Phú Thọ đưa việc tái cơ cấu đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách

Đầu tư công hàng năm tăng, cộng thêm đầu tư dàn trải là những nguyên nhân dẫn đến hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt thấp. Do vậy, đẩy nhanh tái cơ cấu đầu tư công đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách mà tỉnh Phú Thọ sẽ thực hiện quyết liệt trong năm 2012.

Sản xuất thiết bị, cột điện và cột viễn thông tại Nhà máy kết cấu thép mạ kẽm nung nóng (Công ty CP Việt Vương), KCN Thụy Vân, Phú Thọ. Ảnh: Hồng Kỳ - TTXVN


Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư Phú Thọ, năm 2012, nguồn vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước (bao gồm cả vốn ODA) của tỉnh đạt khoảng 4.635 tỷ đồng, chiếm 33,6% tổng vốn đầu tư, tăng 37,7% so với năm 2011. Trong đó vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) trên 515 tỷ đồng, vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương 1.100 tỷ đồng, vốn trái phiếu Chính phủ 1.500 tỷ đồng, vốn chương trình mục tiêu 600 tỷ đồng, vốn ODA 700 tỷ đồng.

Khác với mọi năm, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước năm 2012 sẽ cơ cấu lại, ngoài việc tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng như xây dựng đường sá, cầu cống, tỉnh Phú Thọ sẽ ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục, nhà ở sinh viên. Trong đó, chú trọng ưu tiên, cấp bách cho các lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng nuôi trồng thủy sản, an ninh quốc phòng, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường...

Nguồn vốn cũng sẽ được tỉnh Phú Thọ phân chia theo nguyên tắc ưu tiên bố trí cho các dự án đã hoàn thành, đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011 do chưa bố trí đủ vốn; các công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2012. Số vốn còn lại (nếu có) mới bố trí khởi công mới các dự án, các dự án thực sự cấp bách. Việc bố trí vốn mới cho các dự án mới phải đảm bảo tổng số vốn bố trí cho từng dự án (gồm vốn ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) tối thiểu bằng 15% đối với dự án thuộc nhóm A, bằng 20% đối với dự án nhóm B và phải hoàn thành trong vòng 5 năm, 35% đối với dự án nhóm C phải hoàn thành trong 3 năm.

Các dự án đang được đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhưng không được bố trí vốn trong năm 2012 sẽ được phân loại và xử lý theo hình thức sau: Đối với các dự án có khả năng chuyển đổi sẽ được tỉnh Phú Thọ nghiên cứu chuyển sang các hình thức đầu tư khác; đối với các dự án không có khả năng chuyển đổi sang hình thức đầu tư khác, tỉnh Phú Thọ sẽ xây dựng phương án huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện, trường hợp không thể huy động được vốn, tỉnh sẽ quyết định tạm dừng.

Còn đối với phần vốn cân đối ngân sách huyện, xã và nguồn vốn có tính chất ngân sách khác căn cứ vào kế hoạch đầu tư phát triển năm 2012, tỉnh Phú Thọ giao trách nhiệm cho các huyện tự cân đối ngân sách, để bố trí vốn đối ứng cho các công trình đầu tư trên địa bàn do huyện làm chủ đầu tư và bổ sung cho các công trình đã được phân cấp cho huyện. Riêng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, tỉnh Phú Thọ chỉ bố trí cho các dự án đã hoàn thành và đã bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011, nhưng chưa được bố trí đủ vốn; ưu tiên vốn cho các dự án cần phải hoàn thành trong năm 2012, nếu còn vốn mới bố trí cho khởi công các dự án mới có khả năng hoàn thành năm 2013.

Năm 2011, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách đạt trên 5.912 tỷ đồng, giảm 4,7% so với năm 2010 do thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều dự án đầu tư từ ngân sách không đạt tiến độ, đạt giá trị thấp, kể cả các dự án trọng điểm có khối lượng lớn cũng mới giải ngân đạt 90% so với kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu là công tác giải phóng mặt bằng chậm, công tác quản lý chất lượng, giám sát thi công chưa sát sao, việc thẩm định lựa chọn nhà thầu chưa đảm bảo, chất lượng tư vấn thiết kế hạn chế, chất lượng và tiến độ một số dự án chưa đảm bảo yêu cầu. Đặc biệt việc phân cấp quyết định đầu tư dự án thiếu các biện pháp đồng bộ, thiếu sự kiểm tra giám sát tổng thể đầu tư, việc phê duyệt dự án còn vượt quá khả năng cân đối ngân sách. Nhiều huyện phân bố không đúng mục tiêu dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài quá quy định...

Lâm Đào An

Bình Dương tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững
Bình Dương tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả, bền vững

Định hướng phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015 được Nghị quyết lần thứ IX của Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương xác định: Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp (KCN); thu hút đầu tư các ngành công nghiệp kỹ thuật cao;

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN