Nhiều lợi thế, vẫn khó thu hút đầu tư

Trong những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước mà đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài tại vùng ĐBSCL đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của toàn vùng và từng địa phương, góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu, thu ngân sách, giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Song xét về cơ cấu kinh tế, vốn đầu tư nước ngoài chưa được thu hút nhiều vào các ngành nông ngư nghiệp, nuôi trồng thủy sản...


Khó thu hút vốn


Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong thời gian qua, nguồn vốn ODA đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của cả nước nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng.

 

Xuất khẩu gạo vốn là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long. CTV


Gần 20 năm đổi mới (giai đoạn 1993 - 2012), vùng ĐBSCL mới được các nhà tài trợ ký kết thông qua các Hiệp định tài trợ vốn ODA cho cả vùng, với tổng giá trị khoảng 3,9 tỷ USD, chiếm khoảng 6,7% so với tổng nguồn vốn ODA của cả nước. Tổng giá trị thu hút vốn ODA thấp cùng với tiến độ giải ngân chậm, nên việc thực hiện nguồn vốn ODA lại càng khó khăn hơn. Ước tính đến hết quý II/2013, vùng ĐBSCL giải ngân đối với các chương trình, dự án đang thực hiện đạt khoảng 186 triệu USD. Mức này là thấp do một số chương trình, dự án ODA ký năm 2012 và 2013.


Bên cạnh đó, mức giải ngân nguồn vốn ODA cũng không đồng đều giữa các tỉnh.


Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, tính đến tháng 9/2013 vùng ĐBSCL đã có 802 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 11 tỷ USD, chiếm gần 5% về số dự án và 2,2% về vốn đăng ký, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước. Vốn FDI ở vùng ĐBSCL tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực kinh doanh bất động sản.


Về đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, toàn vùng ĐBSCL có 119 doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động. Số doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhanh, nhưng đều là các doanh nghiệp nhỏ về quy mô hoạt động và vốn đầu tư. Bên cạnh việc tăng số lượng doanh nghiệp thành lập mới, thì số doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động không hiệu quả phải dừng sản xuất kinh doanh cũng gần xấp xỉ ngần ấy, hiện nay là 2.496 doanh nghiệp, trong đó có 866 doanh nghiệp giải thể, và 1.630 doanh nghiệp ngừng hoạt động.


Nguyên nhân khó thu hút vốn đầu tư, được nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các nhà đầu tư cho rằng, tuy ĐBSCL đã có cảng biển, sân bay quốc tế nhưng do hạ tầng giao thông kém và trình độ lao động thấp nên các nhà đầu tư nước ngoài chưa muốn rót vốn vào khu vực này. TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng: “Việc các tỉnh ĐBSCL thu hút FDI thấp do chưa có hệ thống logistics (kho vận) từ Cần Thơ, các tỉnh trong vùng đến TP Hồ Chí Minh. Cảng Cái Cui, cảng Cần Thơ, sân bay Cần Thơ đã có nhưng hiệu quả thực sự chưa cao. Ngoài ra, lực lượng lao động, đặc biệt là lao động trong nông nghiệp nhiều nhưng trình độ học vấn thấp, tay nghề yếu nên doanh nghiệp (DN) nước ngoài rất ngại tuyển dụng”.


Hy vọng ở MDEC 2013


Vùng ĐBSCL hiện có hơn 50 KCN đã thành lập, tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy trung bình chỉ khoảng 37%, đây là tỉ lệ tương đối thấp so với mức trung bình của cả nước là 57%.


Tuy vùng ĐBSCL còn khó khăn về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xuất đầu tư cao, thiếu nguồn lao động có tay nghề kỹ thuật cao cũng như các chuyên gia đầu ngành còn thấp và thiếu... Nhưng nhiều chuyên gia kinh tế vẫn nhận định đây là một vùng đất nhiều tiềm năng và ĐBSCL cần “chắt chiu” những lợi thế của mình trong thu hút đầu tư. Theo ông Motoyuki Nakamura, năm 2007, sở dĩ ông đầu tư vào Việt Nam và chọn thành phố Cần Thơ là vì nơi đây giá nhân công rẻ hơn TP Hồ Chí Minh, lực lượng lao động tốt nghiệp đại học Cần Thơ cũng rất năng động. Hoặc như nhận định của ông Kim Do Kyong, đại diện Cơ quan Xúc tiến quốc gia công nghiệp và Công nghệ thông tin (Hàn Quốc): “Có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đến Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đầu tư nhưng chưa mặn mà với ĐBSCL. Vì đất nước chúng tôi sản xuất nhiều sản phẩm nông thủy sản nên không cần thiết phải nhập khẩu. Tuy nhiên, trong tương lai, ĐBSCL là khu vực nông nghiệp quan trọng nên chúng tôi sẽ đầu tư vào và hỗ trợ Việt Nam để phát triển sản phẩm có giá trị cao”.


Thực tế hiện nay cho thấy, các mặt hàng chiến lược của vùng ĐBSCL là lúa và thủy hải sản đang tiêu thụ hết sức khó khăn; kinh tế phát triển chưa bền vững, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản chưa ổn định. Thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chưa ổn định, sức cạnh tranh một số sản phẩm chủ lực chưa cao. Công nghiệp còn dựa chủ yếu vào ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu tại chỗ hoặc từ các tỉnh lân cận như công nghiệp chế biến nông sản, thủy hải sản thực phẩm, công nghiệp hóa chất, sản xuất vật liệu xây dựng... Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế. Số lượng doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động còn cao đã phản ánh tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn, doanh thu dịch vụ và tiêu dùng xã hội tăng trưởng thấp (bằng 50% mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2012).


Ông Bùi Ngọc Sương, Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo MDEC-Vĩnh Long 2013 mong muốn tại Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp vùng MDEC 2013 tại Vĩnh Long, các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các địa phương trong vùng, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư quốc tế sẽ trao đổi, tìm giải pháp hữu hiệu để đề xuất Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng, tăng cường liên kết vùng. Bên cạnh đó, thông qua Hội nghị này, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mời gọi các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp trong nước tìm hiểu, xúc tiến đầu tư các dự án trọng điểm của vùng, gồm 138 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 400.000 tỷ đồng và 2 tỷ USD.

Cần quy chế liên kết vùng

Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành Quy chế liên kết vùng ĐBSCL theo đề nghị của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cần ưu tiên tăng và tập trung nguồn vốn ngân sách,nguồn vốn ODA để đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, hệ thống thủy lợi, giáo dục, đào tạo và dạy nghề, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân, các công trình ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng vùng ĐBSCL. Nghiên cứu mở rộng cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, thuế thu nhập, thuế giá trị gia tăng… cho người nông dân, cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ và bảo quản, lưu trữ sản phẩm nông nghiệp để tăng đồng đều mức thu nhập bình quân đầu người giữa thành thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Nguyễn Phong Quang -
Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ

 

Nhân lực là yếu tố quan trọng

Cần chú trọng tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành thương mại - du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL. Vì thực tế, những năm qua TP Hồ Chí Minh đã quá tải, giao thông ách tắc, trường học không đủ phòng học phục vụ cho người dân thành phố và các tỉnh... Vì vậy TP Hồ Chí Minh chỉ nên tập trung khuyến khích các cơ sở đào tạo có uy tín của thành phố mở thêm chi nhánh tại các tỉnh để đào tạo đội ngũ nhân lực nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng và cũng là cách giảm tải cho TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, cũng cần hoàn thiện hệ thống thông tin phục vụ công tác xúc tiến thương mại - du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL. Nâng cao vai trò của các Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh và các tỉnh bằng cách tăng cường phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp cả về mặt thông tin, lẫn đào tạo nguồn nhân lực.... chủ động hợp tác dựa trên cơ sở lợi thế so sánh của từng doanh nghiệp theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa về lợi ích kinh tế...

Thạc sỹ Cao Minh Nghĩa,
Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh

 

Lê Hiền - Bích Liên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN