Phát triển nông nghiệp Hà Nội - nền tảng phát triển du lịch và dịch vụ - Bài 3: Rào cản cần được tháo gỡ

Việc phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái dù ở cấp độ nào cũng là những tiền đề quan trọng để xây dựng các miền quê đáng sống.

Chú thích ảnh
Trải nghiệm  tại điểm du lịch dã ngoại tại ngoại thành Hà Nội. Ảnh: XL/Báo Tin tức

Đối với khu vực ven đô, việc phát triển nông nghiệp ngoài nâng cao đời sống, chất lượng sống cho chính người dân khu vực nông thôn còn có nhiệm vụ quan trọng là "lá phổi xanh" của nội đô. Tuy nhiên, do vướng mắc về chính sách đất đai, quy hoạch phát triển nông nghiệp, hành lang pháp lý về xây dựng, nguồn vốn... nên nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ còn bị "bó tay bó chân" khó có thể phát triển mạnh mẽ và bài bản.

Khai phá tiềm năng

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn thành phố Hà Nội hiện có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê. Các mô hình phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp với du lịch cho hiệu quả kinh tế cao, giúp nâng cao đời sống người dân và tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn' đồng thời, còn đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng, trải nghiệm của người dân thành thị, nhất là giới trẻ ngày nay.

Một trong những mô hình được coi là thành công nhất chính là các trang trại kết hợp nông nghiệp - du lịch - giáo dục học đường như: khu du lịch sinh thái Bản Rõm (huyện Sóc Sơn), trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), du lịch sinh thái - làng nghề ở xã Hồng Vân (huyện Thường Tín); vườn sinh thái Phúc Thọ hoa bay (huyện Phúc Thọ)… đã là điểm đến của nhiều nhà trường khi tổ chức hoạt động ngoại khóa, du lịch sinh thái…

Trang trại Đồng quê Ba Vì (Hà Nội) được thực hiện từ năm 2008, với mô hình du lịch nông nghiệp, mô hình thí điểm mang tính gợi mở tại vùng phụ cận chân núi Ba Vì. Trang trại đã xây dựng các  loại hình du lịch nông nghiệp, đóng góp vào việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc có sự giao thoa kinh, mường, dao; không gian cộng đồng nông nghiệp truyền thống và các sản vật gốc thiên nhiên.

Trang trại cũng gắn kết chặt chẽ với cộng đồng nông dân của các làng nghề nông nghiệp truyền thống xung quanh trên cơ sở nghiên cứu lịch sử, văn hóa hình thành sản vật trồng trọt và chăn nuôi, để không những có các thông tin thật sự hấp dẫn du khách mà còn trở thành đơn vị quảng bá các sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch, an toàn của vùng.

Chị Nguyễn Hồng Ánh, ở quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, với 2 ngày nghỉ cuối tuần, gia đình chị thường chọn du lịch trải nghiệm ở ngoại thành Hà Nội như trang trại Đồng quê Ba Vì, vừa không quá xa mà vẫn được tận hưởng vẻ đẹp tuyệt vời của thiên nhiên có rừng, có hồ, ao, sông, suối. Ngoài ra, còn có thể tìm hiểu và khám phá các làng nghề truyền thống. Đặc biệt, các bé được trải nghiệm những công việc làm nông nghiệp như: xay lúa, tráng bánh cuốn, úp nơm bắt cá, nướng cá,… thực sự là rất có ý nghĩa.

Hay như xã Hồng Vân, huyện Thường Tín (Hà Nội), từ một xã nông nghiệp, làng nghề, những năm gần đây đã đẩy mạnh phát triển theo hướng du lịch sinh thái làng nghề trồng cây cảnh, sinh vật cảnh, sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác dịch vụ... Năm 2022, xã Hồng Vân là một trong hai đơn vị đầu tiên của thành phố Hà Nội được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao du lịch, đạt tiêu chí du lịch trong nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Hà Nội. Hằng năm, lượng du khách đến tham quan xã Hồng Vân đạt từ 15 nghìn đến 20 nghìn lượt người, giúp duy trì và tạo việc làm ổn định cho khoảng 100 lao động với thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng; thu nhập bình quân đạt 72 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân cho biết, yếu tố quan trọng nhất của sinh thái phải là giữ được môi trường trong lành, mỗi vườn cây vườn hoa phải được thâm canh theo hướng an toàn, hữu cơ. Trong không gian xanh đó người tham quan được ăn, được ở, được trải nghiệm. Khi đó nguồn thu từ nông nghiệp sinh thái không chỉ là giá trị của nông sản mà nguồn thu chính là từ dịch vụ du lịch đem lại.

"Để mô hình du lịch sinh thái phát triển rất cần thiết đầu tư hạ tầng nông thôn. Khi đã được đầu tư tốt về hạ tầng thì bản thân vùng chuyên canh hoa cây cảnh sẽ là một phần bổ trợ rất lớn cho các nhà vườn, các mô hình sinh thái lõi phát triển hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lực đầu tư cho hạ tầng nông thôn vẫn còn hạn chế", ông Nguyễn Hải Đăng cho hay.

Cần sự vào cuộc của cả hệ thống

Chú thích ảnh
Đến với  xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) du khách được dạo bước trên những con đường ngập tràn sắc hoa theo mùa. Ảnh: vietnam.vnanet.vn

Mặc dù, đã có những thành công bước đầu, nhưng so với nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, số lượng các trang trại nông nghiệp du lịch sinh thái vẫn còn ít, manh mún và tự phát. Việc thiếu kinh nghiệm quản lý, bảo vệ môi trường, nghiệp vụ du lịch, nhân lực chuyên môn đang khiến quá trình phát triển các mô hình du lịch nông nghiệp phát triển còn chậm.

Ông Nguyễn Văn Tái, chủ một trang trại nông nghiệp sinh thái tại xã Hồng Vân (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, các trang trại gặp không ít khó khăn về nguồn vốn, hàng lang pháp lý, nhưng rào cản lớn nhất là nhân lực trong phát triển du lịch. Từ một nông dân trở thành một hướng dẫn viên du lịch đòi hỏi cả một chặng đường dài. Không những thế, để các trang trại sinh thái trở nên hấp dẫn, thì cần có quy hoạch không gian hợp lý, không để các công trình xây dựng phá vỡ quy hoạch nông thôn, ảnh hưởng tiêu cực đến cảnh quan các khu du lịch sinh thái…

“Để phát triển mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái, Hà Nội cần hỗ trợ bồi dưỡng kiến thức du lịch cho người dân, cán bộ quản lý du lịch nông nghiệp tại địa phương. Đây chính là điều kiện cần thiết để thúc đẩy mô hình trang trại nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch”, ông Nguyễn Văn Tái chia sẻ.

Ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết, để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, huyện cũng đề nghị UBND thành phố có cơ chế, chính sách đặc thù cho thí điểm việc đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch trên đất nông nghiệp trong điểm du lịch, tạo điều kiện cho người dân vừa sản xuất nông nghiệp, vừa khai thác hạ tầng du lịch để phục vụ du khách trải nghiệm, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất và phát triển kinh tế- xã hội, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ.

“Về phía Sở Du lịch cần quan tâm, có những cơ chế chính sách để huyện có thể phát triển điểm du lịch đã được công nhận; hỗ trợ xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các tuyến du lịch để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của huyện đem lại hiệu quả kinh tế cho nhân dân”, ông Bùi Công Thản chia sẻ.

Để tháo gỡ khó khăn cho các mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch, theo TS. Ngọ Văn Ngôn- Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng Nông thôn mới Hà Nội, các địa phương cần lưu ý phải hoàn thành và tuân thủ quy hoạch nông thôn. Đặc biệt, không để các quy hoạch khác làm phá vỡ không gian sinh thái nông thôn, ảnh hưởng tới những mô hình đã và đang phát triển hiệu quả.

Đồng quan điểm, TS Ngô Kiều Oanh - chuyên gia du lịch cho rằng, để phát triển bền vững, đòi hỏi các làng quê phải phân chia rõ được các không gian cụ thể: Không gian dân cư, không gian sinh thái, không gian cộng đồng… Các không gian này bảo đảm để du khách đến với mỗi miền quê như là sự trở về nhà, được chào đón, được sống và trải nghiệm trong sự tử tế, thân thiện, mến khách từ chính người nông dân trên miền quê đó.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, lãnh đạo thành phố luôn trăn trở làm sao để nông nghiệp Thủ đô phát huy được thế mạnh đặc trưng của Thăng Long- Hà Nội, có những bứt phá mới và trở thành điển hình của cả nước về khoa học, công nghệ, chất lượng sinh thái. Trong xây dựng nông thôn mới, Hà Nội vẫn giữ được những nét văn hóa bản sắc dân tộc qua việc gìn giữ phát triển các làng nghề, di sản văn hóa được tôn vinh nhiều hơn để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, trong sửa đổi Luật Thủ đô sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nhất là quy hoạch đô thị gắn với quy hoạch nông thôn bám sát tiến trình đô thị hóa.

Bài cuối: Bám sát tiến trình đô thị hóa

Nam Giang (TTXVN)
Phát triển nông nghiệp Hà Nội - nền tảng phát triển du lịch và dịch vụ - Bài cuối: Bám sát tiến trình phát triển đô thị
Phát triển nông nghiệp Hà Nội - nền tảng phát triển du lịch và dịch vụ - Bài cuối: Bám sát tiến trình phát triển đô thị

Được thiên nhiên ưu đãi, Thủ đô Hà Nội có hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú. Từ khí hậu bốn mùa rõ rệt, với nguồn nước mặt và nước ngầm dồi dào quanh năm, cho đến nhiều loại địa hình đa dạng như đồng bằng trù phú ở nội đô, hệ thống cảnh quan sinh thái, tài nguyên du lịch nhân văn đặc sắc cùng hệ thống nghề và làng nghề của Hà Nội phong phú và đa dạng, lâu đời. Đó là điều kiện thuận lợi để Hà Nội khai thác và phát triển các loại hình du lịch; trong đó, có loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch trang trại…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN