Nông nghiệp Việt Nam chưa phát triển xứng tầm

Nông nghiệp là ngành kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh hội nhập.

Quang cảnh diễn đàn . Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN.

Tại diễn đàn “Đối thoại với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 3/12, nhiều đại biểu đều có chung nhận định: Nông nghiệp là ngành kinh tế còn nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh hội nhập. Nhà nước cần nghiên cứu và sớm ban hành những giải pháp mang tính căn cơ và hiệu quả hơn nữa, để thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; cũng như tạo hành lang pháp lý và môi trường cạnh tranh thuận lợi hơn để tạo đòn bảy và bệ đỡ cho ngành nông nghiệp phát triển.


Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định, mặc dù ngành nông nghiệp Việt Nam có lợi thế trong hội nhập, với nhiều mặt hàng nông sản đem lại kim ngạch xuất khẩu cao như gạo, cà phê, hạt tiêu, thủy sản, gỗ và các sản phẩm lâm sản… song, số lượng doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiện chưa nhiều; nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp và về nông thôn còn ít, ước tính chỉ chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế.


Trong suốt 3 thập kỷ qua, dù đã có khá nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nêu cao vai trò của doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp; tuy nhiên, kết quả triển khai nhiều chương trình, dự án nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Đó chính là lý do vì sao cần phải tạo nên những đột phá, những chính sách mang tính thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để tăng thu hút vào đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn.


Cụ thể, như chính sách về đất đai, về ứng dụng khoa học công nghệ, về tín dụng hay về đầu tư trong nông nghiệp, để đáp ứng yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp xanh và bền vững ở Việt Nam.


Đánh giá thực trạng của ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với ba thách thức cực kỳ lớn nếu không giải quyết được sẽ thụt lùi. Đó là thực trạng sản xuất nhỏ lẻ dựa trên 12 triệu hộ nông dân với mỗi hộ chỉ có 0,3ha đất canh tác. Thêm nữa lại phải đối mặt với biến đối khí hậu toàn cầu, với diễn biến thời tiết cực đoan ngày càng khó lường và căng thẳng, dẫn tới làm đảo lộn toàn bộ cấu trúc của sản xuất truyền thống. Trong khi đó, hội nhập kinh tế thế giới thì ngày càng diễn ra sâu rộng, với 7 hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các quốc gia, tổ chức trong khu vực và trên thế giới đã được ký kết và đang thực thi, còn chưa kể tới 6 FTA khác sắp tới.


Điều đó, có nghĩa, Việt Nam đã là thị trường mở của thế giới. Để giải quyết những thách thức nêu trên, ông Cường cho rằng, cần phải tìm ra hướng đi và lời giải cho việc cấu trúc lại nền sản xuất nông nghiệp? Đồng thời, phải làm sao tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và chú trọng khâu nào đem lại giá trị gia tăng cao nhất trong chuỗi sản xuất mà Việt Nam có thế mạnh.


Phân tích những vấn đề mang tính rào cản đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp nước nhà và lý giải nguyên nhân vì sao doanh nghiệp không mặn nà đầu tư vào nông nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng, Viện chiến lược Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, chỉ rõ, có đến 63% doanh nghiệp kêu khó khăn về đất đai và 46% doanh nghiệp còn lại kêu là rất khó khăn; 70% doanh nghiệp kêu khó khăn về tiếp cận tín dụng; 82,5% doanh nghiệp chưa tiếp cận được bảo hiểm trong nông nghiệp và 77% doanh nghiệp kêu là khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách về khoa học công nghệ…


Tại diễn đàn, ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, định vị vai trò của nông nghiệp là ngành kinh tế ưu tiên có sức cạnh tranh cao ở thị trường trong nước và quốc tế, nhằm đảm bảo sự tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho xã hội; đồng thời, cần xác định rõ lĩnh vực, nghề nghiệp, sản phẩm và phân khúc sản phẩm cốt lõi có khả năng liên kết và cạnh tranh, để từ đó có các chính sách hỗ trợ, đàm phán phát triển thị trường; cũng như tăng cường nghiên cứu và áp dụng công nghệ sinh học để phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó là xây dựng các cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm về thể chế, chính sách, giáo dục đào tạo, nghiên cứu… nhằm tăng cường sự liên kết giữa sản phẩm nông nghiệp, công tác tín dụng và hoạt động logistics để đảm bảo sức cạnh tranh cốt lõi của ngành nông nghiệp.

*Cũng chiều 3/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc cùng thúc đẩy hoạt động đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của các doanh nghiệp Việt Nam Theo đó, sắp tới sẽ sớm thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp nông nghiệp hoặc Nhóm công tác các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, xây dựng Chương trình liên kết đầu tư xây dựng chuỗi giá trị cho từng nhóm sản phẩm cụ thể và sẽ cùng phối hợp bình xét trao giải thưởng dành cho các doanh nghiệp tiêu biểu đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
Thạch Huê (TTXVN)
PPP trong nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản
PPP trong nông nghiệp vẫn còn nhiều rào cản

Qua 6 năm hoạt động, 8 nhóm công tác ngành hàng theo hình thức hợp tác công-tư (PPP) trong nông nghiệp đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các ngành hàng nông sản chủ lực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN