Nợ xấu và cách 'hóa giải'

Chuyện nợ xấu của ngân hàng là hệ quả tất yếu của quá trình tăng trưởng tín dụng quá "nóng", cộng với "cơn sốt" cho vay bất động sản, chứng khoán ồ ạt trong những năm trước. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, nợ xấu đang có dấu hiệu gia tăng và gây tác hại không nhỏ cho nền kinh tế . Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đây là “cục máu đông”, là điểm nghẽn của nền kinh tế và cần thực hiện các giải pháp để đưa về ngưỡng an toàn.

 

Băn khoăn con số nợ xấu

 

Tính đến nay, đã có nhiều số liệu của các tổ chức trong và ngoài nước công bố về nợ xấu của Việt Nam. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, nợ xấu của toàn hệ thống tín dụng đến cuối tháng 5/2012 là 117.000 tỷ đồng, bằng 4,47% tổng dư nợ tín dụng. Theo số liệu cơ quan Thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu hiện nay của Việt Nam là 202.000 tỷ đồng, tương đương 8,6%. Lý giải điều này, tại cuộc trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tuần qua, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, số liệu giám sát của NHNN cao hơn so với báo cáo của các tổ chức tín dụng là do NHNN thực hiện chuyển nhóm nợ theo đúng quy định hiện hành trong khi một số tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ, ghi nhận nợ xấu trong báo cáo tài chính thấp hơn thực tế để giảm chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Các tiêu chí phân loại nợ theo quy định hiện hành có bao gồm tiêu chí định lượng và tiêu chí định tính.

 

Khách hàng giao dịch tại VPBank. Ảnh: Trần Việt- TTXVN.

 

Thống đốc cũng khẳng định, mặc dù có nhiều số liệu về nợ xấu khác nhau, nhưng con số nợ xấu mà NHNN công bố là con số tin cậy nhất. Thống đốc khẳng định, các tiêu chí phân loại nợ của Việt Nam theo đánh giá Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng thế giới (WB) và các tổ chức tài chính quốc tế khác phù hợp với các tiêu chuẩn trong khu vực, có định lượng, định tính.

 

Như vậy, số liệu nợ xấu đã rõ ràng hơn với mức 8,6% tổng dư nợ tín dụng hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là mức nợ xấu trên có thực sự đáng báo động hay không. Thực tế cho thấy, không riêng Việt Nam mà nhiều nước khác trong khu vực như Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia, Hàn Quốc... cũng đã từng đối mặt vấn đề nợ xấu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1999 với tỷ lệ nợ xấu cao tới 20 - 40% tổng dư nợ tín dụng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, với tỷ lệ nợ xấu hiện nay, nếu so với các nước trong giai đoạn khó khăn 1998-2000 như Thái Lan (47%), Hàn Quốc (17%), Inđônêxia (hơn 20%) thì con số nợ xấu của Việt Nam là rất đáng báo động, nhưng không đến mức độ “hốt hoảng và nguy kịch”. Theo số liệu mới nhất mà Thống đốc Ngân hàng công bố, đến nay các tổ chức tín dụng đã trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hơn 70.000 tỷ đồng, giá trị tài sản bảo đảm bằng 130% giá trị khoản vay, do đó hoàn toàn có điều kiện xử lý với mức chi phí thấp nhất.

 

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Quyền Chánh thanh tra NHNN, k hông nên tuyệt đối hoá tỷ lệ nợ xấu cao hay thấp hoặc chỉ dựa vào mức dự phòng rủi ro đã trích lập trong quá trình đánh giá chất lượng tín dụng và xác định khả năng tổn thất tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng không được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ và thiếu tài sản bảo đảm thì có thể nguy hiểm hơn là tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhưng được trích lập dự phòng rủi ro và có tài sản bảo đảm đầy đủ.

 

Giải pháp đạt ngưỡng an toàn

 

Mặc dù theo Thống đốc NHNN, mức nợ xấu chưa thực sự đáng lo ngại, nhưng đâu là ngưỡng nợ xấu an toàn cũng được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn vừa rồi. Theo thông lệ quốc tế, ngưỡng an toàn là tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Tuy nhiên, để đạt được ngưỡng này là chuyện không hề đơn giản. Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng việc xử lý nợ xấu về ngưỡng an toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có môi trường kinh tế, với sự nỗ lực toàn hệ thống. Thống đốc cũng đã cam kết "cố gắng đưa nợ xấu về mức tiêu chuẩn trong nhiệm kỳ của mình". Lời cam kết của Thống đốc là vậy, tuy nhiên để đạt được ngưỡng trên thì khó có thể chỉ một mình NHNN giải quyết được.

 

Thống đốc cho biết, trong thời gian tới NHNN sẽ áp dụng các biện pháp cả ngắn và dài hạn để khắc phục nợ xấu bao gồm cả các chính sách kinh tế vĩ mô, giải pháp liên quan đến ngân hàng, giải pháp đối với các tổ chức tín dụng và việc thanh tra giám sát… Về giải pháp kinh tế vĩ mô, theo Thống đốc, thông qua Nghị quyết của Đảng, Chính phủ, Quốc hội về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và tái cấu trúc nền kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu sẽ là một giải pháp quan trọng nhằm hạn chế tốc độ tăng của nợ xấu.

 

Về phía NHNN sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện đúng các quy định của pháp luật về hoạt động cho vay, tỷ lệ an toàn vốn và giới hạn cấp tín dụng, không cho vay mới để trả nợ cũ với mục đích che giấu nợ cũ, chủ động phối hợp với khách hàng vay để thực hiện việc đánh giá chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua giảm lãi suất tiền vay đối với cả lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. NHNN cũng sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về cấp tín dụng và an toàn hoạt động ngân hàng nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng.

 

Theo các chuyên gia kinh tế, một giải pháp quan trọng cần nhấn mạnh đến tính minh bạch trong việc phát hiện và xử lý nợ xấu, trong đó cần phải chú ý đẩy mạnh công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo các tổ chức tín dụng (TCTD) tuân thủ đúng các quy định về hoạt động ngân hàng, đặc biệt về cấp tín dụng, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và quy định về an toàn hoạt động tín dụng.

 

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng để khắc phục tình trạng nợ xấu thì bản thân các TCTD cũng cần chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất hợp lý cho khách hàng có khó khăn tài chính tạm thời… Các TCTD cần tăng cường trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu để thu hồi. Hơn nữa, cần chuyển nợ thành vốn góp đối với khách hàng là doanh nghiệp mà ngân hàng đánh giá là có triển vọng phát triển.

 

Một giải pháp được nhiều chuyên gia nhắc đến là thành lập công ty mua bán nợ quốc gia để giải quyết nợ xấu. Về vấn đề này, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện nay NHNN cũng đã hoàn thành xây dựng đề án thành lập công ty này và sẽ trình Chính phủ trong thời gian tới, sau đó sẽ trình lên Quốc hội. Theo Thống đốc, mua bán nợ là hoạt động bình thường trong nền kinh tế, nếu có một đơn vị nào đó quản lý tài sản bảo đảm, mua lại nợ của ngân hàng thì vừa có lợi cho thanh khoản của ngân hàng và chính bản thân công ty mua bán nợ đó.

 

 

Quốc Huy

'Phải kiên nhẫn để giải quyết vấn đề nợ xấu'
'Phải kiên nhẫn để giải quyết vấn đề nợ xấu'

Một số chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại về việc ngành ngân hàng đang phải đối mặt với tình trạng nợ xấu ở mức cao. Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN