Nông nghiệp dễ bị tổn thương khi hội nhập

Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do và khu vực là cơ hội cho nông sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì 10 triệu hộ nông dân chẳng những không tận dụng được cơ hội để xuất khẩu hàng hóa mà còn có nguy cơ thua ngay trên sân nhà.

Nhỏ lẻ nên dễ bị tổn thương

Theo Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhất so với 11 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, lĩnh vực nông nghiệp có thể đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi được dự báo sẽ phải cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài khi các hàng rào thuế quan được giảm bớt và loại bỏ...

Ngành nông nghiệp đang tái cơ cấu chăn nuôi để thích ứng với hội nhập. Ảnh: Vũ Sinh /TTXVN

Một điều tra của Cục Thống kê gần đây cho thấy, gần 90% số nông hộ chăn nuôi cả bò, lợn, gà, vịt là quy mô nhỏ lẻ (dưới 10 con với đàn lợn, dưới 100 con với đàn gà, vịt). Họ sẽ phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng lớn hơn bởi hàng hóa nông sản của các nước do quy mô sản xuất quy lớn và trình độ sản xuất tiên tiến có ưu thế hơn hẳn về cả giá cả, chất lượng.

Nông dân Nguyễn Văn Thơm, xã Tân Trào, huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết: “Năm 2000, gia đình tôi đã xây dựng được khu chăn nuôi với diện tích gần 2 ha. Với quy mô chăn nuôi 2.000 vịt đẻ trứng, 2.000 vịt hậu bị, trên 500 gà, cá giống, cá thịt... , riêng doanh thu từ trứng vịt đạt khoảng 1,2 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2015 đến nay, do thịt gà ngoại nhập với số lượng lớn, giá rẻ nên đã cạnh tranh mạnh với sản phẩm chăn nuôi trong nước. Giá thịt gà công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương hiện đã xuống mức thấp”. Ông Thơm cho biết, nhiều hộ chăn nuôi gà công nghiệp siêu thịt không có lãi, phải giảm quy mô hoặc ngừng sản xuất. Giá gà thịt lông màu cũng xuống thấp nên người chăn nuôi không có lãi và phải thu hẹp sản xuất.

Còn theo TS Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, giá thịt lợn của Mỹ đang cao hơn của Việt Nam trung bình 40%, trong đó chi phí vận chuyển 20% và 20% còn lại do Việt Nam đánh thuế. Tuy nhiên, khi TPP có hiệu lực, hầu hết nông sản đều giảm thuế về 0%, thịt lợn Mỹ sẽ tràn vào Việt Nam với giá rẻ hơn trong nước khoảng 15 - 20%.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Theo Hội Nông dân Việt Nam, khi hàng rào thuế quan bị xóa bỏ theo các cam kết hội nhập, hàng nông sản trong nước sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn với hàng hóa nhập khẩu. 

Đối với hàng hóa nông sản, thách thức đặt ra là hàng rào phi thuế quan tức là các rào cản kỹ thuật sẽ được các nước áp dụng phổ biến hơn và yêu cầu về chất lượng sản phẩm cũng khắt khe hơn. Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, để hỗ trợ cho xuất khẩu nông sản cần giảm bớt thủ tục phiền hà, các loại phí và kệ phí, thực hiện theo thông lệ quốc tế trong các chứng nhận hàng hóa, kiểm dịch động vật..., nhằm tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản đủ điều kiện được lưu thông nhanh chóng.

Trong thời gian qua, sản xuất nông nghiệp có hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh” do một số hộ nông dân và doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng, giảm tính cạnh tranh của hàng nông sản trong nước với nông sản ngoại. Để hỗ trợ nông dân tăng khả năng cạnh tranh, nông dân Nguyễn Văn Thơm cho rằng, Nhà nước cần có biện pháp quản lý chất lượng vật tư, con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, có cơ chế hỗ trợ chăn nuôi sạch, an toàn. “Ngành nông nghiệp cần xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và cung ứng nhằm đảm bảo cung cấp sản phẩm chất lượng và an toàn. Như vậy mới cạnh tranh được với nông sản nhập ngoại”, TS Phạm Nguyên Minh nhấn mạnh.

Để hỗ trợ người nông dân, ông Lều Vũ Điều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội nông dân Việt Nam cho biết, hội sẽ chủ động khắc phục hạn chế, nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân bằng nhiều giải pháp thiết thực như: Đẩy mạnh tuyên truyền cho nông dân nắm được lợi thế của từng vùng sản xuất; hỗ trợ nông dân xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường cho hàng hóa nông sản; phối hợp với chính quyền, sở ngành các nhà khoa học, đặc biệt là các doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị và xây dựng “liên kết 4 nhà”... để nâng hiệu quả của sản xuất nông nghiệp.

“Trong “sân chơi” hội nhập, áp lực cạnh tranh là rất lớn, nếu nông dân vẫn sản xuất manh mún, lạc hậu thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà là rất lớn”, ông Đỗ Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hội nông dân Bình Thuận cho biết.

Ông Jong Ha Bae, Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư lớn vào nông nghiệp thông qua cơ chế ưu tiên để thu hút khu vực tư nhân tham gia. Tập trung vào việc tăng năng suất trong nông nghiệp và phi nông nghiệp, tạo thêm cơ hội việc làm và nâng cao sinh kế người dân nông thôn. Cùng với đó, Việt Nam cần có chiến lược cụ thể ở các cấp độ để giúp nông dân chủ động đổi mới khi hội nhập như: phân cấp, trao quyền địa phương để giảm thiểu chi phí gián tiếp; cải thiện quyền sử dụng đất và quản lý tài nguyên để nông dân tiếp cận; đào tạo nghề cho nông dân khi tham gia TPP, giải quyết thách thức về đổi mới thể chế và chính sách.



H.V
Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp
Phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ sinh học nông nghiệp

Quỹ học bổng Monsanto – VNUA và công ty Dekalb Việt Nam tiếp tục ký hợp tác song phương nhằm tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN