Ngành xây dựng Đồng Nai kỷ niệm 35 năm thành lập và đón nhận huân chương độc lập hạng Ba: Giải pháp để phát triển đô thị bền vững

Được xác định là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa đã tạo nên một diện mạo mới cho các đô thị Đồng Nai. Tuy nhiên, mặt trái của quá trình đô thị hóa đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của các đô thị. Làm thế nào để kiến tạo bộ mặt đô thị của Đồng Nai hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa, kích thích sự tăng trưởng và phát triển, hạn chế những tác động tiêu cực dường như là bài toán khó nhưng vẫn phải có lời giải cho tỉnh lỵ có cư dân đô thị đông thứ 3 trong cả nước này.

Với đặc thù là đô thị công nghiệp, Đồng Nai có tỉ lệ đô thị hóa hơn 37%, dân số đô thị thuộc diện tăng trưởng cao (khoảng 60% trong vòng 10 năm). Vấn đề đặt ra cho đô thị Đồng Nai hiện nay là: Dân số và lao động tăng nhanh, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ cao, mất cân đối cung - cầu nhà ở, nguy cơ xuống cấp môi trường đô thị ngày càng tăng… Như vậy, Đồng Nai sẽ lựa chọn bài toán phát triển đô thị bền vững bằng các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó tiếp tục hoàn chỉnh về các thể chế, các quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, đột phá về hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển đô thị một cách bền vững.

Dự án chung cư cao tầng do ngành xây dựng Đồng Nai thực hiện. Ảnh: Báo Đồng Nai


Tuy nhiên, mỗi đô thị của Đồng Nai sẽ gắn chặt với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên không có “công thức chung” cho tất cả các đô thị. Đơn cử như Biên Hòa sẽ chỉnh trang đô thị, cải tạo đầu tư dần dần, còn Nhơn Trạch, Long Khánh, Trảng Bom sẽ là những đô thị mới.

Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm của đô thị Đồng Nai hiện nay là nhà ở đô thị. Thực tế cho thấy, việc đầu tư nhà ở không xác định cụ thể nhu cầu, xây xong không ai mua, giá bán cao trong khi người dân có thu nhập cao không nhiều dẫn đến việc người có nhu cầu nhà ở không thể với tới là những bất cập không chỉ gây lãng phí đất đai, tiền vốn mà còn đẩy người dân “xa hơn” với cái đích nhà ở của mình. Quan điểm làm nhà ở phụ thuộc khả năng thanh toán của người dân là để phục vụ những người có đủ khả năng thanh toán, còn với đô thị Đồng Nai chúng ta sẽ phải thực hiện chương trình nhà ở cho cả những người chưa đủ khả năng thanh toán. Như vậy, nhà ở xã hội là loại nhà ở phi hàng hóa và không phụ thuộc quy luật giá trị của hàng hóa. Muốn như vậy, nhà ở xã hội không thể theo giá thị trường.


Đến nay ngành xây dựng Đồng Nai đã tiến hành khảo sát và thực hiện quy hoạch chi tiết với tỷ lệ 1/2000 tại các thị trấn của các huyện cùng 23 phường và 7 xã thuộc thành phố Biên Hòa. Điều chỉnh quy hoạch chung các thị trấn thuộc trung tâm huyện: Đã phê duyệt được 7/9 thị trấn, 2 thị trấn còn lại đang thẩm định trình phê duyệt. Hiện tại, đang triển khai các quy hoạch trọng điểm như: Quy hoạch chung xây dựng khu vực xung quanh Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (21.000 ha); Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh Đồng Nai; Đề án thành lập Trung tâm hành chính mới của tỉnh; Điều chỉnh quy hoạch chung TP Biên Hòa giai đoạn 2010 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050...

Trên lĩnh vực phát triển đô thị, Đồng Nai là tỉnh có tốc độ đô thị hóa cao. Hiện tại, TP Biên Hòa là đô thị loại 2, thị xã Long Khánh là đô thị loại 4 và đang đẩy mạnh thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển và nâng cấp hệ thống đô thị trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 nâng cấp TP Biên Hòa lên đô thị loại 1, thị xã Long Khánh đô thị loại 3, thành phố mới Nhơn Trạch đô thị loại 2.

Trên lĩnh vực cấp nước sạch, đến nay, tổng công suất của toàn bộ hệ thống cấp nước trong toàn tỉnh là 230.000 m3/ngày (năm 1993 mới chỉ có 36.000 m3/ngày). Bên cạnh việc đầu tư phát triển nguồn cấp nước, ngành đã chú trọng mở rộng mạng phân phối nước phục vụ cho dân sinh và tạo điều kiện tốt cho sản xuất kinh doanh, nhất là các khu công nghiệp tập trung trong tỉnh. Tỷ lệ dân số đô thị được cấp nước sạch khoảng 98%; tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%; tiêu chuẩn cấp nước đạt từ (100 – 120) lít/người/ngày đêm. Tỷ lệ dân số được sử dụng dịch vụ thoát nước khoảng 34%; diện tích đô thị có hệ thống thoát nước phục vụ khoảng trên 30%. Chỉ tiêu về thu gom xử lý chất thải y tế đạt 100%, chất thải nguy hại đạt 61%, chất thải rắn thông thường đạt 85,2%. Đến nay đã có 20/22 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 90,5%).

Trên lĩnh vực quản lý phát triển nhà, vấn đề nhà ở cho công nhân, nhà ở cho người có thu nhập thấp, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả tốt. Tính đến năm 2010, toàn tỉnh có trên 300 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích là 36 triệu m2; tỷ lệ nhà kiên cố là 40 %, bán kiên cố là 52%. Về nhà ở cho người có thu nhập thấp, với 9 dự án đã được phê duyệt với tổng diện tích đất là 75 ha. Đối với đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, đã hoàn thành việc hỗ trợ 227/230 nhà ở cho hộ nghèo.

Giải pháp thực hiện mục tiêu này là: Nền đất, giải pháp về tài chính và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành và các đơn vị liên quan. Trước hết về quy hoạch phải gắn kết khu đô thị, khu dân cư với VLXD thân thiện môi trường nhằm hạ giá thành sản phẩm. Công tác quy hoạch phải tập trung và nghiên cứu một cách đồng bộ, chất lượng quy hoạch phải được nâng lên, đồng thời nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ thực hiện quy hoạch.

Về nền đất, Sở Xây dựng đề xuất phương án rà soát lại các KCN, bởi hiện có khoảng 60% nền đất được lấp đầy trong các KCN. Vì thế, khả năng thu hút đầu tư khu đô thị trong các KCN sẽ không nhiều. Nên cắt ra một phần đất trống để bố trí khu lưu trú công nhân. Khu đất này sẽ phục vụ thêm cho một số KCN lân cận. Khu đất được bố trí bao gồm khu lưu trú, nhà trẻ, mẫu giáo, chợ nhỏ. Tạo điều kiện sống và sinh hoạt tốt nhất cho công nhân thì cơ chế quản lý khu lưu trú phải đảm bảo được điều kiện sống riêng tư. Nếu làm được việc này, lợi ích sẽ rất rõ, đó là công nhân ở tập trung trong các khu lưu trú sẽ hạn chế việc đi lại, giảm tai nạn, ách tắc giao thông, giảm các tệ nạn xã hội.

Về tài chính, các khu lưu trú này sẽ được ưu tiên về giá thuê đất, hoặc ưu tiên cho sử dụng tiền thuê đất đầu tư vào trở lại, sau đó trả chậm hoặc trích một phần để giảm chi phí. Đề nghị UBND tỉnh đưa danh mục khu lưu trú cho công nhân như là yêu cầu bắt buộc đối với các nhà đầu tư khi có giấy phép đầu tư. Chương trình này phải được xây dựng thành một đề án cụ thể. Đó là những điều kiện “cần” và “đủ” để bước đầu đưa công tác nhà ở cho công nhân vào triển khai.



Hướng tới mục tiêu TP Biên Hòa trở thành đô thị loại 1 và trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Ngay từ bây giờ Biên Hòa đã quy hoạch vị trí đất “đẹp” để dành cho đầu tư thương mại, đồng thời phát huy lợi thế về địa lý của sông Đồng Nai. Việc kè sông Đồng Nai không chỉ tạo nên điểm nhấn riêng biệt cho đô thị Biên Hòa mà còn mang lại lợi thế lớn cho các khu đất hai bên bờ sông. Nguồn kinh phí kè sông rất lớn nên dựa vào ngân sách sẽ khó thực hiện hiệu quả, vì thế phải giảm tải vốn ngân sách bằng việc huy động các nguồn lực trong dân, trong các doanh nghiệp. Nếu mỗi năm kè được từ 50 - 100 mét bờ sông thì trong vòng 10 năm kè sông cơ bản hoàn thành.

Phát triển đô thị của Đồng Nai một cách bền vững, tạo nên chuỗi liên kết vùng đô thị xứng tầm với kỳ vọng là một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Bằng hành động thực tiễn, ngành Xây dựng sẽ dốc toàn lực lượng, sức lực, trí tuệ góp phần cùng tỉnh thực hiện nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ IX đề ra.

Tạ Huy Hoàng (Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai)

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái: Phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư

Trong 5 năm tới, Đồng Nai tập trung phát triển tăng dịch vụ cho xứng với công nghiệp. Phát triển hạ tầng để thu hút đầu tư và các dịch vụ đi kèm; Cải cách hành chính; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hình thức tại chỗ và thu hút từ địa phương khác tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN