Nỗ lực đẩy sức mua tăng

Kinh tế khó khăn khiến người dân thành phố càng ngày càng hạn chế chi tiêu, kéo theo đó các chợ bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại rơi vào cảnh ế ẩm. Để kích cầu, nhiều nhà cung cấp, sản xuất, bán lẻ đã tung ra khá nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá song sức mua vẫn không khả quan.


Sức mua yếu


Dạo quanh các tuyến đường chuyên kinh doanh, buôn bán trên địa bàn TP Hồ Chí Minh như: “con đường thời trang” Nguyễn Trãi; “con đường xe gắn máy” Lý Tự Trọng; các tuyến “đường công nghệ” Tôn Thất Tùng, Bùi Thị Xuân... dễ dàng nhận thấy những băng rôn giảm giá, siêu khuyến mãi, thanh lý hàng tồn. “Tình hình buôn bán ế ẩm, ảm đạm lắm. Tính ra hàng tháng gia đình tôi chi phí hơn 20 triệu đồng để thuê mặt bằng, trả tiền điện, thuê nhân viên bán hàng… nhưng từ Tết đến giờ kinh doanh rất khó khăn”, chị Nguyễn Thu Hồng, chủ một cửa hàng kinh doanh thời trang trên đường Nguyễn Trãi than thở.

 

 

Mặc dù có nhiều chương trình khuyến mãi nhưng nhiều siêu thị, trung tâm thương mại... vẫn ế khách.


Khảo sát của phóng viên cho thấy, sức mua đang giảm sút một cách đáng lo ngại khi lượng khách đến siêu thị trong những ngày cuối tuần đang có xu hướng giảm. Tại các siêu thị lớn như BigC, Saigon Co.op… ngay cả giờ cao điểm, các nhân viên thu ngân vẫn rất nhàn hạ. Tương tự, các chợ truyền thống, trung tâm điện máy… cũng đang trong tình trạng “chợ chiều”, sức mua yếu, hàng hóa ế ẩm dù giá cả ít dao động. “Nếu như trước đây các siêu thị thường chỉ áp dụng hình thức khuyến mại là giảm giá trên sản phẩm thì nay chúng tôi đã phải có thêm rất nhiều giải pháp kích cầu khác như: tặng thêm quà, tặng phiếu mua hàng, rút thăm may mắn... Năm nay, sức mua và sự phục hồi kinh tế trong nước sẽ tiếp tục là mối quan tâm đối với doanh nghiệp sản xuất và các nhà bán lẻ”, bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống BigC nhận định.


Tại các trung tâm thương mại cao cấp như: Parkson, Zen Plaza, Diamond Plaza, Lottert mark, SaigonSquare..., dù có địa điểm thuận lợi ở ngay trung tâm thành phố, nhưng tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan. Đại diện các trung tâm thương mại cho biết, lượng khách đến mua sắm và doanh số bán hàng đã giảm 20 - 40% so với cùng kỳ năm 2013. Nhằm thu hút khách hàng, các trung tâm thương mại đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn như giảm giá từ 20 - 70%, mua 1 tặng 1, tích điểm thưởng… nhưng vẫn khó “kéo” được sức mua của người tiêu dùng. Hầu hết các trung tâm thương mại như Parkson, Vincom… đã liên tục giảm giá thuê gian hàng hoặc tăng thêm lợi ích cho người thuê gian hàng cũng như tạo điều kiện thanh toán linh hoạt cho người thuê, nhưng vẫn khó lấp đầy mặt bằng.


Cần nhiều chính sách kích cầu


Để kích cầu tiêu dùng, hiện rất nhiều trung tâm thương mại, siêu thị… đang trong cuộc đua cạnh tranh với nhau gay gắt về giá, cũng như đưa ra nhiều chương trình kích cầu để thu hút người mua, đặc biệt chủ yếu tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu.


Đại diện hệ thống Saigon Co.op cho biết, kinh tế càng khó khăn, người dân càng thắt chặt chi tiêu nên sức mua các mặt hàng đều giảm. Vì vậy, để tiết kiệm chi tiêu, người dân sẽ chọn các mặt hàng thiết yếu nhiều hơn. “Chúng tôi đã liên kết với các nhà cung cấp, nhất là các nhà cung cấp các mặt hàng thiết yếu để thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi với mức giảm giá sâu cũng như chuẩn bị về nguồn hàng, dịch vụ hậu cần, bán hàng… để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Theo đó, từ ngày 5/5 đến 18/5, tất cả các đơn vị bán lẻ gồm hệ thống siêu thị Co.op mart sẽ đồng loạt thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá và tặng quà cho khách hàng. Theo đó, siêu thị giảm giá đến 50% cho hơn 2.500 mặt hàng thiết yếu. Bên cạnh đó, khách hàng còn được tham gia các chương trình rút thăm trúng thưởng để nhận ngay quà tặng giá trị cao...”, đại diện Saigon Co.op cho biết.


Tại TP Hồ Chí Minh, liên tục hai tháng gần đây chỉ số giá tiêu dùng đều giảm. Nguyên nhân chính do sức mua yếu và kinh tế chậm phục hồi. Theo khảo sát của ngành chức năng, chi tiêu bình quân của người tiêu dùng tại siêu thị chỉ quanh mức 240.000 đồng/giỏ hàng, thấp hơn khoảng 30.000 đồng/giỏ hàng so với thời điểm 3 tháng cuối năm 2013. Riêng sức mua tại các chợ truyền thống, doanh thu bán lẻ cũng giảm khoảng 30% do hoạt động mua sắm của người dân vẫn chưa cải thiện như mong đợi. Nhóm hàng được người tiêu dùng quan tâm vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm lương thực, thực phẩm và các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.


Cũng theo báo cáo của Ngân hàng ANZ, nhu cầu tiêu dùng nội địa đang suy giảm. Cụ thể, doanh thu bán lẻ từ đầu năm đến nay tăng 10,56%, thấp hơn mức tăng 11,5% của cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4, doanh thu bán lẻ cũng không tăng cao mặc dù có nhiều ngày nghỉ lễ. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, để kích thích tiêu dùng cùng với việc hạ giá sản phẩm, nâng cao chất lượng rất cần có chính sách tín dụng hỗ trợ và sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp sản xuất và ngân hàng. Ngoài ra, cũng cần tác động vào lòng tin để doanh nghiệp sản xuất yên tâm đầu tư sản xuất kinh doanh, và người tiêu dùng sẽ bớt tâm lý chờ đợi giá giảm thêm và sẽ mạnh dạn chi tiêu hơn.


Bài và ảnh: Nhóm PV

Họp Chính phủ tháng 5: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Họp Chính phủ tháng 5: Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh

Ngày 29/5, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 5/2014, thảo luận về tình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 tháng đầu và các giải pháp những tháng tiếp theo, trong đó thảo luận nhiều vấn đề quan trọng xung quanh tình hình xảy ra trên Biển Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN