Người dân trắng tay vì bị thương lái lừa tiền bán lúa

Thương lái lợi dụng tình hình nắng hạn kéo dài gây khó khăn trong tiêu thụ lúa, vào trong dân thu mua với giá cao sau đó báo nợ và bỏ trốn. Tình trạng này đang gây khốn đốn cho nhiều hộ dân tại ấp 15, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

14 tấn lúa bỗng chốc “bốc hơi”

Trong những ngày nắng hạn kéo dài, mực nước tại các tuyến sông chính chảy vào ấp 15, xã Khánh Lâm đã gần như cạn nước. Đời sống của người dân dưới tán rừng quanh năm chỉ biết bám víu vào cây lúa vốn đã khó khăn nay lại càng chồng chất khó khăn.

Ông Tô Văn Dự, Trưởng ban nhân dân ấp 15, xã Khánh Lâm cho biết, tình hình sản xuất của người dân trong ấp năm nay gặp nhiều khó khăn vì nắng hạn kéo dài. Theo thống kê, sản lượng lúa bình quân vụ mùa vừa qua tại địa bàn chỉ hơn 3 tấn/ha. Bên cạnh tình trạng mùa màng thất bát, giá lúa cũng xuống thấp.

Ông Trương Văn Vẹn cùng tờ biên nhận nợ sau hai lần thu mua nhưng với tên và chữ ký khác nhau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Ngoài ra, các ghe thu mua lúa thường có tải trọng khá lớn, khoảng 30 tấn nên khi nước trên các sông đã khô cạn khiến cho việc vận chuyển gặp khó khăn, thương lái sợ lỗ nên không cho ghe vào thu mua. Được vài hộ lúa trúng mùa thì bị thương lái lừa đảo, coi như mất trắng.

Nước cạn gây khó khăn cho việc giao thương, thêm vào đó là lượng lúa ít và giá sụt giảm, nhiều ghe lớn không vào sâu trong dân để thu mua. Nắm bắt tình hình đó, một thương lái tại ấp 4 xã Khánh An, huyện U Minh đã giở chiêu bài thu mua bằng đường bộ với giá thành cao hơn những thương lái khác từ 100 - 150 đồng/kg sau đó báo nợ và bỏ trốn để lại nhiều khó khăn cho những người dân nhẹ dạ, cả tin.

Đến gặp ba hộ dân là đối tượng chính bị lừa bán lúa mới thấy được hết sự khó khăn mà họ phải đối mặt. Sống trên phần đất gần 0,9 ha được nhà nước cấp chia đều cho mỗi hộ từ những năm 2000, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa, nên nguồn thu nhập chính là sống bằng nghề làm thuê còn lại thì chỉ biết trông chờ vào tiền bán chuối mỗi tháng hai lần tầm hơn trăm nghìn đồng từ quanh các bờ ruộng.

Ông Trương Văn Vẹn, một hộ dân chia sẻ, đợt lúa vừa rồi nhờ áp dụng kỹ thuật từ các lớp tập huấn của huyện mà lúa nhà ông được xem là trúng nhất ấp. Thu hoạch được 154 bao, ông định bán 144 bao (hơn 6,6 tấn) với số tiền hơn 30 triệu đồng. Sau khi trả tiền giống, vật tư và các khoản chi phí khác ông Vẹn chắc mẩm cũng dư hơn 10 triệu đồng. Thế nhưng bán lúa xong tiền chẳng thấy đâu mà nợ thì còn đó. "Vụ sau còn nợ đại lý như vậy không biết họ còn đầu tư cho tôi trồng lúa nữa không?", ông Vẹn lo lắng.

Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Văn Thơm và bà Lê Thị Khoe đều là bộ đội xuất ngũ. Ông Thơm lại mang trong mình chất độc da cam khiến hai người con trai cũng bị di chứng. Hai người con của ông giờ đã hơn 30 tuổi mà cứ như những đứa trẻ, nên ông Thơm dù đã hơn 60 tuổi, sức khoẻ giảm sút mà vẫn là lao động chính của gia đình.

Vụ lúa vừa qua ông Thơm thu hoạch được 140 bao, bán 105 bao còn lại để ăn chờ vào mùa vụ mới. Với hơn 4 tấn lúa bán được, ông nhẩm tính trừ chi phí phải trả cũng dư vài triệu đồng sau một năm trời làm lụng.

Ông Nguyễn Văn Thơm phải đi đào đất mướn để có tiền sinh sống sau khi bị lừa. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Ông Thơm tâm sự: “Nông dân thì lấy công làm lời là chính nên coi như cũng có dư. Không ngờ giờ đây mất trắng nên cả nhà chỉ biết sống dựa vào tiền bán chuối hàng tháng và khoản trợ cấp từ hai người con nhiễm chất độc màu da cam. Ngày nào khoẻ tôi đi đào đất thuê cũng chỉ kiếm thêm được dăm bảy chục nghìn. Thế nên, không mong gì trả nổi số nợ hơn chục triệu đồng đã đầu tư vào vụ lúa vừa rồi”.

Còn ông Trương Tấn Phước thì cho hay, hai vợ chồng ông đều là thương binh, nguồn sống hàng tháng chỉ dựa vào trợ cấp, vụ vừa rồi thu hoạch lúa chỉ được 70 bao nên bán hết để bù vào chi phí đã đầu tư. Chỉ ra phần ruộng sau nhà đã trơ lên nứt nẻ, ông Phước kể như muốn khóc: "Đất ở đây nhiễm phèn nặng, trồng lúa dù không có hiệu quả cao, nhưng vẫn có thể sống được. Ngoài trồng chuối trên các bờ bao quanh ruộng khó có thể trồng cây gì khác. Giờ lại rơi vào hoàn cảnh như thế này, chỉ biết làm đơn nhờ chính quyền địa phương nhanh chóng tìm được đối tượng đã lừa đảo".

Cảnh báo đề phòng gian thương

Theo đơn tố cáo của các hộ dân nơi đây, đối tượng đứng ra thu mua là Võ Văn Huy, ngụ ấp 4 xã Khánh An, huyện U Minh cùng một người phụ nữ tự giới thiệu là vợ tên Bùi Thị Liên, hay còn gọi là Phương.

Vào ngày 13/2/2016, hai đối tượng vào thu mua hơn 14 tấn lúa của 3 hộ dân nêu trên, nhưng đến khi tính tiền thì đối tượng Huy bảo cho thiếu và hẹn 3 ngày sau sẽ trả đủ số tiền hơn 70 triệu đồng. Nhưng sau nhiều lần liên lạc bằng điện thoại không được, các hộ dân có đến tận nhà ông Huy để tìm thì được biết ông Huy cùng bà Liên đã bỏ trốn.

Bà Lê Thị Khoe nay chỉ biết trông chờ vào việc bán chuối mỗi tháng được hơn trăm ngàn đồng sau khi bị lừa bán lúa. Ảnh: Huỳnh Thế Anh - TTXVN

Trước khi đi, hai đối tượng đã mua 1 chiếc xe gắn máy mang nhãn hiệu SH. Bên cạnh đó, trong tờ biên nhận nợ giữa đối tượng với các hộ dân cũng không thống nhất. Lần đầu, vào ngày 1/2/2016, đối tượng mua lúa của con ông Phước còn thiếu lại 5 triệu đồng thì kí tên Võ Văn Quan, nhưng cũng trên tờ giấy đó, khi mua lúa của ba hộ dân lại kí tên Huy và đều không thể hiện được cụ thể ngày trả. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các hộ dân liền làm đơn trình báo lên xã Khánh An.

Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An cho biết, sau khi nhận được đơn của bà con, nhận thấy đây là sự việc dân sự, xã đã chuyển về ấp làm thủ tục hoà giải nhưng không thành vì đối tượng Huy đã bỏ trốn. Qua rà soát, đối tượng Huy và Liên hiện nay không phải là vợ chồng. Bởi trước đó, Huy có vợ và đã ly hôn. Bên cạnh đó, đến ngày 9/3 phát sinh thêm một hộ khác cũng đến xã trình báo với phương thức tương tự đối tượng Huy đã chiếm đoạt 4 triệu đồng tiền mua chịu lúa. Thế nên, xã đã gấp rút tập hợp hồ sơ chuyển lên công an huyện U Minh thụ lý giải quyết.

“Lợi dụng lúc người dân gặp khó khăn để lừa đảo tài sản của người dân là một hành vi chưa có tiền lệ tại địa phương. Nên trước mắt chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng chuyên môn để nhanh chóng tìm ra đối tượng, đồng thời cảnh báo người dân nên cẩn trọng hơn nữa trong các mối quan hệ mua bán với thương lái”, ông Hợp nhấn mạnh.

Trong vụ lúa vừa qua, tại các địa phương trong tỉnh Cà Mau nông dân đã gặp nhiều khó khăn khi thương lái liên tiếp bỏ cọc không thu mua lúa, hoặc dùng các thủ thuật găm hàng chờ giá lúa hạ mới thu mua. Nhưng đây là trường hợp đầu tiên thương lái lợi dụng sự khó khăn trong việc tiêu thụ để thực hiện hành vi lừa đảo.

Nông dân Cà Mau lại thêm một bài học đắng cay từ việc làm ăn với những gian thương!

Huỳnh Thế Anh (TTXVN)
Xuất hiện “cò” lúa ép giá nông dân
Xuất hiện “cò” lúa ép giá nông dân

Mặc dù biết là bị thiệt nhưng người nông dân không còn cách nào khác nên vẫn thông qua “cò” để bán lúa khi thu hoạch, điều này đã gây nhiều bức xúc cho nông dân trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN