Nhiều trang trại tự sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt hiệu quả cao

Thời gian gần đây, các trang trại chăn nuôi lợn, gà trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang giảm dần. Dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, vốn vay lãi suất cao và giá lợn hơi lại có xu hướng giảm... khiến nông dân không còn khả năng tái đàn. Để duy trì chăn nuôi phải giảm được giá thành và tiết kiệm chi phí mới đảm bảo có lãi. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn trong tỉnh đã tự xoay sở bằng cách sản xuất và pha trộn thức ăn chăn nuôi nên đã duy trì và ổn định được sản xuất.

Theo ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cám Thanh Bình, những hộ chăn nuôi chọn phương án tự trộn cám để giảm chi phí là hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã cung cấp công thức pha trộn cám cũng như các chất cần thiết: vitamin, đậu nành, bột thịt, bột cá… giúp người nuôi lợn có thể tự tạo thức ăn chăn nuôi.

Anh Đỗ Quốc Phong, nhân viên một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn trong tỉnh, cũng là chủ trại lợn ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất- tỉnh Đồng Nai cho biết: Việc tự trộn cám cho lợn sẽ giúp chủ trại tiết kiệm được khá nhiều nhờ vào một số nguyên liệu như bắp, mì (sắn) và lúa mua tại chỗ giá rẻ. Trước đây, việc trộn cám còn tương đối phức tạp nhưng bây giờ các chất dinh dưỡng được nhiều công ty cung cấp khá đầy đủ. Theo anh Phong, khi lợn còn nhỏ cho đến khoảng 30kg/con nên cho ăn cám bao, sau đó chuyển dần sang cám tự trộn, như vậy thời gian nuôi vẫn đảm bảo.

Làm theo anh Phong, hộ ông Phạm Ngọc Hân ở xã Gia Tân 1, huyện Thống Nhất cho hay, ông nuôi 1.000 con lợn thịt, mỗi tháng sử dụng 50 tấn cám. Với phương án tự chế biến lấy thức ăn chăn nuôi, mỗi con lợn, ông Hân tiết kiệm được trên 100 ngàn đồng so với mua cám bao.

Anh Nguyễn Văn Kính, xã Phú Lộc, huyện Tân Phú (Đồng Nai) cho biết đã tận dụng nguồn nông sản giá rẻ như: bắp, lúa... đưa vào xay rồi pha trộn với cám đậm đặc cùng một số chế phẩm khác để chăn nuôi lợn. Theo tính toán của anh Kính, bình quân mỗi lần xay trộn 1 tạ thức ăn thành phẩm, chi phí như hiện nay chỉ tốn khoảng 830 ngàn đồng. Trong khi đó, giá cám tại các đại lý đã lên đến 1,2 triệu đồng/tạ. Anh Kính cho biết, trước đây đi mua cám bao về cho lợn ăn, nhưng khi đàn lợn tăng dần tính ra chi phí mua cám quá cao nên phải mua máy về pha trộn với cám đậm đặc nhằm giảm chi phí. Hiện tại, một bao cám trộn chênh lệch 60 ngàn đồng so với bao cám mua tại các đại lý. Mỗi năm anh Kính xuất chuồng khoảng 30 tấn lợn hơi cũng đã giảm được khoản tiền đáng kể.

Ông Lê Kim Chương cùng ở xã Phú Lộc, cũng là chủ một trang trại chăn nuôi lợn từ nhiều năm nay. Sau khi biết anh Kính sử dụng cách pha trộn cám có hiệu quả, ông đã đến tìm hiểu và làm theo. Hai năm nay, ngoài số lượng lợn nuôi gia công cho công ty CP khoảng 600 con/đợt, ông còn mở thêm 1 trang trại chăn nuôi tại ấp Giang Điền, xã Phú Thanh với 30 lợn nái, 200 con lợn thịt. Việc tận dụng nguồn nông sản có sẵn để chế biến cám đã giúp ông hằng năm tiết kiệm vài trăm triệu đồng. Ông Chương tính toán, nếu chăn nuôi thức ăn theo hình thức cám tự pha trộn sẽ giảm giá thành xuống khoảng 30%.

Được biết, hiện nay có một số doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã cho nhân viên đến tận các trang trại để hướng dẫn cách pha chế cám và bán những chất dinh dưỡng để sản xuất cám nên người chăn nuôi rất yên tâm về kỹ thuật pha trộn cám.

Phương pháp tự tạo nguồn thức ăn chăn nuôi từ nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn có sẵn tại địa phương đang được nhiều hộ gia đình và các trang trại chăn nuôi ở Đồng Nai áp dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần duy trì đàn lợn, ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường vào các tháng cuối năm./.

Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN