Nợ đọng thuế đã ở mức “không chấp nhận được”

Chiều 31/7, lý giải về việc cơ quan thuế triển khai các biện pháp quyết liệt trong thời gian gần đây trong việc công khai danh tính các doanh nghiệp nợ thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định việc công khai đôn đốc thu nợ thuế không phải do sức ép từ thu ngân sách mà bởi vì tình trạng nợ đọng thuế về chuyên môn “chúng tôi cho rằng không thể chấp nhận được, làm xấu đi tính tuân thủ pháp luật và môi trường kinh doanh nói chung”.

Theo Thứ trưởng, trong giai đoạn năm 2012 về trước, tình hình kinh tế khó khăn, Quốc hội cho phép thực hiện một số biện pháp giãn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng đến giai đoạn 2014-2015 kinh tế đã có phục hồi thì đã không còn thực hiện nữa. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn lấy lí do đó để chiếm dụng tiền thuế của ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: An Đăng - TTXVN


Thực tế 6 tháng đầu năm, tình trạng nợ đọng thuế gia tăng rất lớn, lên đến 74.000 tỷ đồng, so với yêu cầu quản lý của nhà nước thì số nợ đọng này chiếm khoảng 10% số doanh nghiệp phải nộp trong năm nay. Đây là tỷ lệ vượt quá quy định.

“Việc này cũng có nguyên nhân từ phía doanh nghiệp chưa chấp hành pháp luật nhưng cũng có phần từ cơ quan thuế chưa thực hiện đầy đủ chức trách trong tổ chức cưỡng chế thu thuế. Do vậy dẫn tới môi trường kinh doanh không bình đẳng ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Do vậy Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện đầy đủ các quy định quản lý thu thuế trong đó có cưỡng chế thuế và công khai nợ đọng thuế của doanh nghiệp”, Thứ trưởng nói.

Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, do việc công khai danh tính doanh nghiệp nợ thuế là rất nhạy cảm, có thể ảnh hưởng tới uy tín của doanh nghiệp nên cơ quan thuế cũng tiến hành rất thận trọng.

Hiện có khoảng 510.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, số nợ đọng thuế cũng chiếm gần 2%. Bộ đã chỉ đạo các cục thuế trên cả nước rà soát các đơn vị nợ thuế trong 20 ngày, công bố công khai 600 doanh nghiệp với tổng số nợ đọng thuế khoảng 12.000 tỷ đồng; trong đó Hà Nội có 200 doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh 200 doanh nghiệp, còn lại là ở các địa phương. Việc lựa chọn tập trung vào những đơn vị nợ tương đối lớn và các khoản nợ này của các doanh nghiệp đó không liên quan tới khiếu nại, có khả năng thu, không phải là doanh nghiệp phá sản hay đình trệ ngừng sản xuất.

Theo Thứ trưởng, việc công khai doanh nghiệp nợ thuế là đều dựa trên các quy định pháp luật. Các cơ quan thuế phải có trách nhiệm trong quản lý thu thuế. Đối với những đơn vị vi phạm nợ thuế đến 91 ngày tính đến ngày phải nộp theo Luật thì phải phong tỏa tài sản doanh nghiệp và yêu cầu ngân hàng thương mại phục vụ doanh nghiệp trích tài khoản nộp cho ngân sách. Đến ngày thứ 121, khi thực hiện truy thu chưa đủ, phải thực hiện biện pháp tiếp theo là đình sử dụng hóa đơn của đơn vị đó.

“Khi sử dụng biện pháp này sẽ ảnh hưởng tới đối tác trên thị trường của doanh nghiệp nên Luật quy định cơ quan thuế phải công khai danh tính và nghĩa vụ nợ của đơn vị đó trên cơ quan thông tin đại chúng. Đây là cơ quan Thuế phải thực hiện theo quy định pháp luật, để đảm bảo quyền lợi cho ngân sách nhà nước cũng như quyền lợi của những người tham gia thị trường có quan đối tác với doanh nghiệp này”, Thứ trưởng lí giải.

Theo Thứ trưởng, quan trọng là phải có thông tin nhiều chiều, việc công bố sai sót một vài doanh nghiệp cũng có lỗi của cán bộ thuế nhưng có thể khẳng định, đa số công bố là đúng, chính xác và đầy đủ. Kể từ sau ngày công bố công khai, đến ngày 30/7 trong số 600 đơn vị đó, số thu được vào ngân sách là khoảng 740 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng là các đơn vị nộp theo lệnh cưỡng chế, còn lại là tự giác nộp.

Bộ Tài chính cũng cho biết sau thời gian công bố thì Bộ nhận được 8 văn bản trên tổng số 600 doanh nghiệp có ý kiến phản hồi Cục và chi cục. Ngay sau đó, Bộ cũng yêu cầu Tổng cục Thuế kiểm tra đối chiếu, sau khi có xác nhận thì cái nào sai do nguyên nhân chủ quan từ cơ quan thuế thì cục trưởng hoặc chi cục trưởng phải tổ chức xin lỗi bằng văn bản. Trong số 8 doanh nghiệp thì cơ quan thuế đã chính thức xin lỗi 6 đơn vị. Cái sai ở đây chủ yếu do chưa đối soát kịp thời số liệu. Ví dụ các danh nghiệp Thế giới di động, Nguyễn Kim, Thế giới số sản xuất kinh doanh trên nhiều địa điểm toàn quốc, nên chứng từ chưa được cập nhật kịp thời, số nợ thuế xác định chưa chính xác.

“Tuy nhiên đây mới chỉ là kiểm tra cấp chi cục và cục thôi, chứ trong một số đơnvị nói trên có những khoảng phát sinh cần kiểm tra lại. Hai đơn vị còn lại cũng gỡ khỏi công báo công khai, nhưng không xin lỗi do không phải lỗi của cơ quan thuế”, Thứ trưởng cho biết.

Sau đợt này, Bộ Tài chính sẽ rút kinh nghiệm và đã có kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho Tổng Cục thuế. Theo đó, dự kiến sang quý IV sẽ chuyển sang phương thức làm thường xuyên, định kỳ đầy đủ chặt chẽ theo đúng quy định của Luật Quản lý Thuế. Nghĩa là cơ quan thuế, Tổng cục thuế hàng tháng vào ngày 15 hoặc 16 công bố 3 danh sách: Danh sách 1 là công bố các đơn vị doanh nghiệp nợ thuế đến ngày 61, theo quy định đến ngày đó cơ quan thuế đôn đốc nhắc nhở và nghe phản hồi của đơn vị. Danh sách thứ 2 là sanh sách doanh nghiệp đến ngày 91 chưa nộp, các Cục trưởng căn cứ vào đó thông báo trích tài khoản và phong tỏa tài khoản. Danh mục 3 là 30 ngày sau trích tài khoản mà doanh nghiệp vẫn chưa nộp thuế thì yêu cầu đơn vị không được sử dụng hóa đơn trong kinh doanh đối với các doanh nghiệp đến 121 ngày chưa thực hiện nộp thuế.

Hoàng Tùng (TTXVN)
Sẽ xác định hậu quả với đơn vị bị bêu tên nhầm nợ thuế
Sẽ xác định hậu quả với đơn vị bị bêu tên nhầm nợ thuế

Tại buổi họp về tình hình nợ thuế chiều 31/7, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết: Với những đơn vị bị bêu tên nhầm nợ thuế mà ảnh hưởng tới việc ký hợp đồng, cơ quan Nhà nước sẽ xác định hậu quả và có "giải pháp."

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN