"Nóng" chuyện tìm thị trường cho hàng Việt

Hôm qua (14/12), Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2011 đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là hội nghị được nhiều kỳ vọng sẽ có những giải pháp từ các tham tán thương mại để thúc đẩy xuất khẩu năm 2012.

Xuất khẩu đối mặt với nhiều thách thức

Tại Hội nghị Tham tán Thương mại 2011, Bộ Công Thương dự báo khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010, tăng gấp 3 lần so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra, trong đó nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (không quá 18%).

Phân xưởng sản xuất áo sơ mi xuất khẩu của Công ty cổ phần may Tây Đô. Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Tuy nhiên, năm 2012, ngành công thương chỉ đề ra chỉ tiêu tăng xuất khẩu ở mức 13%, đạt khoảng 108,5 tỷ USD; nhập khẩu tăng khoảng 14,6%, đạt khoảng 121,5 tỷ USD và nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, bằng khoảng 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đáng lưu ý, mức tăng trưởng xuất khẩu được dự báo sẽ giảm mạnh so với năm 2011 nhưng ngành công thương vẫn lo ngại về khả năng thực hiện mục tiêu này.

"Mức tăng trưởng xuất khẩu được điều chỉnh giảm mạnh nhưng cũng không dễ dàng đạt được do quy mô các hoạt động kinh tế toàn cầu có nguy cơ tiếp tục giảm sút do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, nợ công và lạm phát tăng cao ở hầu khắp các nước, khủng hoảng chính trị ở Bắc Phi- Trung Đông… Ở trong nước, lạm phát tuy đã giảm dần nhưng tính chung cả nước vẫn rất cao, lãi suất vẫn ở mức cao khiến sản xuất công nghiệp và cả nông nghiệp gặp nhiều khó khăn", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng phân tích.

Chính vì vậy, để đạt được những mục tiêu xuất nhập khẩu đã đề ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên nhấn mạnh, sự phối hợp của các thương vụ Việt Nam, các tham tán ở nước ngoài đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong đó, các thương vụ cần tiếp tục theo dõi các chính sách có ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, theo dõi và cập nhật thông tin về diễn biến thị trường, nhu cầu, thị hiếu ngành hàng; đẩy mạnh cung cấp thông tin cho doanh nghiệp nước sở tại thu hút sự quan tâm đến thị trường Việt Nam, tiếp tục tham gia tháo gỡ các vướng mắc tranh chấp trong kinh doanh giữa hai phía… Cũng theo ông Biên, tình hình xuất khẩu các mặt hàng hiện cũng có những thay đổi rất nhanh, vì vậy, đòi hỏi sự nhanh nhạy tiếp cận một cách linh hoạt của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, trong đó có sự đồng thuận của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

“Cầu nối” cho hàng hóa Việt Nam

Việt Nam hiện có 59 thương vụ (kể cả 3 thương vụ Irắc, Libăng chưa triển khai do an ninh và Panama chuẩn bị triển khai) và 7 chi nhánh. Thương vụ ở các khu vực như sau: Khu vực châu Á - TBD có 15 thương vụ và 4 chi nhánh. Khu vực châu Âu có 20 thương vụ (trong đó có Đại diện thường trực bên cạnh WTO) và 1 chi nhánh, khu vực châu Phi, Tây Á - Nam Á có 15 thương vụ (kể cả 2 thương vụ Irắc và Libăng chưa triển khai). Khu vực châu Mỹ có 9 thương vụ và 2 chi nhánh (kể cả Panama).

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bông – sơ, tham tán thương mại đóng vai trò quan trọng để giúp các hiệp hội, doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, khi xảy ra các vụ kiện thương mại, ngoài sự trợ giúp của các cơ quan chuyên trách trong nước, thương vụ Việt Nam là đầu mối quan trọng giúp doanh nghiệp thu thập, trao đổi thông tin với các đối tác. Đặc biệt là những năm gần đây, xu hướng bảo hộ ngày càng tăng, các nước đưa ra các hàng rào kỹ thuật, áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm của Việt Nam. Ông Trần Việt, Phó trưởng ban Phát triển thị trường và quan hệ quốc tế, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhìn nhận, hiện Việt Nam đang đàm phán TPP. Đây là hiệp định chất lượng cao, mức độ phức tạp lớn, có nhiều tiềm năng cho xuất khẩu dệt may nhưng lợi ích thu được có thể bị hạn chế bởi các quy định về C/O, hợp tác hải quan,… Do vậy, rất cần sự hỗ trợ của các thương vụ trong việc cung cấp thông tin để có thể khai thác lợi ích từ Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cũng đề xuất các tham tán cần tăng cường công tác tham mưu nghiên cứu dự báo bởi dù hiện nay đã tốt nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới. Ông Sơn nói, các tham tán sẽ có thiếu sót nếu không thông tin kịp thời, chính xác.

Theo Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) Đỗ Văn Nam, sự vững vàng và tăng tưởng của ngành nông nghiệp đã từng bước khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp trong đóng góp vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Hướng ưu tiên của ngành nông nghiệp là đầu tư chiều sâu, sản phẩm chủ lực, sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng để có thể xuất thẳng đến các siêu thị trên thế giới. Tuy nhiên xu thế các thị trường lớn đòi hỏi cao hơn, rào cản kỹ thuật cao hơn. Do đó việc nắm bắt thông tin thị trường, cơ chế chính sách, sự điều chỉnh của thị trường phụ thuộc vai trò, trách nhiệm của tham tán. Ông Nam cũng đề nghị các tham tán cung cấp nhiều hơn thông tin từ các thị trường lớn, cơ chế chính sách của nước sở tại để xuất khẩu từ qua trung gian đến xuất khẩu trực tiếp nhằm nâng cao giá trị, hạn chế thiệt hại do các rào cản thương mại.

Để làm tốt công tác hỗ trợ xuất khẩu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị các tham tán thương mại phải tăng cường nghiên cứu về chính sách vĩ mô phát triển kinh tế thương mại nói chung và kinh tế thương mại với Việt Nam; nghiên cứu các thế mạnh của các thị trường, tác động của các chính sách ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thương mại của nước sở tại cũng như tới quan hệ của Việt Nam với nước sở tại; tiếp tục theo dõi các chính sách có ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, theo dõi và cập nhật thông tin về diễn biến thị trường, nhu cầu, thị hiếu ngành hàng; nghiên cứu các Hiệp định thương mại song phương và đa phương của các nước phục vụ cho việc đàm phán và ký kết hiệp định FTA, hiệp định hợp tác kinh tế với các nước; nghiên cứu và phổ biến thông tin thị trường chuyên ngành chọn lọc phục vụ công tác định hướng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt Nam.

Hơn nữa, nhiều mặt hàng Việt Nam đứng thứ nhất, nhì thế giới thì nguy cơ bị kiện ngày càng cao. Do vậy, tham tán phải tham mưu cho các bộ, ngành ứng phó với các rào cản. “Chúng ta đã làm công tác này nhưng vẫn còn nhiều yếu kém nên phải quan tâm hơn nữa”, ông Hoàng nói.

Thu Hường

Ông Vũ Văn Quang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nga: “Xuất khẩu Việt Nam vào thị trường Nga có thể có đột phá lớn”
Năm 2012, Nga sẽ vào WTO. Như vậy, thuế nhập khẩu của Nga đối với hàng hóa Việt Nam giảm 3-5% và đây là một con số rất lớn. Đồng thời Nga cũng công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đó chính là một thuận lợi rất lớn, cơ bản cho Việt Nam. Hàng hóa Việt Nam có nhiều thuận lợi là hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là cá basa. Các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường Nga cần chú ý các yếu tố liên quan đến hệ thống pháp luật và chọn bạn hàng.

Ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ phụ trách Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ: “Doanh nghiệp nên chủ động về thông tin”
Trong một "thế giới phẳng" như hiện nay thì nguồn thông tin rất sẵn có trên internet. Địa bàn Hoa Kỳ rất rộng lớn nên bản thân không thể đến từng nơi để nắm bắt thông tin. Chúng tôi cũng phải ngồi nghiên cứu trên mạng như các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp không có đầu tư chiều sâu cho công tác nghiên cứu và bản thân việc này cũng rất khó, đòi hỏi thời gian, công sức, chuyên môn nhất định. Các doanh nghiệp nhiều khi cũng muốn có những thông tin sẵn có để dùng, hoặc cần thông tin gì thì lại viết email gửi sang thương vụ để trả lời cho nhanh. Tôi có đề xuất với các doanh nghiệp Việt Nam là trước khi hỏi thương vụ, các doanh nghiệp nên đầu tư để tự mình tìm hiểu thông tin. Thông tin nào không thể tự tìm được mới hỏi.

Ông Phan Minh Quang, Tham tán Thương mại tại Ai Cập: “Khủng hoảng chính trị Bắc Phi, Ai Cập và tác động tới hoạt động giao thương”
Từ cuối năm 2010 đến nay, hầu hết các nước Bắc Phi như: Tuynidi, Ai Cập và Libi… đều có biến động về chính trị. Tuy nhiên, năm 2011 trong khu vực Bắc Phi, Trung Đông có khoảng 15 nước quan hệ thương mại với Việt Nam thì 11 nước nhập siêu lớn so với cùng kì năm trước. Riêng Ai Cập nhập khẩu từ Việt Nam tăng hơn cùng kì năm trước 41%... Nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và Ai Cập cần nhập khẩu như: nông sản, thủy sản, hàng dệt may, thiết bị nông nghiệp, sản phẩm điện tử, cao su, cà phê, chè, gia vị…

Nam Hoàng (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN