Nông dân Tây Ninh lao đao vì trồng chuối già Nam Mỹ

Giá thu mua chuối già Nam Mỹ trong cả nước đang ở mức thấp, do không xuất khẩu được và số nông dân trồng theo hình thức tự phát đang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề.

Dù giá bán xuống thấp kỷ lục nhưng vẫn không có thương lái đến thu mua. Ngay cả những hộ dân đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cũng bị các doanh nghiệp “bỏ rơi”, phải tự tìm đầu ra mong thu lại phần nào số vốn đã bỏ ra.

Lặng lẽ nhặt từng buồng chuối chín vàng óng sau khi đốn hạ cây gốc, ông Nguyễn Văn Nghĩa (ấp Đông Hà, xã Tân Đông, huyện Tân Châu) chia sẻ, gia đình có 1,5 ha trồng chuối già Nam Mỹ đang thu hoạch.

Nông dân xã Tân Đông, huyện Tân Châu tận thu những buồng chuối đẹp để bán lẻ cho thương lái tại các chợ, mong vớt vát chút ít phần vốn đã bỏ ra.

Đầu năm 2016, do các loại cây trồng chủ lực của tỉnh đang ở mức giá thấp, nông dân làm không có lãi, ông cùng 4 người hàng xóm quyết định tìm kiếm cây trồng mới cho năng suất cao hơn.

Qua Internet, những nông dân này biết Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ nông sản Ngọc Đỉnh (ấp 2, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) có chức năng trồng và xuất nhập khẩu nông sản; trong đó có cây chuối già Nam Mỹ. Họ đã trực tiếp đến trụ sở của Công ty Ngọc Đỉnh đặt vấn đề hợp tác.

Theo hợp đồng, Công ty Ngọc Đỉnh bán cho hộ dân 14.000 đồng/cây chuối giống Nam Mỹ nhưng chỉ thu trước 10.000 đồng/cây; số còn lại sẽ thưởng cho những vườn đạt năng suất từ 70 tấn/ha sau khi thu hoạch. Công ty cũng bao tiêu toàn bộ sản phẩm sau khi thu hoạch theo giá thị trường và mức giá bảo hiểm thấp nhất là 4.000 đồng/kg chuối.

Cũng tương tự, ông Nguyễn Minh Thành, ấp Đông Hà có vườn chuối 1,7 ha sẽ thu hoạch vào thời điểm tháng 3 tới. Khi vườn chuối trổ buồng cho trái non thì nông dân và Công Ty Ngọc Đỉnh đã ký hợp đồng, hai bên thường xuyên trao đổi kỹ thuật qua lại và chịu sự giám sát của Công ty Ngọc Đỉnh.

Thế nhưng, khi chuẩn bị thu hoạch, các chủ vườn chuối liên hệ với Công ty Ngọc Đỉnh sắp xếp lịch thì nhận được sự né tránh và những câu trả lời không dứt khoát.

Chuối chín hư hỏng, không bán được chất đống bỏ tại vườn.

Theo quy chuẩn, nếu buồng chuối có từ 1 đến 2 quả chín vàng thì sẽ không thu mua, do không thể vận chuyển được nên người dân liên tục liên lạc với Công ty Ngọc Đỉnh để thúc đẩy triển khai thu hoạch sớm. Tuy nhiên, Công ty này vẫn trả lời quanh co cho qua việc với lý do đang tìm đối tác.

Hiện giờ, nhiều vườn chuối đã chín rụng đầy xuống gốc, người dân đành phải tìm các thương lái bán lẻ với giá rất rẻ tại chợ, chỉ từ 1.000 - 2.000 đồng/kg tùy loại. Thế nhưng, do số lượng chuối chín quá lớn, đầu ra thì ít, nên chỉ có khoảng 50% số chuối được các thương lái nhỏ lẻ thu mua, còn lại đành bỏ - ông Nghĩa chia sẻ.

Nhiều nông dân nghi ngờ đây là chiêu lừa đảo của Công ty Ngọc Đỉnh. Việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm chỉ nhằm đưa nông dân vào “tròng” để bán được trên 31.000 cây chuối Nam Mỹ giống.
 
Tại địa bàn tỉnh Tây Ninh, Công ty Ngọc Đỉnh đã ký bao tiêu sản phẩm toàn phần với 5 hộ nông dân trồng chuối già Nam Mỹ, với diện tích trên 10 ha. Do chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên sản lượng chuối thành phẩm đạt chất lượng cao, ước tính gần 80 tấn/ha.

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Công ty Ngọc Đỉnh thừa nhận việc Công ty không thu mua chuối của nông dân là sai nhưng giải thích đó là việc ngoài ý muốn do không có thị trường tiêu thụ .

Thêm nữa, nông dân tự ý trồng quá sớm, không nghe khuyến cáo của công ty (có nhắc nhở qua điện thoại, không có văn bản) nên hiện nay họ cũng đang phải ráo riết tìm đối tác để giảm phần nào thiệt hại cho người dân, ông Toàn phân trần.

Nông dân xã Tân Đông, huyện Tân Châu đốn bỏ chuối gốc sau khi thu hoạch xong.

Đánh giá về giá trị pháp lý của hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa Công ty Ngọc Đỉnh và các hộ nông dân trồng chuối già Nam Mỹ, Luật sư Nguyễn Thế Tân, Giám đốc Công ty Luật Đắc Tâm, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh cho biết, hợp đồng này khá rõ ràng và chặt chẽ.

Trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng rất cụ thể. Vì thế, trong trường hợp này nếu người nông dân khởi kiện ra Tòa án thì gần như phần thắng kiện sẽ là tuyệt đối, vì Công ty Ngọc Đỉnh đã làm sai.

Ngoài ra, Luật sư Tân còn cho biết thêm, căn cứ các điều khoản trên hợp đồng đã ký thì việc khởi kiện sẽ do Tòa án ở TP Hồ Chí Minh giải quyết, tuy nhiên người dân vẫn có thể khởi kiện tại Tòa án các cấp của tỉnh Tây Ninh.

Để thuận tiện cho việc đi lại, khi đó, cấp Tòa án nào thụ lý sẽ mời đại diện pháp luật Công ty Ngọc Đỉnh để làm việc. Riêng các thủ tục pháp lý, nếu người dân không tường tận có thể liên hệ Đoàn Luật sư của tỉnh hoặc các văn phòng Luật sư để được tư vấn cụ thể hơn.

Trước thực tế này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Duy Ân khuyến cáo người dân trước khi chọn ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm phải cân nhắc kiểm tra năng lực của các doanh nghiệp đối tác; nếu gặp khó khăn nên báo cho các ngành chức năng làm trung gian kết nối để rà soát năng lực của doanh nghiệp.

Mặt khác, khi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra của nông sản, người nông dân và doanh nghiệp cần thống nhất ký quỹ tại ngân hàng để có cơ sở ràn g buộc trách nhiệm lẫn nhau. Nếu không ký quỹ thì không nên tiến hành ký hợp đồng trồng trọt.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, tỉnh hiện có trên 371 ha đất nông nghiệp trồng chuối già Nam Mỹ xuất khẩu; trong đó có trên 186 ha trồng theo hình thức tự phát, không theo quy hoạch và không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Đây cũng là một trong những lý do chính kéo giá chuối già Nam Mỹ xuống “đáy”, do cung vượt cầu.

Bài và ảnh: Phạm Thanh Tân (TTXVN)
Người trồng chuối lao đao vì thiếu đầu ra
Người trồng chuối lao đao vì thiếu đầu ra

Cũng tương tự như những hộ nông dân trồng chuối ở tỉnh Đồng Nai, nhiều hộ trồng chuối ở xã Tân Lâm, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang trong tình cảnh “dở khóc, dở cười” vì đến kỳ thu hoạch mà giá thấp thê thảm, không có thương lái đến thu mua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN