Nhiều doanh nghiệp FDI 'khát' lao động nữ

Tình trạng thiếu lao động nữ diễn ra triền miên và hiện nay việc tuyển dụng lao động nữ cũng không hề dễ dàng.

Nhiều năm qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư ngước ngoài (FDI) ở các Khu công nghiệp (KCN) tại tỉnh Vĩnh Phúc lâm vào cảnh thiếu lao động trầm trọng. Đặc biệt là tình trạng thiếu lao động nữ diễn ra triền miên và hiện nay việc tuyển dụng lao động nữ cũng không hề dễ dàng bởi nguồn cung lao động trong tỉnh có hạn.

Trong khi đó, các tỉnh, thành trong khu vực cũng đang đà phát triển, nhất là có các dự án nước ngoài quy mô lớn và có nhu cầu sử dụng lao động cao, họ đang tìm mọi cách tuyển dụng lao động ở địa bàn sở tại...

Sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Power Logics Vina (100% vốn đầu tư Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Phúc). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo báo cáo của công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, thời điểm đầu năm 2014 có 123 doanh nghiệp đầu tư với 42.540 lao động làm việc; trong đó có 90 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu hút 37.790 lao động.

Lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp nói chung tại thời điểm trên chiếm tới 70% và thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các khu công nghiệp đạt trên dưới 3,4 triệu đồng/người/tháng.

Bà Đinh Như Hoa, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: "Sau 3 năm tình hình hoạt động kinh doanh và lao động việc làm, thu nhập... trong các khu công nghiệp đã có sự chuyển biến rất rõ. Đến tháng 3/2017, các Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc có 166 doanh nghiệp đến hoạt động, sử dụng gần 72.800 lao động; trong đó có 139 doanh nghiệp FDI sử dụng 70.551 lao động. Thu nhập bình quân của công nhân lao động trong các khu công nghiệp đạt trên dưới 4,7 triệu đồng/người/tháng và lao động nữ trong các doanh nghiệp thuộc các khu công nghiệp nói chung chiếm tới gần 65%".

Có thể nói, chỉ trong vòng 3 năm số lao động trong các khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc đã tăng lên hơn 30.000 lao động và việc sử dụng lao động nữ vẫn đang chiếm tỷ lệ cao.

Qua khảo sát và ý kiến phản ánh một số cuộc đối thoại tỉnh Vĩnh Phúc với doanh nghiệp thì tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp hiện nay vẫn đang tăng vì số lượng doanh nghiệp tăng, nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và mở rộng quy mô sản xuất.

Dạo quanh các KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tại thời điểm này có rất nhiều bảng thông báo tuyển dụng mới được treo trước công các nhà máy. Điển hình là Công ty JAHWA VINA tuyển 5.000 công nhân sản xuất với công việc lắp ráp linh kiện điện tử, mức thu nhập từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng/người/tháng, tùy theo vị trí và năng lực nghề.

Công ty TNHH AMOVINA cùng ở KCN Khai Quang cần tuyển gấp 500 lao động phổ thông với mức lương khởi điểm 4.160.000 đồng/người/tháng không yêu cầu có kinh nghiệm. Công ty TNHH PARTRON VINA ở KCN Khai Quang, sản xuất linh kiện điện thoại di động, cần tuyển 300 công nhân, mức thu nhập bình quân 7.000.000 đến 8.000.000 đồng/người/tháng.

Hay như Công ty TNHH Vina Circuit 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, tại Khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên, sản xuất linh kiện điện thoại, cần tuyển 500 công nhân, tuổi từ 18 đến 35, thu nhập từ 6.500.000 đến 7.000.000 đồng/người/tháng.

Công ty TNHH Cammsys Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Bá Thiện, ngành nghề kinh doanh sản xuất và gia công linh kiện điện tử, cammera cho điện thoại di động đang cần tuyển 500 công nhân nữ, mức thu nhập phổ biến từ 7.000.000 - 8.500.000 đồng/người/tháng...

Có thể thấy chưa bao giờ nhu cầu tuyển dụng lao động lại nhiều như hiện nay. Tổng số các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh hiện thông báo tuyển dụng tới cả chục ngàn lao động, tập trung vào những tháng đầu năm 2017.

Điều đáng quan tâm là hầu hết các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc thông báo tuyển dụng nhưng quan tâm, ưu tiên đến lao động nữ là chính do giới chủ cho rằng các nghề may mặc, phân loại đóng gói sản phẩm, lắp ráp linh kiện điện tử... lao động nữ làm việc hiệu quả, phù hợp hơn.

Tuy nhiên, việc tuyển dụng hiện nay không hề đơn giản, nhất là lao động nữ nguồn cung đang bị thu hẹp vì một lực lượng lớn đang làm việc trong khu công nghiệp, trong khi đó các doanh nghiệp liên tục tăng mạnh về số lượng và quy mô.

Mặt khác, các doanh nghiệp FDI ở tỉnh, thành khác trong khu vực cũng đang tập trung tuyển dụng lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Hàng loạt các chính sách như xây dựng nhà ở cho công nhân, đầu tư nhà trẻ và trường học gần khu công nghiệp, đưa ra mức lương hấp hẫn, tổ chức các tuyến xe đưa rước, hứa hẹn đảm bảo các quyền lợi Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... để thu hút lao động, giữ người lao động.

Đây là những vấn đề đòi hỏi các doanh nghiệp FDI, các ngành chức năng, chính quyền địa phương ở Vĩnh Phúc phải quan tâm, nếu chưa có những cơ chế chính sách, đãi ngộ công nhân lao động thỏa đáng thì việc tuyển dụng, thu hút lao động, nhất là lao động nữ trong những năm tới sẽ là những bài toán đầy khó khăn, nan giải...

Nguyễn Trọng Lịch (TTXVN)
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ
Nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ

Tiếp tục ngày làm việc thứ hai, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiều đại biểu đến từ các bộ, ngành đã đóng góp những ý kiến tâm huyết nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề, bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN