Phối hợp điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa

Ngày 11/5, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) và Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã tổ chức hội thảo khoa học “Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều tiết kinh tế vĩ mô”.


 

Khách hàng làm thủ tục vay với lãi suất ưu đãi tại HDBank Chi nhánh quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Có ý kiến cho rằng: Đây là vấn đề không mới bởi sự hợp tác điều hành giữa các bộ, ngành là lẽ đương nhiên, nó còn được thể hiện bằng các văn bản thỏa thuận trước đó. Tuy nhiên trong quá trình thực thi, có những thời điểm, điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa còn khá độc lập, thiếu sự phối hợp.

Còn nhiều bất cập


TS. Đào Minh Tú - Chánh Văn phòng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: Giai đoạn 2007 - 2011, mặc dù chính sách tiền tệ và tài khóa đều được điều hành nhất quán theo hướng mở rộng để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế và thắt chặt để kiềm chế lạm phát, nhưng liều lượng sử dụng còn chưa phù hợp; sự phối hợp giữa hai chính sách cũng chưa nhịp nhàng, hiệu quả.


Đại diện NHNN đã đưa ra các ví dụ: Khi NHNN nỗ lực cắt giảm các mức lãi suất điều hành để tác động làm giảm mặt bằng lãi suất cho vay, từ đó làm giảm chi phí đầu vào của hoạt động sản xuất, kinh doanh thì Bộ Tài chính lại quyết định điều chỉnh tăng giá xăng ngay trước hoặc sau thời điểm cắt giảm lãi suất. Điều này khiến cho chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị tăng lên và tăng nguy cơ lạm phát...


“Có nhiều thời điểm lãi suất trái phiếu Chính phủ vận hành trái chiều với các mức lãi suất điều hành của NHNN làm ảnh hưởng nhất định đến mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ quốc gia. Vấn đề tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng cũng như vấn đề quản lý nguồn ngoại tệ quốc gia cũng còn những bất cập và chưa thống nhất giữa NHNN và Bộ Tài chính”, ông Tú nói.


Khảo sát của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia thực hiện trong tháng 4/2012 cho thấy: Có tới 4/5 khó khăn của các doanh nghiệp được nêu ra đều liên quan đến hỗ trợ tài khóa hoặc chính sách tiền tệ. Phần lớn các doanh nghệp đều chung “bài ca” khó khăn trong tiếp cận vốn, lãi suất ngân hàng cao; lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao và sức mua kém; thâm hụt thương mại giảm mạnh, nhưng chủ yếu do sản xuât chậm lại nên không có nhu cầu nhập hàng

 

Cần sự phối hợp chặt chẽ


Để thực hiện cùng một lúc các mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đã đề ra là kiểm soát được lạm phát ở mức một con số và không để tăng trưởng kinh tế dưới 6% trong năm nay; đồng thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Chính sách tài khóa và tiền tệ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để vừa duy trì mức độ “thắt chặt” hợp lý nhằm kiểm soát lạm phát, vừa phải có bước “nới lỏng” thận trọng.


TS. Nguyễn Minh Phong đã đề xuất: Cần có quy định pháp lý về sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Hiền, chính sách tài khóa bên cạnh việc giảm thuế theo luật cần có bảo lãnh để ngân hàng thấy đủ niềm tin cho doanh nghiệp vay vốn.


PGS.TS Tô Kim Ngọc và PGS.TS Lê Thị Tuấn Nghĩa (Học viện Ngân hàng) đã kiến nghị: Chính sách tài khóa cần thực hiện quyết liệt hơn, đặc biệt trong vấn đề giảm chi tiêu công. Tránh tình trạng chính sách tài khóa duy trì theo hướng "bảo thủ" trong khi chính sách tiền tệ liên tục đảo chiều ở mức độ cao theo những biến động của nền kinh tế. Đại diện Học viện Ngân hàng cũng cho rằng: Cần có sự cân đối ngân sách lành mạnh và tích cực để đảm bảo tính bền vững của ngân sách; tăng tỷ trọng nguồn thu nội địa, hạn chế phụ thuộc vào nguồn thu xuất khẩu tài nguyên, giảm bớt tình trạng sử dụng chính sách thuế cho yêu cầu chính sách xã hội, tăng tỷ trọng thuế trực thu so với thuế gián thu... là các yêu cầu bức thiết cho một cấu trúc thu ngân sách bền vững.


Theo ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Tài chính cho rằng, để giữ ổn định an ninh tài chính cần phải phối hợp đồng bộ. Cụ thể là Bộ Tài chính và NHNN phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức đấu thầu trái phiếu Chính phủ (thời gian, khối lượng, lãi suất...), tránh gây nên sự bất ổn cho thị trường tài chính và nền kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần điều chỉnh cân đối chi ngân sách nhà nước thường xuyên và chi đầu tư, tinh giảm bộ máy hành chính... góp phần giảm thâm hụt ngân sách và nâng cao tính an toàn cho tài chính quốc gia.


Đại diện NHNN cho biết: Từ nay đến năm 2020, hai bên cần thiết lập cơ chế cung cấp, trao đổi thông tin thường xuyên, tin cậy giữa các đơn vị chức năng của hai cơ quan để kịp thời nắm bắt. Bộ Tài chính cần cung cấp thường xuyên, kịp thời cho NHNN các thông tin liên quan đến quá trình hoạch định, điều hành chính sách tiền tệ, nhất là điều hành lượng tiền cung ứng, lãi suất như: Dự toán ngân sách nhà nước hàng năm, kế hoạch điều hành thu, chi ngân sách nhà nước hàng quý; kế hoạch bán ngoại tệ cho NHNN... Phía NHNN cũng cần cung cấp thường xuyên, kịp thời cho Bộ Tài chính các thông tin liên quan trực tiếp đến quá trình theo dõi, nắm bắt và hoạch định, điều hành chính sách tài khóa.


Minh Phương - Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN