Dự buổi tổng kết có lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, đại diện Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cùng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình giai đoạn 2010 - 2020.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Ninh Bình đã triển khai sâu rộng ngay từ những ngày đầu, tạo chuyển biến tích cực, qua đó khuyến khích các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện các mô hình hay, các sáng kiến, giải pháp mới trong xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 91 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 86% so với mục tiêu đề ra đến năm 2020; đặc biệt đã có ba đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là huyện Hoa Lư, huyện Yên Khánh và thành phố Tam Điệp (đạt 100% mục tiêu đề ra).
Không chỉ đạt chỉ tiêu về số lượng, tỉnh Ninh Bình còn nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia bằng việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu với mục tiêu chọn mỗi đơn vị cấp huyện một xã tiêu biểu để triển khai, làm tiền đề triển khai trên toàn tỉnh. Dự kiến ngay trong năm 2019 sẽ có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu như xã Gia Vân (huyện Gia Viễn), xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh), xã Yên Từ (huyện Yên Mô)...
Trong quá trình triển khai, tỉnh Ninh Bình đã huy động được trên 32.600 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chỉ gần 9.000 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình khác trên 4.500 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp trên 1.600 tỷ đồng; huy động từ nhân dân trên 9.800 tỷ đồng...
Thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới" giai đoạn 2011 - 2020, toàn hệ thống chính trị tỉnh Ninh Bình đã vào cuộc quyết liệt, phát huy sức mạnh tổng hợp năng động, sáng tạo, tinh thần cộng đồng của người dân nên đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, hiệu quả.
Điểm đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình chính là việc lấy sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đã được Trung ương áp dụng để nhân rộng trong cả nước. Bên cạnh đó, việc Tỉnh ủy phân công các đơn vị phụ trách kết nghĩa với các xã đặc thù của tỉnh cũng là một chủ trương phù hợp, kịp thời giúp các xã phá triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn, trong thời gian tới tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như: tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành mục tiêu là năm 2020 có thêm 10 xã trên toàn tỉnh và huyện Gia Viễn đạt chuẩn nông thôn mới; triển khai thực hiện đề án "Mỗi vùng có một sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn"; nội dung xây dựng nông thôn mới phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương và các cơ quan có liên quan.
Mặt khác, tỉnh Ninh Bình thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện chương trình, nghiên cứu ban hành chính sách xây dựng nông thôn mới trong tình hình mới và định hướng cho giai đoạn sau 2020; đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh" và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" gắn với xây dựng nông thôn mới...; tuân thủ nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư công, hạn chế phát sinh trong xây dựng cơ bản; rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhất là quy hoạch phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Tại lễ tổng kết, ba tập thể đã được nhận Cờ thi đua xuất sắc; 62 tập thể, 81 cá nhân được nhận Bằng khen của UBND tỉnh Ninh Bình về những thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020).