Nuôi thủy sản tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ đến hết mùa gió Tây Nam

UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép người dân tiếp tục nuôi thủy sản lồng bè tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ đến hết mùa gió Tây Nam.

Chú thích ảnh
 Người dân được phép nuôi thủy sản lồng bè tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ đến hết mùa gió Tây Nam, sau đó chuyển đến vùng nuôi theo quy hoạch.

Do thời gian còn lại của mùa gió Tây Nam (từ tháng 4 đến tháng 9/2019) còn ít, việc yêu cầu các hộ dân khẩn trương di dời toàn bộ lồng bè nuôi thủy sản tại khu vực Tây Giang (biển Bình Sơn - Ninh Chữ, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) về khu vực vùng nuôi C1, C2 của huyện Ninh Hải như trước đây sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện phương án xử lý tạm thời là cho người dân tiếp tục nuôi đến hết mùa gió Tây Nam, sau đó vận động người dân đưa lồng bè nuôi thủy sản đến khu vực nuôi C1 và C2.

Trước mắt, tỉnh tập trung xác định vị trí, tọa độ, khoanh vùng khu vực biển để bố trí neo đậu lồng bè nuôi thủy sản nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giúp người nuôi tạm thời có nơi neo đậu tránh trú mùa gió Tây Nam để không gây hư hỏng lồng bè nuôi thủy sản. Đồng thời, hạn chế đến mức thấp nhất việc nuôi trồng thủy sản lồng bè gây ô nhiễm môi trường biển, tác động tiêu cực đến các hoạt động du lịch tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện các quy định của Luật Thủy sản năm 2017, có hiệu lực thi hành trong năm 2020.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, để người nuôi thủy sản biết khu vực, tọa độ và vùng nuôi, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện việc kiểm kê đất ngập nước ven biển (từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm đến độ sâu 6 mét) theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2019; nghiên cứu các quy định có liên quan để tham mưu UBND tỉnh giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản theo đúng thẩm quyền theo quy định; rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh cơ sở pháp lý về quy hoạch không gian biển của tỉnh gắn với quy hoạch không gian biển quốc gia, làm cơ sở để thực hiện việc đăng ký và cấp phép nuôi thủy sản lồng bè trên biển theo quy định của pháp luật.

Tỉnh Ninh Thuận đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân các quy định mới của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật về đăng ký và cấp phép đối với nuôi thủy sản lồng bè trên biển; đồng thời phổ biến chủ trương, định hướng phát triển của tỉnh đối với nuôi thủy sản lồng bè trên biển.    

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) cho biết, tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ hiện có trên 100 hộ dân đang nuôi thủy sản với trên 2.000 lồng bè. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Vụ Pháp chế - Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tuyên truyền cho người nuôi thủy sản lồng bè và ngư dân hiểu các quy định của Luật Thủy sản cũng như vị trí, tọa độ và vùng nuôi theo đúng quy định, tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường biển.

Chủ trương về quản lý nuôi thủy sản lồng bè tại khu vực biển Bình Sơn - Ninh Chữ đã được UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo xuyên suốt, đó là phải tuân thủ quy hoạch, theo đúng quy định pháp luật về thủy sản. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi trồng thủy sản khu tại vực này ngày càng có chiều hướng phát triển nhanh, gây ô nhiễm môi trường biển, làm dư luận phản ánh kéo dài trong thời gian qua.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Cà Mau cần quản lý chặt chẽ việc nuôi thủy sản ở bãi bồi
Cà Mau cần quản lý chặt chẽ việc nuôi thủy sản ở bãi bồi

Theo phản ánh của người dân và chính quyền xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, thời gian qua, tình trạng các đối tác của Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau tùy tiện dựng rào chắn, bao ví nuôi thủy sản ở bãi bồi, mà chủ yếu là nuôi sò huyết đã lấn chiếm, cản trở giao thông đường thủy, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân cư ngụ ven biển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN