Nhà đầu tư chưa mặn mà chỉ số VN30

Trái với kỳ vọng rằng chỉ số VN30 được đưa ra sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán và năng lực cạnh tranh của thị trường, đồng thời giúp các nhà đầu tư có cái nhìn mới hơn về thị trường, sau gần 1 tuần thực hiện giao dịch (từ 6/2 – 9/2), nhà đầu tư chứng khoán vẫn không thấy chỉ số VN30 có sự khác biệt nào so với chỉ số VN-Index.


Giao dịch tại Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS). Ảnh: Hoàng Lâm-TTXVN


Anh Văn Tí – nhà đầu tư công ty chứng khoán KimEng (TP.HCM) cho biết: “Trước khi Sở GDCK TP.HCM thực hiện chỉ số VN30, tôi cũng tranh thủ mua vào cổ phiếu VNM, một trong những cổ phiếu nằm trong “rổ” của chỉ số VN30. Tuy nhiên, sau khi VN30 chính thức đi vào phiên giao dịch, chỉ số này chỉ có giá trị tham khảo. Nếu tách riêng 30 cổ phiếu trong “rổ” chỉ số VN30 ra, cách tính chỉ số của thị trường mới có sự khác biệt”.

Thừa nhận vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng, chỉ số VN30 vẫn chưa phản ánh đúng bản chất thật của TTCK. Trên thực tế, việc đưa ra chỉ số VN30 nhằm thay đổi cách tính của chỉ số VN-Index. Bởi trong các năm qua, mặc dù nhiều lần chỉ số VN-Index tăng điểm nhưng nhìn tổng thể TTCK, rất nhiều cổ phiếu khác vẫn bị giảm mạnh. Nguyên nhân là chỉ cần hơn chục cổ phiếu có giá trị vốn hóa cao tăng điểm, sẽ kéo thị trường tăng theo và ngược lại.

Thế nhưng, nhìn vào 30 cổ phiếu được lựa chọn vào rổ VN30, hầu hết vẫn là dựa trên có giá trị vốn hóa cao. Trong đó, ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm chỉ có 9 công ty, nhưng đã chiếm 57% giá trị vốn hóa của rổ. Chưa kể cổ phiếu VCB – vốn hóa nhà nước không được bán rộng rãi trên thị trường tự do cũng được tính vào. Ngành bất động sản cũng chiếm đến hơn 10 công ty. Theo đó, chỉ cần vài mã CP bất động sản hoặc ngân hàng tăng thì chỉ số VN30 cũng tăng. Ngược lại, dù các cổ phiếu thực phẩm, chế biến tăng nhưng chỉ vài cổ phiếu bất động sản, ngân hàng giảm thì sẽ kéo chỉ số VN30 giảm. Như vậy, chỉ số VN30 vẫn không khác chỉ số VN-Index và các cổ phiếu tham gia chỉ số VN30 không đại diện cho thị trường và phản ánh nền kinh tế.

Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, thay vì lập chỉ số VN30, chúng ta nên loại bỏ những cổ phiếu không được lưu hành trên thị trường chứng khoán để chỉ số VN-Index phản ánh trung thực hơn thị trường. Hoặc nếu lập ra chỉ số VN 30, không nên chọn cổ phiếu dựa trên vốn hóa lớn mà nên chọn 1 – 2 công ty đại diện ngành và dựa trên thanh khoản của công ty. Như chỉ số Dow Jones của Anh và S&P 500 của Mỹ là những chỉ số phản ánh trung thực nhất của của thị trường và sức khỏe của nền kinh tế. Đây là những cổ phiếu đại diện từng ngành và được sự tín nhiệm của nhà đầu tư.

Theo bà Phan Thị Tường Tâm – TGĐ Sở GDCK TP.HCM, những hạn chế của VN30 như phản ứng của một số nhà đầu tư là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, xét về mục tiêu lâu dài, việc áp dụng VN30 không chỉ tạo thêm sản phẩm đầu tư cho thị trường mà việc xây dựng VN30 dựa theo phương pháp tính hiện đại còn nhằm tạo sự đồng bộ với thông lệ quốc tế về cơ cấu chỉ số, khả năng sinh lợi của chỉ số CP tại HoSE với các sàn chứng khoán trong khu vực. Theo đó, trong tương lai, chỉ số VN30 sẽ làm tốt mục đích của mình.

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN