Phạt tù tới hơn 20 năm nếu sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Trước việc xử lý hành vi sử dụng chất độc hại trong sản xuất, chăn nuôi ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng còn “nhẹ tay”, phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Xin ông cho biết công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm của chúng ta hiện được thực hiện như thế nào?

Là cơ quan tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đề xuất với Chính phủ các cơ chế chính sách ngăn chặn việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, chúng tôi đã tham mưu cho Bộ ban hành kịp thời thông tư đáp ứng tình hình mới, đồng thời rà soát chế độ xử phạt hành chính theo Nghị định 119/NĐ-CP quy định việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi với các mức phạt khác nhau để nghiên cứu đề xuất với các mức phạt phù hợp với tình hình hiện nay, có tính chất răn đe đối với người sử dụng chất cấm thì phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Cục cũng đã phối hợp với một số đơn vị khác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với Chính phủ và Quốc hội rà soát lại luật hình sự, đưa hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vào luật và đảm bảo nâng mức hình phạt áp dụng với những đối tượng có các hành vi đó. Đặc biệt là từ 1/7, một số điều trong Bộ luật Hình sự sửa đổi sẽ được thực thi theo hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất.

Với việc Bộ luật Hình sự được sửa đổi và từ 1/7 tới có hiệu lực thì hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi sẽ bị xử lý thế nào, thưa ông?

Trước đây, theo Nghị định 119/NĐ-CP, việc phạt tiền đối với hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi chỉ ở mức 15 - 20 triệu đồng/hộ, nhưng sắp tới đây thì ngoài việc phạt tiền như vậy còn có hình thức xử phạt bổ sung và hình thức này có thể lên tới 100 - 200 triệu đồng, thậm chí nếu còn có tình tiết tăng nặng, tái phạm nhiều lần thì có thể bị phạt tới 1 tỷ đồng.

Từ 1/7 tới đây khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, liên quan tới những hành vi kể trên thì người sử dụng những chất này có thể sẽ bị phạt tù từ 3 tháng tới 3 năm, nếu có tình tiết tăng nặng thì từ 3 - 7 năm. Mức phạt tù có thể lên tới 20 năm thậm chí có thể cao hơn. Chúng tôi cho rằng đây là hình thức cực kỳ nặng và có tính răn đe cao. Tới đây nếu tiếp tục phát hiện có hành vi đó và xử lý đúng theo pháp luật quy định thì tôi tin chắc là việc sử dụng Salbutamol trong chăn nuôi sẽ tiến tới chấm dứt hoàn toàn.

Tại các địa phương, các cơ sở chăn nuôi thường được thực hiện theo mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ dẫn tới công tác quản lý, kiểm soát rất khó khăn. Liệu có hiện tượng bỏ sót, không kiểm tra hết đối với nguồn hàng thực phẩm từ các hộ nhỏ lẻ này không, thưa ông?

Nhóm các hộ chăn nuôi nông hộ đang là vấn đề đáng quan tâm nhất vì cả nước ta hiện có hơn 8 triệu hộ chăn nuôi; trong đó khoảng 4,5 triệu đến 5 triệu hộ chăn nuôi nằm rải rác kể cả ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, cũng rất đáng mừng là trong đợt cao điểm triển khai kiểm tra vừa qua, nhóm chăn nuôi nông hộ thì lại rất ít nguy cơ.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiến hành những giải pháp rất cụ thể về thông tin truyền thông, tập huấn… Vừa qua, chúng tôi cũng đã triển khai chương trình ký cam kết không sử dụng chất cấm trong các hộ chăn nuôi ở nông hộ, đây là giải pháp rất có ý nghĩa.

Xin cảm ơn ông!
Diệu Linh (Thực hiện)
Loại trừ chất cấm trong chăn nuôi
Loại trừ chất cấm trong chăn nuôi

Từ 1/7/2016, Luật An toàn thực phẩm chính thức có hiệu lực; trong đó đối với các hành vi đưa chất cấm vào trong chăn nuôi phải chịu tránh nhiệm hình sự, nặng thì phạt tù. Điều này được đánh giá sự nghiêm minh của pháp luật Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN