Nhiều cánh rừng bị xâm hại

Nhiều chuyên gia cho rằng, hầu hết những vụ cháy rừng đều liên quan đến sinh kế của người dân. Do vậy để bảo vệ rừng nói chung, ngăn chặn nguy cơ cháy rừng nói riêng, cần phải có những giải pháp hài hòa lợi ích giữa các chủ thể.


Xung đột lợi ích


Theo các đơn vị quản lý, bảo vệ rừng tại các tỉnh ĐBSCL, hàng năm khi thời tiết bước vào mùa khô, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng cho cộng đồng dân cư ở những nơi có rừng. Nhiều địa phương còn xây dựng những quy ước, hương ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư do người dân và chính quyền địa phương ký cam kết. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý rừng cho rằng, hiệu quả của công tác tuyên truyền vẫn chưa đạt hiệu quả do hầu hết những đối tượng thường xuyên xâm hại rừng là dân nghèo. Sinh kế của họ chủ yếu từ việc khai thác nguồn lợi từ rừng. Trong mùa khô, việc xâm nhập rừng trái phép sẽ dẫn đến nguy cơ cháy rừng rất cao. Bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa có ý thức, tích cực tham gia phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng.


Mặc dù có lệnh cấm nhưng người dân vẫn vào rừng khai thác lâm sản trái phép gây nguy cơ cháy rừng.

 

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống cháy rừng tỉnh Hậu Giang, khu vực rừng trồng phân tán của các hộ dân lên đến 517 ha, tuy nhiên phần lớn khu vực này lại không có kênh mương trữ nước vào mùa khô. Mặc dù rừng là tài sản của các hộ dân nhưng họ vẫn chưa chú trọng chăm sóc, vệ sinh rừng, thu gom thực bì dưới chân rừng bởi người dân cho rằng họ không có đủ điều kiện về nhân lực, tài chính để thực hiện công tác phòng ngừa.


Việc xâm nhập rừng trái phép, khai thác thủy sản, săn bắt động vật hoang dã, đốt ong lấy mật vẫn còn diễn ra phổ biến tại nhiều cánh rừng ở các tỉnh vùng ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), cho biết: “Dù lực lượng chức năng liên tục tuần tra, kiểm soát nhưng tình trạng xâm hại rừng vẫn liên tục xảy ra. Vấn đề này không chỉ tác động tiêu cực đến bảo tồn và phát triển sinh vật mà còn tăng nguy cơ cháy rừng trong mùa khô. Đặc biệt trong tình hình khô hạn như năm nay”.


Vấn đề tồn tại trong thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được chính là một bộ phận không nhỏ người dân sinh sống, canh tác trong rừng, ven rừng và tình trạng lấn chiếm đất rừng chưa được giải quyết triệt để, gây khó khăn cho công tác phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô hàng năm. Chẳng hạn tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang) hiện có 840 hộ dân sống trong và ven rừng, trong đó có 120 hộ sống trong khu bảo vệ nghiêm ngặt nhưng chưa được di dời. Ban quản lý khu bảo tồn đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân thận trọng trong sinh hoạt, canh tác để tránh nguy cơ cháy rừng.


Ông Nguyễn Văn Cường đánh giá, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, trong đó có đảm bảo an toàn phòng chống cháy rừng thì vườn phải chủ động phối hợp với các ngành, các xã trong vùng đệm mở nhiều đợt tuyên truyền, giáo dục nhân dân để nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng, tài nguyên rừng. Bên cạnh đó, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng phải thường xuyên tổ chức phối hợp tuần tra kiểm soát, triệt phá các đối tượng vi phạm chuyên nghiệp, có tổ chức. “Tuy nhiên quan trọng nhất là làm sao để người dân sinh sống xung quanh vườn có thể phát triển sinh kế, tăng thu nhập bằng việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Đó mới là giải pháp căn cơ”, ông Cường nói.


Bảo vệ rừng là bảo vệ sinh kế


Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ (Cà Mau), nhìn nhận: “Tạo sinh kế cho người dân là biện pháp bảo vệ và PCCCR hiệu quả nhất. Chính sách chung của công tác bảo vệ và PCCCR trong mùa khô là gắn liền với người dân, vận động nhân dân ký cam kết tham gia công tác bảo vệ và PCCCR cùng lực lượng chức năng với mức hỗ trợ 2 triệu đồng mỗi người/tháng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này thì không bằng việc người dân lén lút vào rừng bắt ong một ngày, bởi giá mỗi lít mật ong từ 180.000 - 220.000 đồng nên nhiều trường hợp vẫn cố tình. Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm đã phát hiện gần 10 vụ xâm nhập rừng trái phép với tang vật thu giữ là dụng cụ bắt ong. Do đó, chỉ có một biện pháp căn cơ nhất để hạn chế tình trạng người dân vào rừng gây nguy hiểm đến tình trạng bảo vệ và PCCCR là tạo sinh kế cho người dân, nhất là dân cư quanh vùng đệm”.


Theo đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ đã triển khai nhiều biện pháp bảo vệ rừng gắn với việc ổn định sinh kế cho các hộ dân sinh sống xung quanh vườn. Để giảm tác động xấu đến vườn và thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ rừng, vườn đã thí điểm cho trên 10 hộ dân ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Minh Thời trồng chuối, hoa màu trên đất của vườn với mục đích giúp cho họ có đất sản xuất và cùng tham gia công tác bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, vườn cũng đã triển khai dự án sinh kế cộng đồng với 3 tổ chuyên làm nghề khai thác ong rừng. Đến nay đã có 57 hộ tham gia canh giữ, gác kèo không cho bắt ong trên lâm phần ấp Vồ Dơi.


Ông Nguyễn Tấn Truyền, Phó phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế - Vườn quốc gia U Minh Hạ, cho rằng: Việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng phải song song với việc tạo điều kiện cho người dân phát triển sinh kế, khai thác và phát huy tiềm năng rừng mang lại. Đó là điều kiện tiên quyết để giải bài toán bảo vệ rừng hiện nay. Thời gian này, các hộ dân đang hỗ trợ vườn thực hiện công tác tuần tra, kiểm soát phòng chống cháy rừng từ 7 - 12 giờ. Thời gian còn lại sẽ giao cho lực lượng của vườn đảm nhiệm.

 

Vận động người dân tham gia bảo vệ rừng

Để công tác PCCCR trong những tháng còn lại của mùa khô có hiệu quả, việc tiếp tục vận động người dân sống quanh rừng cùng tham gia là rất quan trọng. Căn cứ vào tình hình thực tế, lực lượng công an, quân đội cần bổ sung thêm nhân lực về các địa bàn có rừng, một mặt bảo đảm an ninh, trật tự, mặt khác phản ứng nhanh với diễn biến phức tạp phát sinh. Cấm tuyệt đối các trường hợp tự ý vào rừng quốc gia, xử lý mạnh tay hơn nữa với những trường hợp tái phạm nhiều lần.

Ông Phạm Thành Tươi, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Trang bị các thiết bị phòng chống cháy rừng

Hiện nay, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi như cấp vốn đầu tư các phương tiện, trang thiết bị phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng. Đặc biệt, lực lượng kiểm lâm đã được quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đầy đủ để anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng trong mùa khô.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang

Sẽ quy hoạch lại vườn quốc gia

Hiện Ban quản lý Vườn quốc gia U Minh Hạ đang trình UBND tỉnh dự án quy hoạch, bảo tồn và phát triển Vườn quốc gia U Minh Hạ giai đoạn từ nay đến năm 2020. Điểm chính của dự án sẽ quy hoạch lại vườn thành 3 khu: Khu dịch vụ hành chính, khu phục hồi sinh thái và khu bảo vệ nghiêm ngặt. Hiện nay, Vườn quốc gia U Minh Hạ có vị trí phát triển du lịch rất thuận lợi nhưng do có quy hoạch tổng thể nên không thu hút được nhà đầu tư phát triển du lịch. Qua dự án này, sẽ đẩy mạnh phát triển du lịch, góp phần tạo thêm sinh kế cho người dân sinh sống xung quanh vườn.

Ông Huỳnh Minh Nguyên, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ


Bài và ảnh:Đức Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN