Nước Anh sẽ không giảm thuế xuống dưới mức trung bình của châu Âu

Theo Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond, nước này không có kế hoạch giảm thuế xuống quá thấp so với mức trung bình của châu Âu để duy trì lợi thế cạnh tranh sau khi ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay được gọi là Brexit, mà muốn duy trì một mô hình kinh tế-xã hội kiểu châu Âu.

Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond sau một cuộc họp ở London ngày 28/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Monde vào cuối tuần qua, khi được hỏi rằng liệu nước Anh có dùng mức thuế thấp để duy trì sức hấp dẫn về kinh tế hậu Brexit hay không, Bộ trưởng Hammond nói London thường được cho là sẽ cân nhắc khởi động một cuộc cạnh tranh không công bằng về quy định tài chính, nhưng đó không phải là kế hoạch hay tầm nhìn về tương lai của đất nước Anh.

Theo ông, mức thuế mà Vương quốc Anh tăng lên được tính theo tỷ lệ phần trăm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), là ở trong mức trung bình của EU và nước Anh dự định sẽ duy trì ở mức này. Thậm chí, sau khi ra khỏi EU, Vương quốc Anh sẽ duy trì một mô hình kinh tế, xã hội và văn hóa kiểu châu Âu.

Những phát biểu trên rất khác với những gì ông đã phát biểu hồi tháng Một với tờ Welt am Sonntag (báo Thế giới Chủ nhật) của Đức, mà trong đó ông có nói đến khả năng thuế doanh nghiệp có thể được sử dụng như một lá bài trong các cuộc thương lượng về Brexit.

Khi được hỏi về việc nước Anh có giảm thuế doanh nghiệp hay không, ông Hammond nói ông hy vọng Vương quốc Anh sẽ duy trì một nền kinh tế kiểu châu Âu với hệ thống quy định và thuế tương ứng, nhưng nước Anh có thể thay đổi mô hình kinh tế để duy trì cạnh tranh trong trường hợp nước này rời khỏi "mái nhà chung" EU mà không đạt được một thỏa thuận về tiếp cận thị trường.

Trả lời phỏng vấn tờ Le Monde, ông Hammond cũng được hỏi về khả năng các ngân hàng chuyển một phần hoạt động ra khỏi City of London (trung tâm tài chính London) sang các thành phố của EU như Frankfurt, Paris hay Dublin hậu Brexit, ông nói sẽ rất nguy hiểm cho châu Âu nếu xé lẻ thị trường dịch vụ tài chính đặt tại City of London mà ông cho là một phần quan trọng của nền kinh tế Anh và châu Âu.

Bởi khi đó, người thắng lớn không phải là Paris hay Frankfurt mà là New York, khi chính quyền Mỹ đang có kế hoạch nới lỏng quy định và cắt giảm thuế.

Ông Hammond là người vận động để nước Anh ở lại EU trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý vào năm ngoái và là người đề xuất ý tưởng "Brexit mềm", điều đã khiến ông có những bất đồng với các bộ trưởng khác, những người mong muốn một Brexit rõ ràng hơn. Ông đi đầu nỗ lực trong Chính phủ Vương quốc Anh về một Brexit có lợi cho doanh nghiệp, theo đó tránh sự thay đổi đột ngột vào năm 2019 trong mối quan hệ giữa nước Anh và EU - thị trường tiêu thụ gần một nửa khối lượng hàng hóa xuất khẩu của "xứ sở sương mù".

Ông Hammond cuối tuần trước đã đề xuất rằng không nên có những thay đổi ngay lập tức về các quy định về di cư và thương mại, khi nước Anh rời EU vào tháng 3/2019 cho đến giữa năm 2022. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại quốc tế Liam Fox cho rằng việc cho phép sự đi lại tự do hậu Brexit là không tuân thủ cam kết trong cuộc trưng cầu dân ý vào năm ngoái.

Hiện  nước Anh và EU đã tiến hành 2 vòng đàm phán về vấn đề Brexit, song còn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn, nhất là lĩnh vực tài chính và quyền lợi của công dân EU tại Vương quốc Anh. Theo kế hoạch, vòng đàm phán thứ 3 sẽ bắt đầu từ ngày 28/8 tới. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, nước Anh sẽ chính thức rời EU vào tháng 3/2019.

Lê Minh (Theo Reuters)
Anh tuyên bố chấm dứt tự do đi lại với EU sau Brexit
Anh tuyên bố chấm dứt tự do đi lại với EU sau Brexit

Bộ trưởng Nhập cư Anh Brandon Lewis ngày 27/7 tuyên bố, sự tự do đi lại của người lao động giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ chấm dứt sau khi Anh rời khỏi khối này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN