Nhiều giải pháp hoàn thành thu ngân sách nhà nước năm 2023

Bộ Tài chính cho biết, trong bối cảnh bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Bộ đã chỉ đạo thực hiện tốt các luật thuế và nhiệm vụ thu ngay từ đầu năm và sẽ tiếp tục thực hiện nhiều các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2023. Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Tiến Khánh/TTXVN

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp chính sách tài khóa, kết hợp với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế; phấn đấu hoàn thành và vượt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã đề ra.

Bộ Tài chính sẽ bám sát tình hình thực tế, điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách về thu ngân sách nhà nước phù hợp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương bám sát tình hình quốc tế, khu vực, trong nước phát sinh, để chủ động phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả. Bộ Tài chính quyết liệt thực hiện nhiệm vụ thu thu ngân sách nhà nước; phấn đấu thu đạt và vượt dự toán Quốc hội quyết định, bù đắp số giảm thu do thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Đồng thời, ngành tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu thu ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, xử lý thu vào thu ngân sách nhà nước các khoản phải thu theo kết luận, kiến nghị của cơ quan thanh tra, Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính kiên quyết loại bỏ những cơ chế, chính sách có dấu hiệu cản trở, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa quản lý thuế, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, giúp thu hút đầu tư kinh doanh, vừa nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý thu ngân sách nhà nước, vừa tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế.

Sáu tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước ước đạt 875,8 nghìn tỷ đồng, bằng 54% dự toán (thu ngân sách trung ương ước đạt 57,1% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 50,6% dự toán). Mức thu này giảm 7,8% so cùng kỳ năm 2022 (6 tháng đầu năm 2022 thu ngân sách nhà nước ước đạt 67,4% dự toán).

Theo Bộ Tài chính, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ thu ngân sách nhà nước; trong đó phải kể đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp còn khó khăn, thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm; khó tiếp cận nguồn vốn, chi phí vốn tăng cao; tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến; thị trường xuất khẩu sụt giảm; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều khó khăn...

Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an sinh xã hội. Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, đề xuất, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và khẩn trương tổ chức triển khai các chính sách tài khóa để cùng với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Thùy Dương (TTXVN)
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm hơn 19%
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm hơn 19%

Ngày 5/7, Tổng cục Hải quan cho biết, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 183.744 tỷ đồng, đạt 43,23% dự toán, giảm 19,19% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN