Những "nguy cơ" khi cây sắn được giá

Năm nay, do cây sắn tiếp tục được mùa và được giá nên đồng bào vùng miền núi tỉnh Phú Yên đang có xu hướng tự mở rộng diện tích, trong khi chính quyền địa phương lại xem nhẹ công tác quản lý, dẫn tới nông dân tự ý chuyển đổi các cây trồng khác để mở rộng diện tích sắn.

"Được giá” nên tự ý tăng diện tích

Năng suất sắn đạt từ 18 - 22 tấn/ha, giá thu mua sắn tươi tại bàn cân các nhà máy chế biến tinh bột từ 2.100 - 2.250 đồng/kg; còn giá sắn lát (sắn phơi khô) từ 4.800 - 5.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay. Tính ra mỗi ha thu nhập được từ 15 - 25 triệu đồng.

Nông dân xã Sơn Long, thuộc cao nguyên Vân Hòa (Phú Yên) thu hoạch sắn. Ảnh: Thế Lập


Vì vậy ở các vùng miền núi, vùng bán sơn địa của tỉnh Phú Yên, nông dân đang chuyển đổi nhiều loại cây trồng và đất hoang hóa sang trồng sắn. Có diện tích trồng đi trồng lại 2 đến 3 vụ sắn liên tiếp; trong khi đó việc canh tác phổ biến là quảng canh, nông dân chưa đầu tư phục hồi đất tương xứng, nên hậu quả nhãn tiền là không chỉ năng suất thấp mà nguy cơ đất sẽ bạc màu. Đây là điều đáng lo ngại.

Hiện tại, huyện Sông Hinh có gần 6.000 ha sắn, vượt 1.000 ha so với quy hoạch đến năm 2015 và có khả năng sẽ tiếp tục tăng vì sắn được giá. Riêng xã Sơn Giang đã trồng mới hơn 300 ha; trong đó khoảng 100 ha ở khu vực Soi Láng những năm trước chỉ trồng dưa, bắp lai, nhưng nay bà con đã chuyển sang trồng sắn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sông Hinh, ông Nguyễn Khắc Sự, cho biết: “Do giá sắn tăng cao nên diện tích tăng tự phát. Người dân tận dụng đất hoang, hay trồng xen canh trên đất trồng mè, đậu các loại và lúa thổ. Trước tình hình trên, chúng tôi đang phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động nhân dân chỉ nên trồng sắn ở khu vực đất xấu, không thích hợp với các loại cây trồng khác”.

Tương tự, huyện miền núi Đồng Xuân trồng được 3.400 ha sắn, tăng 400 ha so với niên vụ trước, trong khi đó địa phương này trước đây vốn là vùng trồng mía trọng điểm của tỉnh Phú Yên nhưng nay diện tích mía chỉ ở mức trên dưới 3.300 ha. Huyện Sơn Hòa có gần 1.750 ha sắn, tập trung chủ yếu ở xã Krông Pa với diện tích khoảng 1.000 ha, năng suất bình quân đạt 22 tấn/ha.

Một số diện tích áp dụng giống mới ở vùng cao nguyên Vân Hòa cho năng suất từ 25 tấn đến 28 tấn/ha. Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Hòa cho biết: “Có tình trạng nông dân ồ ạt chuyển đổi các loại cây trồng sang trồng sắn, trong đó đáng chú ý là nhiều người thay đổi diện tích mía sang trồng sắn, trong khi Sơn Hòa là vùng nguyên liệu mía của nhà máy đường KCP đã được tỉnh quy hoạch, nên có nguy cơ phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu”.

Theo nhiều nông dân, hiện nay thu nhập từ trồng sắn và trồng mía là ngang nhau với lợi nhuận từ 15 - 25 triệu đồng/ha, trong khi vốn đầu tư cho cây sắn ít, lại ít tốn công chăm sóc, còn trồng mía thì ngược lại…

Phá rừng trồng sắn

Do cây sắn được giá và tiêu thụ nhanh nên ở Phú Yên đang có tình trạng người dân lén lút phá rừng để trồng loại cây này. Theo Chi cục kiểm lâm Phú Yên, riêng năm 2010, có 228 vụ phá rừng làm rẫy, gây thiệt hại gần 100 ha, chủ yếu để trồng sắn hoặc mía. Nhưng đây cũng chỉ là con số thống kê được, vì không ít các vụ phát, đốt rừng làm rẫy không xác định được thủ phạm. Dọc hai trục đường miền Tây dài khoảng 115 cây số chạy qua 3 huyện miền núi có tình trạng người dân đã phát dọn, lấn sâu vào rừng tự nhiên từ phần đất canh tác của họ để trồng sắn.

Điều đáng lo ngại hơn nữa là giữa người trồng sắn với hai nhà máy chế biến tinh bột sắn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có một ràng buộc nào trong việc đầu tư vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm hoặc bảo hiểm giá, nên khi thị trường thu hẹp thì chắc chắn nông dân sẽ chịu phần thiệt thòi.

Tình hình trên cho thấy, UBND tỉnh Phú Yên sớm chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn nông dân nên áp dụng các biện pháp thâm canh cây sắn, nhất là tăng lượng phân hữu cơ; chuyển những diện tích đất trồng sắn đã bạc màu sang các cây trồng khác phù hợp; chỉ trồng sắn trong vùng quy hoạch và không nên chuyển diện tích trồng mía sang trồng sắn… Bên cạnh đó, UBND tỉnh Phú Yên cần can thiệp để các nhà máy tinh bột sắn có nghĩa vụ đầu tư vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo thu nhập cho người trồng sắn.

Thế Lập

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN