Nhật Bản quan tâm hợp tác công-tư tại Việt Nam

Ngày 16/7 tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã gặp gỡ, trao đổi về vấn đề hợp tác công-tư tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, Nhật Bản là đối tác thương mại cũng như nhà đầu tư hàng đầu của Việt Nam; tiềm năng hợp tác, nhất là về đầu tư còn rất lớn và ngày càng được cộng đồng doanh nghiệp (DN) hai bên quan tâm. Chính phủ hai nước cũng luôn chủ động thúc đẩy quan hệ kinh tế và nhất trí kết quả hợp tác lên tầm cao mới, nhất là sau khi hai nước trở thành đối tác kinh tế chiến lược của nhau.

Theo Thứ trưởng Đào Quang Thu, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa; tìm kiếm nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng nhanh từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước thông qua những cơ chế, quy định phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, việc xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP), cụ thể là Nghị định PPP đang được Bộ đang hoàn thiện lần cuối, dự kiến sẽ trình Chính phủ ban hành trong tháng tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) tổ chức Đối thoại cấp cao lần thứ 2 về hợp tác công–tư tại Việt Nam. Ảnh: Danh Lam/TTXVN


Ông Watanabe, Tổng giám đốc JBIC nhấn mạnh, DN Nhật Bản đặt niềm tin vào tương lai kinh tế Việt Nam, tìm cơ hội triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam; trong đó có hình thức PPP. Hiện một số tập đoàn kinh tế Nhật Bản quan tâm và đang trong quá trình đàm phán để đầu tư vào một số dự án nhiệt điện như Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2 và Vân Phong 1. Đây là những dự án khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển năng lượng ở Việt Nam cũng như nhu cầu đầu tư của DN. Do đó, JBIC có thể xem xét khả năng tài trợ vốn cho chủ đầu tư.

Ông Watanabe khẳng định, JBIC có nhiều kinh nghiệm tài trợ cho dự án theo hình thức PPP tại một số quốc gia và có thể chia sẻ với cơ quan chức năng Việt Nam nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng quy định, thực hiện các dự án PPP ở Việt Nam.

Hiện, hầu hết các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi, nhất là đơn giản hóa thủ tục trong Nghị định nói trên; tập trung vào trách nhiệm, quyền lợi của nhà đầu tư, giải quyết tranh chấp, xử lý rủi ro, nhất là tính nhất quán, dễ hiểu của Nghị định…
Cũng tại buổi gặp, ông Lê Văn Tăng, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu đã giới thiệu nội dung chính của dự thảo Nghị định, gồm 12 chương, với 82 điều cụ thể; trong đó, có quy định quan trọng như sự tham gia của DN nhà nước trong dự án PPP, vấn đề ưu đãi và bảo đảm đầu tư; lựa chọn nhà đầu tư…

Dự kiến, sau khi ban hành Nghị định, nguồn vốn từ khu vực tư nhân, nhất là đầu tư nước ngoài sẽ tăng rõ rệt so với thời gian trước, tập trung vào lĩnh vực xây dựng công trình hạ tầng giao thông và năng lượng.


Thúy Hiền
Doanh nghiệp Nhật tìm cơ hội đầu tư tại Hà Nam
Doanh nghiệp Nhật tìm cơ hội đầu tư tại Hà Nam

Ngày 15/7, đoàn doanh nghiệp là thành viên của Phòng Công nghiệp và Thương mại Tokyo (Nhật Bản) có buổi làm việc với tỉnh Hà Nam nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại địa phương này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN