Nhật Bản nỗ lực theo đuổi TPP 11

Nỗ lực mới nhằm theo đuổi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước thành viên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cuối cùng có thể mang lại lợi ích cho Nhật Bản khi mở rộng thương mại sẽ tạo ra cú hích đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Trước đó, tại cuộc họp ở Hà Nội ngày 21/5, bộ trưởng của 11 nước tham gia TPP đã nhất trí hoàn tất công tác chuẩn bị vào tháng 11/2017 tới để nhanh chóng đưa TPP đi vào hiệu lực, qua đó tiến sát hơn tới việc thực hiện TPP.

Trong khi vấn đề liệu các nước tham gia có thể chấp nhận TPP 11 hay không vẫn chưa có câu trả lời thì các nhà phân tích cho rằng ông Abe cần kiên trì đàm phán để hướng tới việc thực hiện thỏa thuận đa phương này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Nếu TPP 11 do Nhật Bản dẫn dắt có thể thúc đẩy các hoạt động kinh doanh và tăng cường đầu tư ở khu vực Thái Bình Dương, Mỹ có thể có động lực quay lại tham gia TPP trong một nỗ lực nhằm tận dụng tăng trưởng kinh tế nhanh.

Trừ phi TPP có hiệu lực dù thiếu sự tham gia của Mỹ, các quy định “cấp cao” về thương mại mà 12 nước tham gia ban đầu đã nhất trí trước đó có thể sẽ trở nên vô giá trị, mở ra cơ hội để Trung Quốc có thể dẫn dắt trong việc thiết lập ảnh hưởng kinh tế ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nhắc lại những quan điểm như trên, Bộ trưởng TPP của Nhật Bản Nobuteru Ishihara cho biết việc thực hiện TPP có ý nghĩa “chiến lược và kinh tế” quan trọng dù Mỹ có tham gia hay không.

Trước đó, bên lề Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại (MRT) của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ngày 21/5 tại Hà Nội, các Bộ trưởng và Thứ trưởng (thay Bộ trưởng) của Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand Peru, Singapore và Việt Nam đã nhóm họp để thảo luận về TPP.


Các bộ trưởng khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP, đồng thời nhấn mạnh các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của TPP là cách để thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, đóng góp tich cực vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên.

Trong khi đó, theo nhà nghiên cứu Jee Man-soo của Viện Tài chính Hàn Quốc, Hàn Quốc sẽ mang lại một cú hích cho TPP 11 do Nhật Bản dẫn đầu trong bối cảnh Seoul cần ủng hộ thương mại công bằng và tự do. Ông Jee Man-soo cho rằng Hàn Quốc và Nhật Bản cần hình thành một quan hệ đối tác để nỗ lực tái thiết lập vị thế của TPP.

Anh Quân/TTXVN
Tuyên bố mới nhất về Hiệp định TPP để ngỏ cửa với nhiều nền kinh tế khác
Tuyên bố mới nhất về Hiệp định TPP để ngỏ cửa với nhiều nền kinh tế khác

Ngày 21/5, tại Hà Nội, các Bộ trưởng và Thứ trưởng của 11 nước đã nhóm họp để thảo luận về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), khẳng định lại kết quả cân bằng và tầm quan trọng về mặt kinh tế và chiến lược của TPP.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN