Nhiều địa phương chưa đánh giá đúng tầm Chiến lược Tăng trưởng xanh Việt Nam

Trong 2 ngày 16 - 17/11, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh Việt Nam ở khu vực miền Trung.

Gần 100 đại biểu đại diện cho các ngành chức năng ở 19 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung đã tham dự hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành, địa phương, cùng chủ động triển khai, áp dụng vào thực tiễn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 32 tỉnh, thành phố và 8 bộ, ngành xây dựng ban hành kế hoạch hành động Tăng trưởng xanh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nhấn mạnh: Tăng trưởng xanh, phát triển ít khí các bon là mô hình phát triển mới được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Tăng trưởng xanh không những giảm khí thải nhà kính, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, mà còn nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, thay đổi cơ cấu sản xuất và tiêu dùng theo hướng bền vững, cải thiện đời sống người dân.

Hội nghị tập trung đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh ở các tỉnh, thành phố trong khu vực; chia sẻ kinh nghiệm, những khó khăn, thách thức của mỗi tỉnh trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động của địa phương. Theo đánh giá chung của các đại biểu, chính quyền nhiều địa phương chưa đánh giá đúng mức quan trọng của chiến lược Tăng trưởng xanh, nên đến nay tại miền Trung vẫn còn nhiều địa phương chưa xây dựng kế hoạch hành động của địa phương.

Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế theo Tăng trưởng xanh đang đặt ra nhiều thách thức, áp lực liên quan đến điều chỉnh các nguồn lực, đất đai, quy hoạch, nguồn vốn đầu tư của địa phương. Chỉ tính đến nguồn vốn để thực hiện, riêng miền Trung cần khoảng 15 tỷ USD để đầu tư tính đến năm 2020, do đó cần huy động từ tài trợ, các nguồn vốn tín dụng quốc tế và các nhà đầu tư trong nước.

Ông Phan Nguyễn Thanh Tân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận cho biết: Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh vào năm 2016, qua đó xác định 45 dự án trên các lĩnh vực cần được đầu tư với nguồn vốn lên đến 36.000 tỷ đồng. Nhưng nguồn vốn của tỉnh hạn hẹp, do đó việc triển khai cần dựa vào ngân sách trung ương và doanh nghiệp.


Ngoài ra, mỗi địa phương có cách làm riêng, không nhất quán, dẫn đến doanh nghiệp khó dự đoán được kế hoạch, dự toán chi phí đầu tư, tạo rủi ro cao cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các đại biểu chia sẻ, cần đẩy mạnh xúc tiến đầu tư xanh, có chính sách huy động đầu tư công cho các dự án thí điểm, xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá việc thực hiện chiến lược.

Đại biểu nhiều địa phương có thế mạnh về du lịch như: Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa… đề nghị Trung ương cần đào tạo nguồn nhân lực từ sự hỗ trợ của quốc tế và nhà nước; sớm ban hành Chiến lược phát triển du lịch sinh thái quốc gia và các chính sách ưu đãi phát triển du lịch sinh thái, để các địa phương áp dụng.

Tiên Minh (TTXVN)
Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục Dự án “Cải cách kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng xanh”, do Chính phủ Đức tài trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN