Nỗi lo tôm giống ngoại nhập

Người nuôi tôm Bạc Liêu đang nuôi tôm thẻ chân trắng (TCT), trong khi cơ sở hạ tầng, con giống, kỹ thuật… chưa đáp ứng được điều kiện nuôi. Điều này khiến tôm nuôi trên nhiều diện tích bị chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng.

 

Nuôi tôm thẻ chân trắng ở một hộ nông dân ở xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Để đáp ứng nhu cầu nuôi, các cơ sở sản xuất - kinh doanh tôm giống trên địa bàn cho nhập hàng ngàn cặp tôm TCT bố mẹ từ đảo Hawaii (Mỹ). Mỗi cặp trị giá gần 3 triệu đồng. Số tôm bố mẹ nhập khẩu được phía đối tác cam kết miễn dịch 10 loại bệnh nguy hiểm như: đốm trắng, đầu vàng, taura, bệnh còi, vi khuẩn, phát sáng… nhưng thời gian qua, tôm TCT vẫn bị chết hàng loạt.


Tại Hội nghị quản lý chất lượng tôm giống do Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức tại Bạc Liêu gần đây, ông Phạm Hoàng Giang, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Bạc Liêu, khẳng định: Do quy định thiếu chặt chẽ nên việc tiêu hủy tôm giống và tôm bố mẹ bị bệnh trên địa bàn tỉnh rất hạn chế. Điều này gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm cũng như những công ty tôm giống làm ăn chân chính. Cũng theo ông Giang, bên cạnh tôm giống, chưa có một quy định nào cho phép kiểm dịch tôm bố mẹ tại các trại sản xuất giống. Trong khi tôm bố mẹ (cả tôm sú và tôm TCT) - nguồn lây bệnh chính cho tôm giống - được nhập từ nhiều nguồn khác nhau (có cả trong nước và nhập khẩu). Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Tôm TCT bố mẹ hiện nay nhập khẩu 100% từ nhiều nơi trên thế giới, chất lượng có lô tốt, lô xấu. Không ai biết được nguồn gốc từ dòng tôm nào. Cũng không ai biết có phải là tôm chọn giống nguồn gốc Hawaii (Mỹ) thật sự hay tôm vớt từ đầm nuôi.


Theo ngành chức năng, một trong những nguyên nhân làm tôm bị hoại tử gan tụy là do một số dòng tôm được chọn giống theo hướng tăng khả năng sinh trưởng, từ đó, làm tôm giảm khả năng thích ứng. Vì vậy, khi bị sốc môi trường hoặc có tác nhân gây bệnh, tôm sẽ chết hàng loạt.


Trước tình trạng diện tích nuôi tôm TCT tăng vọt, vua tôm Võ Hồng Ngoãn (thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) khuyến cáo, đối với những địa phương chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, không thông thạo kỹ thuật, ít vốn… thì tuyệt đối không nên nuôi tôm TCT. Vì chi phí đầu tư nuôi tôm TCT cao gấp nhiều lần so với tôm sú, đòi khỏi kỹ thuật khắt khe, cơ sở hạ tầng khép kín nhưng rủi ro thì rất cao… Theo ông Ngoãn, đã có nhiều người dở khóc dở cười vì nuôi tôm TCT theo phong trào.


Bạc Liêu có gần 400 cơ sở sản xuất và ươm tôm giống, hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 5 tỷ con giống, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu hộ nuôi tôm trên địa bàn. Tuy nhiên, số cơ sở đầu tư mạnh về quy mô, đi đầu trong ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng nguồn tôm bố mẹ sạch bệnh để có tôm giống chất lượng cao chỉ chiếm 20%; còn lại 80% xếp vào dạng công nghệ “bèo”, tạo ra tôm giống đủ kiểu chất lượng. Thậm chí, có cơ sở gọi là công ty tôm giống nhưng không hề sản xuất giống, mà vẫn có tôm giống để bán. Họ đi thu mua tôm giống khắp nơi, sau đó đóng thùng (với nhiều thương hiệu khác nhau) để bán cho người nuôi tôm. Trong khi đó, chỉ có hộ nuôi theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp mới xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi, còn đa phần hộ nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến thì chỉ “xét nghiệm” tôm bằng cách quan sát. Nhưng những hộ nuôi tôm xét nghiệm bằng “mắt” chiếm hơn 90% diện tích tôm nuôi của tỉnh này.


Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm khoảng 125.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp hơn 10.000 ha. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của thời tiết bất thường, nguồn giống kém chất lượng, xảy ra dịch bệnh làm hơn 16.000 ha tôm nuôi chết, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Điều đáng lo lắng hiện nay là do nhiều nguyên nhân, trong đó giá cả tôm sú xuống thấp, thiếu thông tin về thị trường, không am hiểu về kỹ thuật mà gần đây nhiều người chuyển sang nuôi tôm TCT. Theo dự báo, vụ nuôi tôm năm 2013 tới, diện tích nuôi tôm TCT của tỉnh này khoảng 1.000 ha, tăng khoảng 400 ha so với năm 2012. Với diện tích này, Bạc Liêu cần khoảng 2,4 tỷ con post (tôm con) TCT. Để đáp ứng lượng con giống trên sẽ có lượng lớn con giống bố mẹ nhập từ nước ngoài, trong khi khâu kiểm dịch còn khá lỏng lẻo, nguồn bệnh chưa được kiểm soát đang là mối lo ngại cho người nuôi tôm tỉnh này khi mùa nuôi tôm chuẩn bị vào chính vụ.

 

Huỳnh Sử

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN