Ngư dân mở rộng khai thác mặt nước biển ven bờ

Để khai thác tốt hơn nguồn lợi thủy, hải sản, thông qua Hội Nghề cá, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức từng bước mở rộng quyền khai thác mặt nước biển ven bờ cho ngư dân.

 

Xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang là một trong những xã đầu tiên thuộc vùng biển Thừa Thiên - Huế được chọn làm thí điểm về mô hình này. Nhiều ngư dân bày tỏ sự hứng khởi với việc phân quyền khai thác mặt nước cho cộng đồng và các chi hội nghề cá. Hiện nguồn lợi hải sản đang bị cạn kiệt. Việc triển khai mô hình này sẽ giúp các địa phương quản lý, bảo vệ nguồn lợi hải sản tốt hơn.

 

                       

Người dân Thừa Thiên - Huế nuôi tôm trên vùng đầm phá Tam Giang. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN


 

Theo ông Nguyễn Lương Hiền, Chủ tịch Hội Nghề cá Thừa Thiên - Huế, đây là mô hình đồng quản lý giữa nhà nước và cộng đồng. Nếu các địa phương ven biển đều giao quyền khai thác mặt nước biển ven bờ cho ngư dân thì sẽ chủ động nâng cao được trách nhiệm trong công tác giám sát lẫn nhau trong cộng đồng dân cư, tránh đánh bắt bằng các phương tiện theo lối tận thu, huỷ diệt. Trong khi đó, Nhà nước lại giảm bớt được chi phí trong công tác quản lý.


Tương tự, trên vùng đầm phá, toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 36 chi hội nghề cá được UBND các huyện cấp 34 quyền khai thác thủy sản trong khu vực với diện tích hơn 14.500 ha. Ngoài ra, còn có 10 chi hội nghề cá cơ sở được giao quản lý 10 khu bảo tồn thủy sản quy mô nhỏ dựa vào cộng đồng, với 307,7 ha. Như vậy có hơn 70% diện tích đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được cấp quyền khai thác cho các chi hội nghề cá.

Đây là một dấu mốc quan trọng tiến tới hoàn tất việc cấp quyền khai thác mặt nước trên đầm phá, đồng thời phân cấp quản lý theo hướng chính là dựa vào cộng đồng trong thời gian tới. Trách nhiệm của cộng đồng ngư dân trong vùng được giao khai thác chủ quyền mặt nước đã tăng cường các hoạt động bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong vùng đã tổ chức và vận động cộng đồng tái tạo 5.000 con cá dìa giống và 7,5 vạn tôm sú giống vào các khu bảo vệ để làm giàu nguồn lợi thủy sản.


Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Lương Hiền, tồn tại lớn nhất ở hầu hết các chi hội trong tỉnh là mới chỉ chú trọng đến nâng cao sản lượng đánh bắt; chưa tìm ra phương án hoạt động kinh doanh, dịch vụ hợp lý trên biển để có thêm nguồn thu phục vụ cho hoạt động. Một chuyến đi biển của ngư dân thường kéo dài, có khi tới cả tháng, nếu có lực lượng tàu dịch vụ thu mua sản phẩm ngay trên biển thì việc đánh bắt hải sản của ngư dân sẽ có nhiều thuận lợi hơn, hiệu quả khai thác sẽ tăng lên. Tàu thuyền của ngư dân đánh bắt trên biển khi đó chủ động hơn trong việc đối phó với việc tàu Trung Quốc lấn chiếm ngư trường, xua đuổi, lấy hết sản phẩm, ngư cụ của ngư dân Việt Nam...


Quốc Việt

Trung Quốc thả 13 ngư dân Việt Nam
Trung Quốc thả 13 ngư dân Việt Nam

Trung Quốc đã thả 13 ngư dân Việt Nam, gồm 7 ngư dân của tàu cá Quảng Bình mang số hiệu QB 93256 TS và 6 ngư dân của tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN