Phát triển vùng Đồng Tháp Mười: Hài hòa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường

“Từ một vùng đất chết, nơi mà các chuyên gia nước ngoài từng lắc đầu và khẳng định: Không thể khai phá, hoặc muốn khai thác trồng lúa phải xử lý 1 ha tốn cả triệu USD… Nhưng hiện khu vực Đồng Tháp Mười (ĐTM) đã trở thành một trong những vựa lúa lớn của cả nước. Cuộc sống của người dân ngày càng sung túc hơn, nhưng làm sao để vẫn giữ vững được những giá trị đa dạng vốn có mà thiên nhiên ban tặng đang là câu hỏi cần sớm có lời giải đáp”, ông Lê Vĩnh Tân - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nói.

Thủy lợi, khâu đột phá

Là vùng đất trũng, thấp nằm giữa hạ lưu sông Mê Công, ĐTM có diện tích tự nhiên khoảng 696.000 ha, chiếm gần 18% khu vực đồng bằng sông Cửu Long bao gồm 16 huyện thị, 7 xã thuộc 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Nhờ địa hình là một đồng ngập úng khép kín, ĐTM có tài nguyên nước khá dồi dào. Tuy vậy, một thời gian dài việc khai thác nước đủ tiêu chuẩn vệ sinh cho sinh hoạt và phục vụ tưới tiêu cho ngành nông nghiệp là vấn đề nan giải. “Vì thế, ngay khi có chủ trương làm hồi sinh vùng đất này, Trung ương đã sớm xác nhận khâu đột phá bắt buộc phải bắt đầu từ thủy lợi. Mạng lưới kênh mương được đào đắp dẫn sâu vào ĐTM đưa nước ngọt, tháo nước chua, rửa phèn, cải tạo đất, thoát lũ, phát triển giao thông thủy, tạo địa bàn cho việc bố trí dân cư vào làm ăn sinh sống và phát triển sản xuất…”, ông Hồ Văn Dân – Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng (Long An) nhớ lại.

Ngoài chuyên canh cây lúa, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang nuôi trồng thủy sản (ảnh chụp tại huyện Tam Nông, Đồng Tháp)


Từ chủ trương của Trung ương, tỉnh Đồng Tháp nhanh chóng bắt tay vào công tác thủy lợi bằng việc đào mới kênh tạo nguồn cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính 15 năm qua, tỉnh đã làm 131 kênh tạo nguồn, dài trên 852km, kinh phí 172 tỷ đồng. Ngoài ra, người dân góp 60 tỷ đồng làm bờ bao, đào kênh nội đồng… Hàng loạt tuyến kênh mương nội đồng được triển khai như: Kênh Tứ Thường, kênh Kháng Chiến...góp phần tạo ra những cánh đồng lúa xanh mượt. Tại tỉnh Long An, nhờ đầu tư lớn các kênh trục tạo nguồn như: Hồng Ngự-Vĩnh Hưng (Đồng Tháp - Long An), Phước Xuyên... đã dẫn nước ngọt từ sông Tiền vào vùng sâu ĐTM phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Theo số liệu thống kê của tỉnh Đồng Tháp, đến nay hệ thống thủy lợi đã phân bố đều khắp vùng ĐTM bao gồm 22 kênh trục chính dài 593km, 1.757km kênh cấp 2 và hệ thống kênh cấp 3, kênh nội đồng… đã thau chua rửa phèn cho 2/3 diện tích đất phèn (143.000ha), góp phần nâng tổng diện tích đất canh tác 2-3 vụ của tỉnh lên trên 200.000ha. Riêng tỉnh Tiền Giang ngay từ năm 1988 hàng loạt công trình thủy lợi đào kênh dẫn nước ngọt, xổ phèn diễn ra trên khắp ĐTM. Hệ thống kênh mương bao gồm kênh trục, kênh cấp 1, cấp 2… được xây dựng với tốc độ ngày càng nhanh. Tính đến cuối năm 2010, tỉnh đã đào hơn 600 km kênh phục vụ việc khai hoang và thực hiện nhiều dự án thủy lợi như: Dự án Cái Bè, Lộ Mới, Tây Cai Lậy…

Hồi sinh vùng đất chua phèn

Tại Hội thảo đánh giá kết quả 25 năm khai thác và phát triển vùng ĐTM được tổ chức mới đây tại tỉnh Đồng Tháp, các nhà khoa học nhận định, việc khai thác tiềm năng của vùng ĐTM trong những năm qua đã góp phần làm thay đổi căn bản bộ mặt, cũng như đời sống của người dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp… Tại nhiều điểm trong vùng như xã Hậu Mỹ Bắc A (Cái Bè, Tiền Giang) nông nghiệp khởi sắc, nông dân khấm khá lên và nông thôn đổi mới với thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt hơn15 triệu đồng/năm. Từ vùng đất toàn đầm lầy, cỏ dại… đến nay huyện Mộc Hóa (Long An) đã hình thành vùng sản xuất lúa gần 65.000 ha, đạt năng suất bình quân hơn 50 tạ/ha…

Đặc sản vùng Đồng Tháp Mười (ảnh chụp tại huyện Tân Hưng, Long An).


“Từ vùng đất hoang hóa, dân cư thưa thớt, hiện dân số ĐTM đã tăng lên hơn 1,1 triệu người; mật độ dân số khoảng 415 người/km2, tăng gần 2 lần so với những năm đầu giải phóng. Diện tích lúa cả năm từ 92.286 ha năm 1975 lên 353.287 ha, năng suất cũng tăng hơn 3 lần và sản lượng tăng từ 184.168 tấn lên 2.102.698 tấn…”, ông Tân cho biết. Tận dụng hệ thống thủy lợi được đầu tư, người nông dân đã sáng tạo trong công tác ém phèn, sạ chai, sạ ngầm; đa dạng trong trồng hoa màu, nuôi tôm vùng nước ngập trên ruộng lúa, nuôi cá lóc hầm, cải tiến công cụ sản xuất… Quá trình này đã làm biến đổi tư duy, tập quán của người dân trong vùng, nâng cao trình độ dân trí, từ đó xóa đói, giảm nghèo cho người dân trong vùng. Ngoài ra, nhờ nước ngọt vào sâu nội đồng, các địa phương đã phát triển hơn 204 cụm, tuyến dân cư; giúp phân bổ thêm hơn 15.000 hộ dân từ vùng ngoài vào vùng sâu ĐTM làm ăn sinh sống.

Ngoài phát triển nông nghiệp, các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang đang đầu tư quy hoạch xây dựng các khu, cụm công nghiệp ngay nội vùng ĐTM. Tại Đồng Tháp, chỉ tính đến cuối năm 2010, tỉnh đã quy hoạch tổng thể 32 cụm, khu công nghiệp tập trung, trong đó có 13 cụm công nghiệp thuộc vùng ĐTM; tỉnh Tiền Giang triển khai quy hoạch khu công nghiệp Đông – Nam Tân Phước… Những khu, cụm công nghiệp trên được quy hoạch ngay trên các vùng nguyên liệu lúa, cá, dứa… vừa thu hút lao động vùng nông thôn, vừa gắn liền với các vùng nguyên liệu, vừa thực hiện chủ trương “tam nông” vừa góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp cho các tỉnh. Theo ông Dân, với sự chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp có chọn lọc này đã giúp ĐTM tạo điều kiện thu hút các thành phần kinh tế cùng tham gia vào quá trình phát triển của vùng, đảm bảo an sinh xã hội .

Đối mặt khó khăn

Về phát triển ĐTM trong thời gian tới, GS-TS Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang cho biết, ĐTM đang đối mặt với nhiều

TS Nguyễn Văn Đúng – Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp:
Cần đột phá để phát triển ĐTM trong giai đoạn mới


Định hướng để phát triển ĐTM phải được đặt trong bối cảnh toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, đặc biệt chú trọng tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Theo tôi chúng ta cần lựa chọn 3 mũi đột phá để tập trung ưu tiên đầu tư nhằm tạo bước phát triển đột biến trong thời gian tới, trong đó không nên xem nhẹ các nhân tố truyền thống trong phát triển vốn đã mang lại cho ĐTM bộ mặt mới như hôm nay. 3 mũi đột phá đó bao gồm: “Dọn sẵn sân chơi” nhằm thu hút đầu tư; Quy hoạch xây dựng thành phố ĐTM tại trung tâm ĐTM; Tập trung phát triển hạ tầng giao thông, khẩn trương xây dựng và thực hiện những chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
 
Phát triển ĐTM trong giai đoạn mới, dù phát triển theo hướng nào cũng cần tính đến sự đối trọng với TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ, hay xu hướng ổn định để phát triển theo địa giới 3 tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Từ những đột phá đó, nó sẽ có sức lan tỏa và tác động mạnh đến phát triển sản xuất theo hướng chuyên canh hiện đại, phát triển công nghiệp gắn với nông nghiệp và giải quyết việc làm… Đặc biệt là phát huy tối đa tiềm năng du lịch với những nét văn hóa và phong cảnh hoang sơ thú vị trong vùng.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Tổng Thư ký Liên hiệp Các hội UNESCO thế giới, Chủ tịch Liên hiệp Các hội UNESCO Việt Nam:

Phát triển ĐTM hài hòa và bền vững đang là vấn đề bức bách đặt ra


Thời gian tới theo tôi cần phải có cái nhìn đầy đủ và tương đối toàn diện về công cuộc phát triển ĐTM. Quan điểm của chúng tôi là việc khai thác ĐTM phải tôn trọng những giá trị đa dạng vốn có của vùng đất này trên cơ sở cân nhắc giữa những lợi ích cụ thể với các mục tiêu chiến lược; tăng trưởng kinh tế trước mắt phải được đối chiếu với những lợi ích lâu dài liên quan đến trách nhiệm bảo tồn bền vững mai sau. Trong kế hoạch phát triển của mình, các ngành chức năng cần tính đến việc xem xét, đánh giá những mục tiêu về văn hóa, giáo dục, môi trường bên cạnh các mục tiêu phát triển kinh tế là cần thiết. Một ví dụ chúng tôi muốn được nêu ra ở đây là Vườn quốc gia Tràm Chim vốn được cả thế giới phải mơ ước bởi sự đa dạng sinh học và được ví như ĐTM thu nhỏ. Tuy nhiên, thực tế hiện quá trình giữ gìn và phát triển vẫn chưa được như mong muốn của nhiều nhà khoa học. Phát triển kinh tế nhưng không lơ là các giá trị thiên nhiên bền vững vốn có sẽ góp phần xây dựng chiến lược phát triển cho ĐTM và dựa trên nền tảng là tinh thần trách nhiệm, thận trọng với những giá trị thiên nhiên và văn hóa của dân tộc đã tích tụ từ ngàn năm.

Ông Trần Hoàng Diệu – Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học&Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang:

Cần có những giải pháp mang tính căn cơ và lâu dài hơn


Trong giai đoạn mới, để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh vùng ĐTM, theo tôi cần tập trung giải quyết những nhiệm vụ có tính chất chiến lược, bao gồm: Nâng cao năng lực sản xuất các ngành, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng chất lượng và hiệu quả, trong đó gắn liền với việc sống chung với lũ; Tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh những cụm, tuyến dân cư vượt lũ, bảo đảm các xã có đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ có hiệu quả nâng cao đời sống và phát triển sản xuất tăng thu nhập… Ngoài ra, tuỳ từng ngành cụ thể chúng ta nên có những nhóm giải pháp tương ứng nhằm phát triển ngành. Ví dụ ngành nông nghiệp tiếp tục đầu tư mở rộng các vùng chuyên canh, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho nhà nông, có chủ trương chính sách trong việc bảo vệ rừng; ngành khoa học-công nghệ tập trung được nguồn lực cho việc nghiên cứu các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, phát triển công nghệ chế biến, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực cho khoa học công nghệ…

khó khăn, thử thách phía trước. Thực chất, hiện tăng trưởng kinh tế của vùng vẫn còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng nhất là trong khai thác sản xuất nông nghiệp và thương mại dịch vụ; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, trong đó chất lượng chuyển dịch không cao; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chủ yếu mang tính tự phát là chính; Sản xuất nông nghiệp còn mang tính phân tán, nhỏ lẻ… “Vì vậy, để vùng phát triển một cách bền vững cũng như tận dụng triệt để thế mạnh của mình, các ngành chức năng còn nhiều việc phải làm, trong đó cần có sự thống nhất, đồng thuận về quản lý giữa 3 tỉnh, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm”, GS Võ Tòng Xuân nói thêm.

Các nhà khoa học cho rằng, việc khai phá ĐTM đem lại hiệu quả về kinh tế, song cũng khiến vùng đất này phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về ô nhiễm môi trường, về vấn đề bảo vệ hệ đa dạng sinh thái. Theo nhiều chuyên gia, toàn vùng đang phải chịu thách thức trước sự biến đổi khí hậu, trong đó có nguồn nước đến từ thượng nguồn và nước biển dâng, rừng phòng hộ bị tàn phá, nguy cơ thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô và nước mặn xâm nhập sâu vẫn luôn đe dọa. Hệ động, thực vật của vùng vốn rất phong phú nhưng hiện đã thay đổi, nhiều loài hoang dại thích nghi lâu đời ở vùng ĐTM ngập nước đang bị thu hẹp và có nguy cơ biến mất, như trăn, rắn, rùa,... tràm gió, sen, sung… và theo đó là sự xuất hiện tính ưu thế của các loài cỏ dại mọc theo cây lúa.

Sau năm 1975, hơn 53% diện tích ĐTM bị nhiễm phèn nặng. Phải đến năm 1992, khi Dự án ISA/FOS/ĐTM (Nghiên cứu hệ thống nông nghiệp ĐTM) được triển khai và kéo dài đến 12 năm mới cơ bản đưa vùng đất hoang vu xưa kia trở thành vùng sản xuất hai, ba vụ, năng suất cao; phát triển đa dạng nguồn lợi thủy sản… Tuy nhiên, do tốc độ sinh trưởng cây trồng diễn ra mạnh mẽ và ngày càng được rút ngắn, đất đang bị khai thác theo xu hướng tối đa làm cho thảm phủ che chắn cho mặt đất kém, những chất mùn hữu cơ bồi bổ dinh dưỡng cho đất ngày càng giảm dần…

Được xem như là một ao hở giúp điều tiết nước ngọt cho khu vực hạ lưu sông Mê Công, nhưng do biến đổi khí hậu, sự thay đổi của dòng chảy trên thượng nguồn nên nước lũ về vùng này ngày càng giảm. Nhiều công trình kiểm soát lũ, thoát lũ hiện không còn phát huy tác dụng đang gây trở ngại cho sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế, xã hội của địa phương…

Cân bằng phát triển và gìn giữ

Theo khảo sát của ngành nông nghiệp, đến nay ĐTM còn khoảng 53.000 ha hệ sinh thái ngập nước với cây tràm là chủ yếu, khoảng hơn 200 loài chim nước, chiếm 1/4 loài chim nước Việt Nam; trong đó có nhiều loài chim quý hiếm; khoảng 100.000 ha hoang hóa cần tìm phương án khai thác phù hợp. Tại Vườn quốc gia Tràm Chim (Tam Nông, Đồng Tháp) còn có các loài thực vật phong phú như: Sen trắng, sen hồng, sen nửa trắng, nửa hồng, lúa trời và các loài thủy sản khác như lươn, rắn rùa, cá… “Trong giai đoạn 2 của tiến trình khai thác vùng ĐTM, các địa phương cần tiếp tục xây dựng những mô hình sản xuất hiện đại, kết hợp với chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, điều quan trọng phải làm sao tránh được sự phát triển kinh tế bằng mọi giá mà phá vỡ đi sự đa dạng về sinh thái tự nhiên”, GS Đặng Vũ Minh – Chủ tịch Hội đồng Trung ương Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt nam lưu ý.

Ngày 18/ 3/ 1988, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) đã ban hành Chỉ thị số 74 với quyết tâm phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐTM. Theo đó, phải lấy sản xuất lương thực, thực phẩm làm nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng và bảo vệ rừng; thực hiện việc phân bổ lại dân cư bảo đảm cho yêu cầu phát triển sản xuất; cùng với phát triển kinh tế phải chú trọng đặc biệt đến nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của dân cư trong vùng…

Để khai thác ĐTM bền vững hơn trong tương lai, theo GS Đặng Vũ Minh, cần phải có kế hoạch khoanh vùng phục hóa và giữ lại giá trị thiên nhiên để làm điểm tựa duy trì đa dạng sinh học; không chỉ đặt nặng vấn đề khai thác để trồng lúa mà cần có nhiều giải pháp khác đa dạng hơn; trong đó chú ý thế mạnh về du lịch nông nghiệp trên vùng đất ngập nước của ĐTM. GS Võ Tòng Xuân cho hay, việc khai thác những tiềm năng của vùng phải đảm bảo tôn trọng những giá trị đa dạng vốn có, từ môi trường sinh thái đến phong tục văn hóa, tín ngưỡng, lối sống mang sắc thái đặc biệt của nhân dân nơi đây. Ngoài ra là vấn đề ĐTM sẽ đi lên bằng mô hình nào, hay cứ dựa mãi vào cây lúa và việc nghiên cứu mùa vụ sản xuất sao cho phù hợp trong điều kiện thiếu nước ngọt và nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay.

Theo kế hoạch đến năm 2020, ĐTM phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 6,0%/ năm, đảm bảo ổn định diện tích canh tác lúa khoảng 195.000 ha, trong đó chú trọng hình thành những vùng sản xuất lúa tập trung; Phát triển 3 loại rừng tập trung trên cơ sở phủ kín quỹ đất lâm nghiệp hiện có… “Đã đến lúc ngành chức năng cần nghiên cứu quy hoạch chi tiết, trong đó có các tính toán mang tính chiến lược đồng bộ về phân bố dân cư, đô thị, giao thông, thương mại, thu hút đầu tư… Nếu được đầu tư tích cực, ĐTM rất có tiềm năng vươn lên trở thành trung tâm kinh tế của khu vực. Tuy nhiên, điều đang làm các nhà quản lý, khoa học “đau đầu” là làm sao khai thác hết tiềm năng ĐTM nhưng vẫn giữ được những giá trị đa dạng vốn có, giữ môi trường sinh thái cho thế hệ mai sau”, GS Đặng Vũ Minh cho biết thêm.

Lê Nghĩa




Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN