Ngày Doanh nhân Việt Nam - Bài 1: Sức bật mới để hồi sinh

Cộng đồng doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong các thành quả đạt được sau hơn 2 năm chống dịch COVID-19, bao gồm kiểm soát dịch bệnh, lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được đà tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính luôn ghi nhận sự tích cực, chung tay ấy; đặc biệt là của khu vực kinh tế tư nhân. Thủ tướng cũng luôn khẳng định, Đảng và Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là một thành phần kinh tế, động lực quan trọng của nền kinh tế nước nhà.

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất sản phẩm đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu tại nhà máy của Công ty CP Woodsland Tuyên Quang. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, trước các biến động chính trị, chính sách tài chính của thế giới, trong nước Ngân hàng Nhà nước vừa tăng một loạt lãi suất điều hành nhằm giữ vững ổn định vĩ mô, nhưng sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thêm một lần nữa cộng động doanh nghiệp thử thách bản lĩnh, ý trí tự lực để chung sức vào sự ổn định chung của đất nước. TTXVN thực hiện chùm bài viết nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) ghi nhận những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong quyết tâm vượt qua dịch bệnh, những bất ổn để chung sức xây dựng nền kinh tế vững mạnh.

Bài 1: Sức bật mới để hồi sinh

Trải qua những ngày tháng "bão tố" của đại dịch COVID-19, dư âm và những tác động tiêu cực của dịch bệnh vẫn luôn ẩn hiện. Cộng đồng doanh nghiệp đã phải đối mặt và tìm cách chống chọi với áp lực của tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ hoạt động sản xuất và gián đoạn lưu thông hàng hóa trên thị trường rồi những thăng trầm của những bất ổn chính trị trên thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu chậm nhịp phát triển.

Vượt qua thách thức đại dịch...

Tại Việt Nam, dù gồng mình, căng sức chống chịu, nhưng chỉ tính từ đầu năm 2022 tới nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường đạt hơn 104,3 nghìn doanh nghiệp; bình quân một tháng có 13 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tuy nhiên, lại cũng có hơn 149,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021; bình quân một tháng có 18,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và trở lại thị trường. Điều đó chứng tỏ, dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế ngày càng rõ nét; trong đó, nổi bật là vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.

Theo một khảo sát gần đây, do VCCI thực hiện cho thấy, cả nước hiện có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn tạo đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với nhiều dự án tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Song song đó, cũng đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn, năng lực quản trị, công nghệ hiện đại và tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, bất động sản, nông nghiệp...

Trong hơn 7 triệu doanh nhân hiện có, Việt Nam cũng đã có 6 doanh nhân lọt vào TOP "tỷ phú USD" toàn cầu năm 2021; trong 124 doanh nghiệp đã có 283 sản phẩm là thương hiệu quốc gia. Một số thương hiệu đã gây được tiếng vang và khẳng định giá trị thương hiệu Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra nhiệm vụ phải phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng; khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60 - 65%. Cùng với đó, là những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về nâng cao năng lực, phẩm chất, chất lượng nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý, quản trị doanh nghiệp; về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ tài, đủ tâm và đủ tầm đáp ứng được những thay đổi và thách thức ngày càng lớn của môi trường kinh doanh trong nước và quốc tế.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI ghi nhận, trong quá trình đổi mới, việc xây dựng và phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định quan trọng như Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm 2014, 2015, 2016, 2017 và 2018 và sau này là Nghị quyết 02/NQ-CP các năm 2019, 2020 và 2021, Nghị quyết số 35/NQ-CP… để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhờ sự nhất quán và xuyên suốt về mặt chủ trương, chính sách, hệ sinh thái cho cộng đồng doanh nghiệp hoạt động ngày càng thuận lợi hơn; trong đó, đáng kể là nhận thức của xã hội về vai trò của doanh nghiệp và môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng vào sự phát triển, lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay. Theo đó, số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng trưởng mạnh; chất lượng doanh nghiệp cũng ngày càng được cải thiện về trình độ học vấn, kiến thức và kỹ năng kinh doanh và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế; nhất là việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Và vươn lên, bứt phá

Báo cáo về thực trạng phát triển của đội ngũ doanh nhân qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 09/NQ-TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, Tiến sĩ Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) ghi nhận, vai trò tạo công ăn việc làm cho xã hội được các doanh nhân đánh giá cao nhất trong năm 2020, tăng so với vị trí thứ 2 của năm 2010. Điều này cũng có thể hiểu được nhất là trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID-19, khi mà vấn đề giải quyết công ăn việc làm đang được cả xã hội quan tâm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp kinh doanh, thậm chí là đóng cửa.

Thời điểm hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải đối mặt với áp lực lãi suất vay ngân hàng tăng sau khi Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm, buộc Ngân hàng Nhà nước phải nâng một số lãi suất điều hành nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kéo theo lãi suất cho vay có khả năng tăng lên. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định sẽ động viên các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí để giữ ổn định lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp ưu tiên.

Tuy nhiên, để khu vực kinh tế tư nhân có thể cống hiến nhiều hơn, phát huy vai trò và tập trung nguồn lực để xây dựng đất nước trở nên hùng cường, tiến xa hơn hiện tại ngoài vấn đề về lãi suất, nhất thiết đòi hỏi những đột phá mạnh mẽ về thể chế.

Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, trong quá trình xây dựng chính sách pháp luật về kinh doanh, đội ngũ doanh nghiệp rất ít được tham gia từ đầu. Những chính sách vốn ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, nhưng chính họ lại ít được tham gia vào quá trình xây dựng nên luôn gặp nhiều rủi ro, cho dù ở các địa phương, chính quyền các cấp luôn tổ chức tiếp xúc với giới kinh doanh để nắm bắt tình hình, song cũng chỉ là ghi nhận những bất cập, khó khăn do doanh nghiệp phản ánh. Đó là chưa kể những rào cản khi gia nhập thị trường, chi phí không chính thức, tham nhũng vặt, thanh kiểm tra chồng chéo hay trở ngại khi lợi ích của doanh nghiệp không được đảm bảo....

Để phát triển lực lượng doanh nghiệp ngày càng hùng mạnh, theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, nhất thiết phải thực hiện nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, với những đột phá về cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế đầu tư thông thoáng, xây dựng hệ thống chính sách pháp luật theo hướng bảo vệ doanh nghiệp, khuyến khích các doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo, ngăn ngừa, thải loại những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp... Không những thế, muốn có đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, Đảng, Nhà nước cũng cần có chủ trương, định hướng và sự quan tâm, tạo điều kiện thúc đẩy việc xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ mới; kiến tạo và hình thành các thiết chế văn hóa của doanh nhân Việt Nam để đảm bảo doanh nhân Việt Nam có văn hóa, văn minh ngang tầm với các mục tiêu lớn của quốc gia, dân tộc vào năm 2030 và 2045.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, hiện nay, Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế sâu rộng, hiệu quả, dựa trên 3 trụ cột là con người, tài nguyên thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa. Theo đó, cần phát huy tối đa năng lực, phẩm chất, trí tuệ của người Việt Nam trong mỗi doanh nhân; xây dựng văn hóa lành mạnh, văn minh, chuyên nghiệp, bình đẳng trong doanh nhân, đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên hết; đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp.

Trong bối cảnh, "vận nước đang lên" thì khu vực doanh nghiệp tư nhân chưa khi nào được khẳng định vai trò và được ghi dấu mốc quan trọng đối với kinh tế cả nước như hiện nay. Đây vừa là thách thức, song cũng là cơ hội cho đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam chuyển mình, bứt phá.

Bài 2: Liên kết tạo nên sức mạnh

Ngọc Quỳnh (TTXVN)
Doanh nhân Việt Nam - Gắn kết và phát triển
Doanh nhân Việt Nam - Gắn kết và phát triển

"Doanh nhân Việt Nam - Gắn kết và Phát triển" là chủ đề xuyên suốt của chương trình Kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, do Viện Đào tạo, Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE); Câu lạc bộ Các nhà Công Thương Việt Nam; Hội Doanh nhân trẻ thành phố Hải Phòng; Hiệp hội Bất động sản thành phố Hải Phòng phốihợp tổ chức vào ngày 8/10, tại Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN