Nuôi trồng thủy sản chưa “mặn mà” Vietgap

Quy trình VietGAP là cơ sở để chứng minh chất lượng thủy sản trên thị trường thế giới và là hướng phát triển bền vững. Thế nhưng qua hơn 4 năm triển khai, cả người nuôi, doanh nghiệp và ngành chức năng vẫn đang loay hoay với việc thực hiện các quy định của bộ chuẩn này.

Khó thu hút người nuôi

Trong nỗ lực giúp nhà nông giảm chi phí, nâng cao chất lượng và tạo nguồn nguyên liệu xuất khẩu đạt chuẩn quy định, năm 2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quy phạm thực hành VietGAP chủ yếu dành cho 3 đối tượng chủ lực: cá tra, tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Theo đó, nhà nông khi nuôi trồng ngoài việc đảm bảo an toàn: thực phẩm, dịch bệnh, môi trường còn có trách nhiệm đối với xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Khi tuân thủ quy trình này, thủy sản có chứng nhận VietGap xuất khẩu sẽ có giá trị cao hơn so với những sản phẩm thông thường và cơ hội rộng mở khi xâm nhập vào các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Trong thời gian đầu, các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng cá thể đăng ký áp dụng quy chuẩn VietGAP sẽ được Nhà nước giúp đỡ cấp chứng nhận miễn phí thông qua những chương trình, dự án.

Dù có nhiều lợi ích nhưng việc áp dụng VietGap vào nuôi trồng thủy sản vẫn còn lắm chông gai.



Mặc dù mang nhiều lợi ích, thế nhưng theo kết quả khảo sát của ngành thủy sản, đến nay cả nước chỉ có 6 doanh nghiệp có vùng nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, thời gian qua, việc thực VietGAP đối với các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực hiện chỉ dừng ở mức khuyến khích, thử nghiệm nên chưa thu hút đông đảo nhà nông, doanh nghiệp mạnh mẽ tham gia. “Khi triển khai người nuôi gặp nhiều khó khăn: do cần nhiều công sức và chi phí đầu tư hơn nhưng hiệu quả kinh tế không cao khi nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm VietGAP chưa nhiều. Người nuôi trồng thủy sản chưa quan tâm đến việc sản xuất bền vững, có trách nhiệm đối với người tiêu dùng và xã hội…”, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, đánh giá.

Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở huyện An Phú (An Giang) có thâm niên hơn 20 năm trong nghề nuôi trồng thủy sản. Xác định hướng làm ăn lâu dài và bền vững, gia đình anh đã sớm đầu tư kinh phí triển khai nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng mới đây, anh lại cho biết nhiều khả năng sẽ ngừng nuôi theo hướng VietGAP vì… chưa mang lại hiệu quả. “Thủ tục để được công nhận quá rườm rà, phức tạp và kéo dài. Chẳng hạn như hộ nhà tôi dù đã áp dụng theo đúng quy trình VietGAP gần 3 năm nay nhưng qua kiểm tra vẫn chưa được chứng nhận. Bên cạnh đó, nhiều loại phí như phí tư vấn chứng nhận, phí đánh giá giám sát giữa kỳ… còn cao và chưa thuyết phục được người nuôi. Ngoài ra, còn lý do quan trọng hơn là chi phí nuôi tăng lên 20 - 25% nhưng giá bán vẫn ngang bằng thủy sản nuôi thường. Điều này làm sao kích thích chúng tôi nuôi được”, anh Dũng cho biết.

Hỗ trợ người nuôi theo lộ trình

Tại hội thảo "Ứng dụng VietGAP trong phát triển nuôi thủy sản bền vững tại Việt Nam" được tổ chức mới đây tại tỉnh Sóc Trăng, nhiều đại biểu cho rằng thực tế có quá nhiều tiêu chuẩn thủy sản, trong đó tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa được quốc tế công nhận đã khiến cho cả doanh nghiệp chế biến và người nuôi thủy sản vẫn đang phân vân áp dụng. Vì vậy, việc cần làm ngay lúc này là cần xúc tiến ngoại giao nhằm tạo niềm tin và sự chấp nhận bộ tiêu chuẩn VietGAP trên các thị trường thế giới. Theo các đại biểu, ở giai đoạn đầu không nên đề ra tiêu chuẩn quá cao mà cần có lộ trình để người nuôi dễ chấp nhận, áp dụng, trong đó ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như có sự hỗ trợ ban đầu giúp người dân quen dần với cách nuôi này.

VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là quy phạm thực hành sản xuất tốt được xây dựng dựa trên 4 tiêu chí cơ bản là an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường, có trách nhiệm đối với xã hội và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

“Theo lộ trình thực hiện VietGAP, đến năm 2015 có 30% cơ sở nuôi thâm canh, bán thâm canh, các mô hình nuôi cải tiến đạt chứng nhận VietGAP và đến năm 2020 con số sẽ là 80%. Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ người nuôi về công tác đào tạo, cơ sở hạ tầng, hoạt động xúc tiến thương mại… Vấn đề còn lại là ý thức của người nuôi trong sản xuất ra sản phẩm sạch và làm quen với cách thức sản xuất mới, hiện đại hơn. Theo tôi cần có lộ trình nhất định để triển khai, trong đó vùng nghèo sẽ có lộ trình thực hiện dài hơi hơn những vùng khác”, TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết.

Còn ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, cho biết cần phải tổ chức lại sản xuất qua sự hợp tác chặt chẽ, gắn kết với người nuôi trong chuỗi giá trị để làm sao đạt mục đích duy trì và phát huy hiệu quả, trong đó nêu cao vai trò của doanh nghiệp chế biến thủy sản. Vì thế, bên cạnh việc hỗ trợ người nuôi thủy sản cũng cần hỗ trợ cả doanh nghiệp khi doanh nghiệp cùng nông dân thực hiện VietGAP. Bên cạnh đó, cần có chế độ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hợp lý đối với hộ nuôi và sản xuất kinh doanh áp dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP. Hiện việc xây dựng VietGAP đang gặp nhiều khó khăn bước đầu nhưng đây vẫn là hướng phát triển tất yếu của nghề nuôi trồng thủy sản và chúng ta phải quyết tâm thực hiện”, ông Điền khẳng định.

Lê Nghĩa
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN