“Nghị quyết 11 giúp thị trường tài chính, tiền tệ đi vào ổn định”

Đây là nhận định của ông Ayumi Konishi (ảnh), Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam trong cuộc trả lời phỏng vấn của PV Tin Tức về đánh giá hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành một loạt các biện pháp mạnh để thắt chặt chính sách tiền tệ, kiềm chế lạm phát, ổn định thị trường ngoại hối và tiền tệ. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của những chính sách này?

Việc Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 11 trong giai đoạn vừa qua là rất quan trọng. Đây không phải là những giải pháp mới nhưng Chính phủ đã thể hiện hành động rất rõ ràng là kiểm soát lạm phát và ổn định tình hình kinh tế vĩ mô được ưu tiên hơn là "tăng trưởng" trong giai đoạn này. Tôi tin tưởng các giải pháp của Nghị quyết 11 sẽ đem lại hiệu quả, trong đó giải pháp thứ sáu về "Chính sách truyền thông hiệu quả" sẽ là chìa khóa của vấn đề.
Nếu được thực hiện tốt, Nghị quyết 11 sẽ giúp cho thị trường tài chính, tiền tệ dần đi vào ổn định, đồng thời giúp Chính phủ có thể ổn định tình hình kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát. Thực tế, trong thời gian qua, Nghị quyết 11 đã làm giảm áp lực lên tiền đồng. Chúng ta đều nhận thấy thông qua thị trường ngoại hối, khoảng cách giữa tỷ giá mua bán ngoại tệ chợ đen và chính thức được thu hẹp, các nhà đầu tư dần tập trung vào tiền đồng.

Tuy nhiên, chúng tôi đặc biệt lưu ý rằng, lạm phát vẫn còn cao. Với việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 11, tỷ lệ lạm phát có thể bắt đầu đi xuống từ tháng 9/2011.

Chính phủ Việt Nam vẫn đang hỗ trợ giá các mặt hàng thiết yếu cho người dân như xăng dầu, điện... Có ý kiến cho rằng, cơ chế hỗ trợ này không đem lại nhiều hiệu quả mà còn gây áp lực lạm phát. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Chính sách trợ cấp năng lượng đã bóp méo hoạt động của thị trường và đây là giải pháp không bền vững. Việc Nhà nước dùng nhiều tiền để trợ cấp nhiên liệu đã gây ra sự khác biệt giữa giá cả trong nước và quốc tế, dẫn đến tình trạng buôn lậu và các hoạt động không mong muốn khác.

Tôi cho rằng, cần có cơ chế để giá cả của các mặt hàng này phản ánh đúng với chi phí thực tế, làm giảm gánh nặng tài chính của Chính phủ cho các khoản trợ cấp không hiệu quả. Do đó, chúng tôi tin rằng các chính sách để giá nhiên liệu được phản ánh đúng thực tế sẽ giải quyết những khó khăn này. Còn đối với người nghèo thì cần được hỗ trợ thông qua các phương tiện khác. Nếu làm như vậy sẽ có hiệu quả hơn trong việc bảo đảm phúc lợi chung của người dân, điều này sẽ tốt hơn so với việc cung cấp các khoản trợ cấp thông qua giá nhiên liệu.

Xin cảm ơn ông!

Hữu Vinh (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN