đô la. 55 dự án đã hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư với tổng vốn là 303,3 triệu đô la. Số dự án đang triển khai thực hiện giải ngân là 28 dự án với số vốn đăng ký 137,2 triệu đô la.

Ngoài ra, trong lĩnh vực đầu tư tỉnh ngoài đã có 14 dự án đã cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 585,412 triệu đô la; 12 dự án đã triển khai thực hiện với tổng số vốn là 550,547 triệu đô la.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Phú Thọ, đây là những kết quả đáng ghi nhận do địa phương đã có sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi, vận dụng tối đa các chính sách ưu đãi đầu tư, giải quyết nhanh chóng mọi thủ tục đầu tư, nhất là việc giao đất, bồi thường giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư.

Trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư, các nhà đầu tư được trân trọng và ưu tiên đối thoại, trực tiếp đề xuất nhu cầu, nguyện vọng đầu tư hoặc kiến nghị giải quyết những vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đến người đứng đầu chính quyền tỉnh, các ngành, các địa phương mà không phải qua bất kỳ khâu trung gian nào.

Cũng theo ông Nguyễn Đình Cúc, tỉnh Phú Thọ đề ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó đến năm 2020 về cơ bản Phú Thọ trở thành tỉnh công nghiệp. 14 lĩnh vực được ưu tiên bao gồm: Đầu tư kinh doanh hạ tầng, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; lĩnh vực công nghệ cao; đầu tư sản xuất, lắp ráp điện, điện tử, hóa chất, dược phẩm; công nghiệp ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo...

Một trong những giải pháp để Phú Thọ kêu gọi các nhà đầu tư là tập trung cho công tác quy hoạch vùng dự án, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn cũng như hạ tầng các KCN, CCN bảo đảm môi trường và khu tái định cư lâu dài cho dân.


Giải phóng nhanh mặt bằng cho nhà đầu tư, kiểm tra toàn bộ các dự án để có giải pháp xử lý phù hợp; tập trung cải cách thủ tục hành chính ở các khâu...

Những công việc ấy phải được công khai ở các cơ quan liên quan đến doanh nghiệp và nhà đầu tư, trên mọi phương tiện thông tin. Tiếp đó là tập trung sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của tỉnh đối với nhà đầu tư, doanh nghiệp; tiếp tục có cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ về hạ tầng, san lấp mặt bằng, đào tạo đội ngũ lao động; thực hiện đầy đủ các cam kết hỗ trợ của tỉnh đối với nhà đầu tư theo cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành...

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN