Nợ công của Việt Nam vẫn ở ngưỡng an toàn

Báo cáo của Bộ Tài chính gửi đại biểu Quốc hội mới đây về việc thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII cho hay: Ước tính đến cuối năm 2012, số dư nợ công của Việt Nam bằng 55,4% GDP, nhưng theo một số tổ chức, chuyên gia nước ngoài, con số này lại cao hơn rất nhiều (khoảng 129 tỷ USD, bằng 106% GDP năm 2011).


Phóng viên Tin tức đã trao đổi với ông Nguyễn Thành Đô (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) xung quanh vấn đề này.

 


Ông có thể cho biết cụ thể về số dư nợ công của Việt Nam ước tính cuối năm nay?


Tính đến cuối năm 2012, số dư nợ công ước tính bằng 55,4% GDP; dư nợ Chính phủ bằng 43,1% GDP. Chỉ số này của năm 2011 là 54,9%.

Trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm khoảng 78% (chủ yếu là phát hành trái phiếu Chính phủ và vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức - ODA). Các khoản vay nước ngoài của Chính phủ chủ yếu vay theo lãi suất rất ưu đãi, điển hình là khoản vay của Ngân hàng Thế giới (WB) có thời hạn 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, mức lãi suất là 0,75%/năm, khoản vay của Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB) có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm, các khoản vay của Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn và mức lãi suất khoảng từ 1 - 2%/năm.

Tuy nhiên, từ tháng 7/2011, Việt Nam đã phải sử dụng một số khoản vay từ WB theo điều kiện áp dụng cho nhóm nước trung bình thấp với thời hạn vay, ân hạn ngắn hơn nhiều so với thời hạn vay trước đây và chịu mức lãi suất cao hơn. Căn cứ quy định tại Chiến lược nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt tại Quyết định số 958/QĐ - TTg ngày 27/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ, nợ công và nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn an toàn (trần khống chế trong giai đoạn 2011 - 2020: dư nợ công không quá 65% GDP, dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP).


Thưa ông, tại sao lại có sự chênh lệch trong cách tính nợ công của Việt Nam?


Một số chuyên gia, tổ chức nước ngoài đưa ra chỉ số nợ công của Việt Nam có sự khác biệt với con số của Bộ Tài chính công bố có thể là do phạm vi tính nợ công của họ khác với Việt Nam, hoặc cũng có thể do sự khác biệt trong việc dự báo tốc độ tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, ngay cả với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) thì trong báo cáo đánh giá tháng 6/2012, họ cũng ước tính nợ công của Việt Nam ở mức 48,3% GDP vào cuối 2012 và ở mức 48,2% GDP vào cuối năm 2013. Cho tới nay, Bộ Tài chính không được biết tổ chức nào công bố về tình hình nợ công và dư nợ công ở Việt Nam năm 2011 cao tới mức 106% GDP cũng như căn cứ tính toán của họ.


Ông bình luận như thế nào về tình hình nợ công hiện nay của Việt Nam?


Tôi cho rằng, các chỉ số nợ công của Việt Nam vẫn đang ở dưới ngưỡng an toàn, nhưng thời gian tới các chỉ số nợ có xu hướng gia tăng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho cơ quan quản lý, một mặt phải đảm bảo an toàn nợ, an ninh tài chính quốc gia, một mặt phải đáp ứng vốn cho nhu cầu đầu tư phát triển đất nước.


Trong khi đó, việc gia tăng nguồn vốn vay để đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trong các năm tiếp theo rất lớn. Ngoài việc tăng vay của Chính phủ, sức ép gia tăng các khoản bảo lãnh Chính phủ cũng nhiều, làm tăng chi trả nợ trực tiếp cũng như nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước.


Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ trên thế giới thời gian vừa qua, kinh tế trong nước và quốc tế đều gặp khó khăn đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước. Một số doanh nghiệp vay lại nguồn vốn vay của Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh vay vốn gặp khó khăn đã không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, Bộ Tài chính phải thực hiện ứng trả thay để đảm bảo các cam kết quốc tế hoặc thực hiện tái cơ cấu tài chính. Bên cạnh đó, thị trường vốn trong nước cũng còn chưa phát triển nên các khoản huy động vốn trong nước thông thường có thời hạn ngắn, ví dụ như trái phiếu chính phủ thì phần lớn với thời hạn 3 - 5 năm. Mặc dù tỷ trọng vay trong nước trên tổng số nợ công có xu hướng tăng nhưng số lượng vốn huy động được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.


Theo nguyên tắc, đã đi vay thì sẽ phải trả nợ. Thực tế cho thấy từ trước đến nay Chính phủ Việt Nam rất nghiêm túc trong việc thực hiện các nghĩa vụ nợ với nước ngoài, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, gây mất uy tín, ảnh hưởng đến khả năng vay nợ trong tương lai. Mặt khác, do phần lớn các khoản vay nước ngoài của Chính phủ là từ nguồn ODA nên chi phí vay vốn thấp và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài hiện vẫn nằm trong phạm vi giới hạn an toàn.


Bộ Tài chính đã có giải pháp gì để quản lý nợ công đảm bảo an toàn và bền vững, thưa ông?


Với những thách thức trên, Quốc hội và Chính phủ đã định hướng kiểm soát mức nợ công (bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đến năm 2015 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Bên cạnh đó, đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ dự trữ ngoại hối nhà nước so với tổng dư nợ nước ngoài ngắn hạn hàng năm trên 200%.


Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để rà soát chính sách, chế độ hiện hành về quản lý bảo lãnh của Chính phủ theo hướng tăng cường chế tài xử lý vi phạm và trách nhiệm của người được bảo lãnh, cơ chế quản lý tài sản bảo đảm trong các chương trình, dự án được Chính phủ bảo lãnh, quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin đối với người được bảo lãnh. Trước mắt chưa xem xét bảo lãnh phát hành trái phiếu quốc tế. Các doanh nghiệp hoặc ngân hàng thương mại nếu có nhu cầu thì chủ động phát hành trái phiếu quốc tế không có bảo lãnh chính phủ. Biện pháp này dự kiến được áp dụng trong giai đoạn 2012 - 2014.


Ngoài ra, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các đơn vị sử dụng vốn vay, theo dõi chặt chẽ khả năng trả nợ của từng dự án đầu tư, từng doanh nghiệp; tổ chức thanh tra các dự án vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh có dấu hiệu khó khăn để kiến nghị các giải pháp xử lý phù hợp.


Trân trọng cảm ơn ông!



Minh Phương (thực hiện)

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN