Nửa cần nước ngọt, nửa cần nước mặn, Bến Tre loay hoay vận hành cống đập Ba Lai

Ngày 26/4, Sở NN&PTNT Bến Tre làm việc cùng đại diện các huyện Bình Đại, Ba Tri và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre (Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre) tìm giải pháp vận hành cống đập Ba Lai hiệu quả nhất để không ảnh hưởng đến mục tiêu lâu dài của dự án hồ chứa nước ngọt sông Ba Lai trong thời gian tới.

Theo dự kiến, đến khi xây dựng xong cống âu thuyền Bến Tre và cống âu thuyền An Hóa (thuộc dự án thủy lợi Bắc Bến Tre), sông Ba Lai sẽ trở thành hồ chứa nước ngọt cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bến Tre trong những tháng mùa khô với dung tích khoảng 90 triệu m3 nước.

Tuy nhiên hiện nay, dự án thủy lợi Bắc Bến Tre chưa xây dựng hoàn chỉnh nên việc lập lịch vận hành cống Ba Lai luôn gặp khó khăn do phải bảo đảm mục tiêu nhiệm vụ của dự án là phục vụ sản xuất và sinh hoạt phía thượng lưu cống đập Ba Lai. Đồng thời, cân nhắc kết hợp phục vụ nuôi thủy sản (chủ yếu nuôi sò huyết) và sản xuất muối phía hạ lưu cống. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc vận hành cống đập Ba Lai.

Nước trên sông Ba Lai bị ô nhiễm do không thể vận hành cống vì độ mặn tại đầu nguồn thường vượt ngưỡng cho phép.

Ông Trần Văn Thi, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre cho biết, công trình cống đập Ba Lai được xây dựng với mục tiêu trữ ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Thế nhưng thời gian qua, phía thượng lưu cống đập để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạ lưu thì phục vụ nuôi trồng thủy sản. Một bên cần nước ngọt, một bên cần nước mặn. Một công trình phục vụ hai đối tượng trái ngược nhau rất khó hoạt động. Hầu như các công trình thủy lợi hoạt động ở Đồng bằng sông Cửu Long không như ở cống đập Ba Lai.

Do thời gian xả cống Ba Lai còn hạn chế (mùa mưa mỗi tháng xả cống 2 đợt, mỗi đợt 2 ngày; mùa khô mỗi tháng xả cống 2 đợt, mỗi đợt 1 ngày. Riêng vào thời điểm nước mặn xâm nhập sâu và tăng cao, do cần trữ nước nên có thể xả cống 1 ngày/tháng) nên tốc độ bồi lắng sông Ba Lai đang diễn ra rất nhanh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết, theo báo cáo của Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam về kết quả đánh giá khả năng trữ nước ngọt phục vụ cấp nước sản xuất và sinh hoạt sông Ba Lai, mặt cắt ngang sông Ba Lai tại vị trí 2,4 km về phía thượng lưu cống Ba Lai mỗi năm bồi lắng trung bình 30 cm và mặt cắt ngang tại vị trí cách cống 7 km mỗi năm bồi lắng trung bình 20 cm.

Do ảnh hưởng của bãi bồi nên một số tàu ghe của người dân không thể cập bờ để vận chuyển hàng nông sản mà phải di chuyển cách đó vài km rồi mới cập bờ, làm cho chi phí vận chuyển tăng lên. Việc bồi lắng sông Ba Lai không chỉ ảnh hưởng đến việc lưu thông đường thủy mà còn gây giảm lưu lượng tiêu thoát nước của cống Ba Lai.

Theo ý kiến của một số đoàn chuyên gia quốc tế đến làm việc khảo sát tại công trình cống đập Ba Lai, việc đóng mở cống theo lịch vận hành hiện nay trong mùa mưa chưa phù hợp, chưa làm tốt việc thay đổi môi trường nước và dự báo mức độ bồi lắng phù sa phía thượng - hạ lưu cống sẽ gia tăng rất nhanh trong vài năm sau, ông Buội cho biết.

Trong khi đó, phía hạ lưu cống đập Ba Lai tổng diện tích bãi bồi nuôi sò huyết là 116,867 ha. Hiện nay, UBND các xã ở hai huyện Bình Đại và Ba Tri cho người dân thuê nuôi sò huyết với thời gian từ năm 2016 - 2020. Việc nuôi sò huyết phía hạ lưu cống đập Ba Lai gây khó khăn cho việc xả cống, vì nếu xả nước ngọt trong thời gian kéo dài khoảng 3 ngày/đợt thì sò huyết sẽ bị sốc nước chết.

“Nếu vận hành cống như hiện nay thì không tiêu thoát nước được vì thế cần chấm dứt nuôi sò huyết phía hạ lưu. Sau khi hồ chứa nước sông Ba Lai đi vào hoạt động thì sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng dẫn đến ô nhiễm cũng tăng theo. Hồ trữ nước mà không tiêu thoát được thì sẽ ảnh hưởng đến dân sinh, kinh tế chứ không riêng gì sản xuất nông nghiệp”, ông Trần Văn Thi nhận định.

Để cống đập Ba Lai vận hành tốt, nhằm tạo nguồn nước tốt cho sản xuất nông nghiệp phía thượng lưu cống, đồng thời tác động tiêu thoát phù sa bồi lắng, làm giảm chi phí nạo vét lòng sông, ông Trần Văn Thi cho biết, bắt đầu từ tháng 8/2018 phương hướng vận hành cống đập Ba Lai sẽ thay đổi. Vào mùa khô, mỗi tháng xả cống 2 đợt (mỗi đợt 1 ngày). Mùa mưa từ tháng 6 - 7, mỗi tháng xả cống 2 đợt (mỗi đợt 2 ngày); từ tháng 8 - 10 mở cống xả nước liên tục. Sau tháng 10 đến hết mùa mưa mỗi tháng xả cống 2 đợt, mỗi đợt 2 ngày.

Tuy nhiên, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp nên trong quá trình thực hiện tùy điều kiện thời tiết thực tế, lịch xả cống nêu trên có thể được điều chỉnh cho phù hợp.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Văn Chương, hiện nay, việc nuôi sò huyết ở các xã vùng hạ lưu cống đập Ba Lai như Tân Xuân, Bảo Thạnh đem lại thu nhập cao cho người dân và giải quyết được lao động tại địa phương. Đồng thời việc các xã cho người dân thuê đất nuôi sò huyết cũng góp phần đem lại nguồn thu ngân sách cho địa phương. Nếu thu hồi đất, không cho nuôi sò huyết, không có sự quản lý của nhà nước thì sẽ dẫn đến người dân lén lút nuôi sò huyết dẫn đến sự tranh giành, gây mất an ninh trật tự.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại Nguyễn Thành Sa cho rằng, nên đưa công trình cống đập Ba Lai vào sử dụng đúng mục tiêu đề ra. Giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi sò huyết phía hạ lưu cống. Tuy nhiên, nên có thông báo sớm để người dân nuôi sò huyết biết kết thúc nuôi, không xuống giống vụ mới.

Để phát huy hiệu quả tối đa trong thời gian tới, sông Ba Lai trữ được nguồn nước phục vụ sản xuất, ô ng Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre cho rằng, Sở sẽ đề xuất tham mưu UBND tỉnh Bến Tre ra quyết đinh đề nghị UBND các xã, tháng 4/2018 sẽ thu hồi hợp đồng với các hộ dân mà UBND các xã cho thuê bãi bồi đất để nuôi sò huyết. Để sử dụng diện tích bãi bồi này, địa phương rà soát lại, diện tích nào trồng rừng được thì phát huy, diện tích nào bãi bồi không trồng được thì địa phương quản lý.

Những xã nào tháng 4/2018 chưa hết hợp đồng với các hộ dân thì chủ động thông báo với các hộ dân để có kế hoạch thu hồi. Để tháng 8/2018, Công TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre vận hành xả nước cống đập.

Bài & ảnh: Trần Thị Thu Hiền (TTXVN)
Thiếu vốn, dự án ngọt hóa sông Ba Lai trở thành ... mặn quá
Thiếu vốn, dự án ngọt hóa sông Ba Lai trở thành ... mặn quá

Vào mùa khô, nhiều xã trong huyện Bình Đại bà con chủ yếu thiếu nước sinh hoạt, do nước máy lấy từ nguồn nước sông Ba Lai bị nhiễm mặn. Vì vậy mà người dân nói dự án ngọt hóa sông Ba Lai thành… mặn quá!

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN