Phát triển bền vững dẫn dắt doanh nghiệp thích ứng, chống chịu cao trước những thách thức

Ngày 1/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022 với chủ đề: “Chuyển đổi, Tăng tốc, Bứt phá: Doanh nghiệp Bền vững – Quốc gia Thịnh vượng".

Chú thích ảnh
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn.

Việt Nam chịu tác động rất lớn của biến đổi khí hậu

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, năm 2022, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, theo đánh giá của Liên Hợp quốc, nhân loại đang phải đối mặt với 3 thách thức lớn, đó là: Biến đổi khí hậu; Cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và Suy giảm đa dạng sinh học. Trong 3 thách thức đó, theo Báo cáo đánh giá Rủi ro toàn cầu mà Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố đầu năm 2022, nguy cơ Biến đổi khí hậu là cấp bách và nghiêm trọng nhất. Mỗi năm, trên thế giới, ước tính có trên 20 triệu người mất đi chỗ ở và sinh kế do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

Việt Nam  với 100 triệu dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước sự tàn phá của biến đổi khí hậu, đối mặt với những hiểm hoạ, đặc biệt là dọc theo các vùng trũng ven biển và đồng bằng ven sông rộng lớn của đất nước do mực nước biển dâng cao, bão và lũ lụt. 

“Để chủ động phòng và ứng phó với những xu hướng này, Đảng và Nhà nước ta đã xác định Việt Nam ưu tiên áp dụng mô hình phát triển bền vững dựa trên xây dựng đồng thời 2 lộ trình là thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu, và giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử các-bon trong quá trình tăng trưởng, thực hiện cắt giảm lượng phát thải các-bon theo lộ trình phù hợp và hướng nền kinh tế theo hướng giảm dần các nguồn năng lượng thâm dụng các-bon, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng Không (Net Zero) vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP 26 năm 2021”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Đại diện VCCI cho biết thêm, những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với môi trường đang chứng tỏ là những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chống chịu cao, bền vững đối với các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài cũng như khả năng linh hoạt, nắm bắt hiệu quả các cơ hội mà nền kinh tế mang lại. 

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu tại Việt Nam được ghi nhận với diễn biến theo xu thế bất lợi, các hiện tượng khí hậu cực đoan tiếp tục xảy ra với cường độ mạnh hơn, tần suất cao hơn. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB) nếu không có các biện pháp thích ứng và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050 và có thể khiến tới 1 triệu người rơi vào tình trạng nghèo cùng cực vào năm 2030.

Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính bình quân đầu người tăng nhanh trên thế giới. Do đó, yêu cầu cấp bách hiện nay là Việt Nam cần xây dựng nền kinh tế trung hòa các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường góp phần đạt mục tiêu là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thích ứng với “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau COP26.

Doanh nghiệp được hưởng nhiều lợi ích khi phát triển bền vững

Theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để đạt được các mục tiêu theo lộ trình về phát thải ròng bằng “0” và thích ứng với biến đổi khí hậu, theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường có không ít thách thức,  khi nguồn tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu đã cam kết, đặc biệt là mục tiêu phát thải bằng “0” là rất lớn. Theo Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, nhu cầu tài chính đến năm 2050 để đạt được mục tiêu phát thải bằng “0” là khoảng trên 380 tỷ USD. Đây là rào cản rất lớn trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có thu nhập trung bình, các nguồn hỗ trợ ưu đãi của quốc tế ngày càng ít đi trong khi ngân sách nhà nước phải chi cho đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, quốc phòng an ninh và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt sau đại dịch COVID-19.

Cùng với đó, trình độ kỹ thuật và năng lực công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là công nghệ năng lượng tái tạo, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế, nhất là khả năng tự chủ công nghệ, chưa kể việc thực hiện nội địa hóa công nghệ nhìn chung còn chậm. Vấn đề này đã và đang trở thành rào cản lớn trong việc giảm phát thải kinh nhà kính ở Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung năng lượng của Việt Nam vẫn chủ yếu từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ,...

“Khi doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới; có cơ hội tham gia thị trường các-bon. Tiếp đó, là phát triển thị trường và điểm then chốt nhất mà biến đổi khí hậu mang lại đó là sự đổi mới về công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh từ các nguồn năng lượng tái tạo để tăng tính cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận bền vững”, ông Nguyễn Tuấn Quang nhấn mạnh.

Khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với trên 10 nghìn doanh nghiệp trong cả nước cho thấy 56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu. Trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời, phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, huy động nguồn vốn, công nghệ từ các Quỹ đầu tư, các định chế tài chính để phát triển kinh doanh theo hướng xanh và bền vững, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thân thiện với môi trường, khí hậu. 

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, đối với chiến lược bền vững liên quan đến môi trường, doanh nghiệp ưu tiên tập trung vào 4 lĩnh vực là hành động chống biến đổi khí hậu, giải pháp bao bì bền vững, mua hàng có trách nhiệm và quản lý nguồn nước. Các ưu tiên này nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của tập đoàn trong Lộ trình đạt phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. 

“Để thực hiện mục tiêu này, tại Việt Nam, Nestlé đã thực hiện nông nghiệp tái sinh, theo đó hoạt động sản xuất nông nghiệp hướng đến mục tiêu giúp cải thiện chất lượng và độ phì nhiêu của đất cũng như bảo vệ nguồn tài nguyên nước và đa dạng sinh học. Cải tạo chất lượng đất, giúp tăng khả năng hấp thụ khí CO2 vào đất và tạo ra nhiên liệu sinh khối từ thực vật. Chất lượng đất trồng tốt hơn sẽ tăng khả năng chống chọi với những tác động của biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất và cải thiện thu nhập và sinh kế cho người nông dân. Những tác động tích cực này sẽ góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho việc sản xuất thực phẩm một cách bền vững và góp phần đóng góp vào mục tiêu chống biến đổi khí hậu của Nestlé”, đại diện doanh nghiệp cho hay.

Ông Binu Jacob cho biết thêm, trong hoạt động sản xuất, doanh nghiệp đã đạt được mục tiêu “Không phát thải chôn lấp” từ năm 2015, nhờ áp dụng các sáng kiến, mô hình kinh tế tuần hoàn. Đến nay, khoảng 94% bao bì của chúng tôi được thiết kế để tái chế; đồng thời có những cải tiến về bao bì giúp giảm 2.000 tấn nhựa/ năm. 

Còn ông Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Điều hành Nghiên cứu và Phát triển của Vinamilk cho biết, chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp dựa trên 3 trụ cột chính là thiên nhiên, sản phẩm và con người, đầu tư công nghệ tiên tiến, hiện đại để đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao và thân thiện với môi trường. Điển hình như hệ thống trang trại Vinamilk đã sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ để giảm phác thải… 

“Hiện nay lợi ích lớn nhất của chúng tôi đạt được là hình ảnh với người tiêu dùng, người tiêu dùng ngày càng khó tính, đòi hỏi không chỉ sản phẩm chất lượng cao, giá thành tốt mà còn phải thân thiện với môi trường. Những doanh nghiệp có giải pháp kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững sẽ được người tiêu dùng tin yêu, giá trị thương hiệu mạnh, giúp cho việc phát triển kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, ông Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, theo ông Khánh, việc phát triển theo hướng phát triển bền vững thì chi phí lớn, nhưng một số người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng trả chi phí cao cho sản phẩm xanh, sạch như vậy.Cùng với đó là một số vấn đề chưa đồng bộ nên việc thực hiện còn khó khăn, do đó thời gian tới, cơ quan nhà nước cần có chính sách đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. 

Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững thời gian tới, theo ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) sẽ xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cơ chế và các công cụ kinh tế nhằm khơi thông nguồn lực xã hội, huy động hiệu quả nguồn lực tài chính của khối doanh nghiệp cho ứng phó biến đổi khí hậu; thúc đẩy các hình thức hợp tác giữa nhà nước và doanh nghiệp, giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm, chuyển đổi sử dụng từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đặc biệt, Bộ sẽ tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp và người dân về kinh tế trung hòa các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu, về trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thay đổi hành vi tiêu dùng hướng tới các sản phẩm thân thiện môi trường, khí hậu.

Thu Trang/Báo Tin tức
Tăng cơ cấu dịch vụ và công nghiệp, tận dụng lợi thế phát triển nông nghiệp bền vững
Tăng cơ cấu dịch vụ và công nghiệp, tận dụng lợi thế phát triển nông nghiệp bền vững

Sáng 29/11, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đã có buổi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV tại huyện Châu Phú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN