Nỗ lực giải phóng hàng cuối năm

Thường lệ, những tháng cuối năm là thời điểm doanh nghiệp tăng tốc kích cầu giải phóng hàng hóa tồn kho. Năm nay, trong khi kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, thì sức mua nội địa yếu, tạo nên áp lực không nhỏ với bài toán đầu ra của doanh nghiệp.

 

Giảm nhưng chưa bền


Theo số liệu khảo sát của Bộ Công Thương, tính tới thời điểm hiện nay, hàng tồn kho đã có dấu hiệu lạc quan khi đang trên đà giảm khoảng 14% so với trước đó 3 - 4 tháng. Cụ thể, tháng 6/2012, chỉ số hàng tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến cả nước ở mức gần 35%, nhưng đến tháng 10, chỉ số hàng tồn kho đã giảm chỉ còn hơn 20%. Nhiều ngành nhờ điều tiết được sản xuất nên lượng tồn kho giảm đáng kể như: đường, thiết bị truyền thông, điện tử dân dụng, thiết bị dẫn điện…


Các doanh nghiệp cần chấp nhận cắt lỗ, đa dạng các hình thức kinh doanh để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn.

Tuy nhiên, do những điều kiện bất lợi của thị trường như: bất động sản đóng băng, xuất khẩu khó khăn… nhiều mặt hàng sản phẩm như sắt thép, xi măng, thủy sản, thuốc lá… đang nằm trong nhóm có tỷ lệ tồn kho cao. Đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù những tháng cuối năm, doanh nghiệp thường đẩy mạnh sản xuất để hoàn thành kế hoạch năm nhưng tháng 10 vừa qua, tốc độ tăng trưởng của sản xuất công nghiệp đạt thấp. Nguyên nhân chính là khó khăn trong sản xuất kinh doanh vẫn còn rất nhiều, đặc biệt trong tiêu thụ sản phẩm và vốn.


Có thâm niên hơn 10 năm trong lĩnh vực phân phối, chưa bao giờ doanh nghiệp của chị Nguyễn Thu Phương, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Nam Dương, lại khó khăn như những tháng vừa qua. Hàng hóa ăm ắp trong kho nhưng các đại lý chỉ mua với số lượng nhỏ giọt đã làm cho khả năng quay vòng đồng vốn của công ty chậm. “Hiện doanh nghiệp chúng tôi đang đối mặt với sức mua trên thị trường thấp, dẫn đến chỉ số tồn kho ở mức cao đang làm cho khả năng hấp thụ vốn suy giảm. Ngoài nỗ lực nội tại của chính bản thân, điều chúng tôi quan tâm là các ngành chức năng cần sớm có những giải pháp cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn”, chị Phương lo lắng.

 

Chung lưng vượt khó


Tại hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn” diễn ra mới đây tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định những tháng còn lại của năm, tình hình vẫn còn tiếp tục khó khăn. Về phía bản thân doanh nghiệp cần sớm có tầm nhìn dài hạn về chuyện sống còn hay chấp nhận mất mát để kiến thiết một chiến lược phát triển tốt hơn trong tương lai. Giải pháp doanh nghiệp nên quan tâm thực hiện lúc này là tiết giảm sản xuất để không làm trầm trọng thêm tình hình và tìm mọi cách thúc đẩy bán hàng kể cả giảm giá sâu. Ngoài ra, để giải quyết hàng tồn kho, doanh nghiệp cần năng động trong kinh doanh bằng việc đa dạng, đan xen những kênh phân phối truyền thống và hiện đại như: phủ hàng ở các chợ truyền thống, kinh doanh điện tử, tăng cường khuyến mãi…


Bà Đoàn Thị Quyên, thành viên Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp cần có những biện pháp giảm chi phí sản xuất nhằm giảm giá bán sản phẩm, cũng như chú trọng hơn các thị trường xuất khẩu mới như các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc thay vì tập trung vào Mỹ và các nước châu Âu. “Sản phẩm tồn đọng nên đưa ra bán với giá rẻ hoặc dưới dạng quà tặng kèm với các mặt hàng khác đang có sức mua cao. Ngoài ra có thể phối hợp với nhiều nhóm hàng khác nhau tạo ra những gói sản phẩm hấp dẫn thu hút người mua”, bà Quyên gợi ý.


Ở góc độ vĩ mô, hiện Bộ Công Thương đang kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất, trong đó có cả giải pháp tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Trước đó, Chính phủ đã nhanh chóng ban hành Nghị quyết 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bao gồm nhiều giải pháp nhằm giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Riêng Ngân hàng Nhà nước đang có lộ trình hạ dần lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố thực lực theo hướng tập trung cho đầu tư dài hạn.


Bài và ảnh: Lê Nghĩa

.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN