Nghiên cứu nhiều phương án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương

Trong báo cáo gửi UBND TP Hồ Chí Minh về tình hình triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm kết nối vùng Đông Nam bộ, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh kiến nghị nghiên cứu nhiều phương án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương thời gian tới.

Chú thích ảnh
Đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo tiến độ dự kiến, dự án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương sẽ hoàn thành tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư năm 2023; năm 2024 lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, quyết định đầu tư. Công trình dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027.

Tháng 8/2022, Bộ Giao thông vận tải đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp về đề xuất đầu tư giai đoạn 2 tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận, trong đó thống nhất tách thành 2 dự án độc lập là mở rộng đoạn tuyến TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận. 

Bộ Giao thông Vận tải thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất 3 phương án đầu tư, trong đó có các phương án: bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư theo hình thức đầu tư công; đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT; đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BTL, BLT.... 

Tuy nhiên, hiện nay các phương án đầu tư có những khó khăn, vướng mắc. Theo Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, trường hợp đầu tư công thì việc đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và các tuyến đường nối thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Tuy nhiên hiện nay Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa có dự án này. 

Trong khi đó, trường hợp đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT lại liên quan tới đường cũ đang khai thác (đã được đầu tư từ ngân sách Trung ương) và có tính chất trên đường cũ.

Do đó, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh kiến nghị, trường hợp đầu tư công, Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí vốn ngân sách Trung ương thực hiện dự án hoặc bố trí kết hợp vốn ngân sách Trung ương và vốn ngân sách địa phương tham gia dự án. Trường hợp đầu tư PPP, kiến nghị Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu dự án.

Dự án xây dựng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương có chiều dài khoảng 62 km. Dự án đã đầu tư giai đoạn 1 và đưa vào khai thác từ tháng 2/2010. Tuyến chính (cao tốc) dài 39,75 km đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, đã đầu tư 4 làn xe cao tốc và 2 làn dừng xe khẩn cấp.

Trong khi đó, tuyến nối Bình Thuận - Chợ Đệm và Tân Tạo - Chợ Đệm đã đầu tư 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp; tuyến nối Thân Cửu Nghĩa - Quốc lộ 1 đã đầu tư 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.

Tiến Lực (TTXVN)
Nhiều vướng mắc khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam
Nhiều vướng mắc khi triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam

Ngày 28/2, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên và các đơn vị, địa phương liên quan nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN